Hành trình vươn tới giải 'Nobel toán học' của nữ giáo sư người Mỹ

Hàng chục năm nghiên cứu bền bỉ về toán học giúp bà Karen Uhlenbeck trở thành người phụ nữ đầu tiên giành được giải thưởng Abel danh giá.

Lần đầu tiên, giải thưởng Abel danh giá, còn được coi là "Nobel Toán học" sẽ được trao cho người phụ nữ. Đó là Karen Keskulla Uhlenbeck, giáo sư Đại học Texas tại Austin (Mỹ). Lễ trao giải được tổ chức ngày 21/5 tới. Bà đã có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giải tích, hình học và vật lý toán học.

Karen Keskulla Uhlenbeck sinh ra trong gia đình có bố là kỹ sư và mẹ là nghệ sỹ, Uhlenbeck từ nhỏ nuôi trong mình đam mê với khoa học và sách.

Năm 18 tuổi, Uhlenbeck theo học Đại học Michigan với mục tiêu nghiên cứu về vật lý. Nhưng khi nhận ra đây không phải là thế mạnh của mình, cô gái trẻ chuyển sang toán học, lĩnh vực bà đặc biệt ưu thích kể từ sau khi nhập học. Cũng trong thời gian ngồi trên giảng đường, bà nhận được giải thưởng đầu tiên trong đời về toán học khi mới 24 tuổi.

Bà Karen Uhlenbeck là người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng Abel. (Ảnh: CNN)

Sau khi tốt nghiệp đại học, Uhlenbeck tiếp tục các nghiên cứu của mình tại Viện Courant ở New York. Vài năm sau, bà kết hôn và theo chồng chuyển tới Harvard.

Từ đây, bà tiếp tục học thạc sỹ, tiến sỹ và dành hầu hết thời gian cho Toán học.

Hiện nhà khoa học 76 tuổi là học giả nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Viện nghiên cứu cao cấp (IAS) của Mỹ.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Uhlenbeck đã nhận được rất nhiều các giải thưởng lớn, nhỏ cho những nghiên cứu đột phá và có tầm ảnh hưởng của mình. Bà là người phụ nữ đầu tiên được chọn bầu Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ và nhận Huy chương khoa học quốc gia vào năm 2000. Năm 2007, bà được trao giải Leroy P. Steele, giải thưởng của Hội Toán học Mỹ, được trao hàng năm cho các công trình nghiên cứu và bài trình bày xuất sắc trong lĩnh vực toán học.

Bà cũng nắm giữ nhiều vị trị tại Viện Nghiên cứu cao cấp và là Chủ tịch Quỹ Sid W. Richardson Regents của Đại học Texas-Auston.

Bên cạnh những thành tích chói lọi trong sự nghiệp, bà Uhlenbeck cũng là một người mạnh mẽ ủng hộ, khuyến khích phụ nữ tham gia vào toán học. Bà là người đồng sáng lập Chương trình cho Phụ nữ và Toán học ở Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu cao cấp. Chương trình này giúp phụ nữ từ khắp nơi trên nước Mỹ tham dự vào cá khóa học chuyên sâu về toán học trong dịp hè.

Vào ngày 21/5 tới đây, bà Uhlenbeck sẽ được trao giải thưởng Abel tại Đại học Aula ở Oslo bởi nhà vua Na Uy Harald V.

Giáo sư tới từ Đại học Texas được vinh danh nhờ những công trình mang tính nền tảng về phân tích hình học và lý thuyết trường chuẩn, được mô tả là những đóng góp quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực toán học thế kỷ 20.

"Những nghiên cứu của bà Uhlenbeck đã thay đổi hoàn toàn cách hiểu của chúng ta về những bề mặt rất nhỏ, như những thứ được tạo nên từ những bong bóng xà phòng và những vấn đề vi mô tổng quan hơn trong các kích thước cao hơn", Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Abel Hans Munthe-Kaas nói tại lễ trao giải thưởng Abel hôm 20/3.

Ông Paul Goldbart, trưởng khoa khoa học tự nhiên tại Đại học Texas cho rằng các công trình nghiên cứu của bà Uhlenbeck đã dẫn tới những tiến bộ mang tính cách mạng ở giao điểm giữa vật lý và toán học.

"Nghiên cứu của Uhlenbeck đã dẫn dẫn đến những tiến bộ mang tính cách mạng ở giao điểm của toán học và vật lý. Những hiểu biết tiên phong của bà ấy có thể áp dụng được trên một loạt các chủ để lý thuyết dây có thể giúp giải thích bản chất của thực tế cho tới hình học của không - thời gian", ông Goldbart nói.

Giải Nobel không có lĩnh vực toán học. Thời gian qua, giải thưởng toán học có uy tín nhất là Huy chương Fields, nhưng chỉ giới hạn cho các nhà toán học 40 tuổi hoặc trẻ hơn. Còn giải Abel, lần đầu được trao vào năm 2003, tôn vinh một cuộc đời cống hiến cho toán học và đánh giá tầm ảnh hưởng của nhà toán học. Giải được đặt theo tên nhà toán học người Na Uy Niels Hendrik Abel, trị giá 6 triệu kroner Na Uy (704.000 USD).

(Nguồn: Tech Times, New Scientist)

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hanh-trinh-vuon-toi-giai-nobel-toan-hoc-cua-nu-giao-su-nguoi-my-d464173.html