Hành trình vượt khó

Bất chấp không ít gian nan, 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vẫn cho thấy quyết tâm và nỗ lực hướng tới một 'thỏa thuận tiêu chuẩn cao'- một 'thỏa thuận vàng' về tự do thương mại.

Phải nói rằng, CPTPP đáng được coi là một trong những hiệp định thương mại gặp nhiều trắc trở nhất lịch sử. Việc đại diện 11 quốc gia thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) ký CPTPP tại Santiago, Chile vào tháng 3-2018 sau 7 năm với hàng chục vòng đàm phán cam go đã minh chứng cho điều đó.

Có được kết quả như hôm nay, đừng quên những gì mà CPTPP đã phải trải qua! Trở lại ngày 23-1-2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định chính thức rút khỏi TPP, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thậm chí đã nói rằng: “TPP sẽ chả còn ý nghĩa gì nữa nếu không có Mỹ”. Quả thực, sự thiếu vắng bất ngờ của một thị trường lớn như Mỹ khi ấy không chỉ tạo ra không khí thất vọng và “kém vui” cho các bên, mà còn dẫn đến tâm lý lo ngại về khả năng 11 quốc gia còn lại tiếp tục bị cuốn theo dòng xoáy tan rã, khiến tương lai của hiệp định này càng giống như đốm lửa nhỏ phía cuối con đường dài.

Nhưng những gì diễn ra trong một năm rưỡi qua đã cho thấy, ngay cả khi có ai đó dừng bước thì “cuộc chơi” sẽ vẫn tiếp diễn. Sự chủ động và quyết liệt dẫn dắt của Nhật Bản cũng như Việt Nam đã giúp các nước còn lại kiên trì, không kể ngày đêm bám trụ trên bàn đàm phán. Chỉ riêng trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11-2017, đã có ít nhất 8 vòng đàm phán giữa các quốc gia liên quan, trong đó có những cuộc đàm phán kéo dài thêm nhiều giờ so với dự kiến.

Chính quyết tâm và sự nỗ lực ấy đã mang lại những “trái ngọt”, khi tháng 11-2017, các nước thành viên còn lại đã hoàn tất quá trình tái đàm phán và đạt được thỏa thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời TPP cũng chính thức được đổi tên thành CPTPP.

Sau khi đã xuất sắc “vượt chướng ngại vật”, sự tự tin và quyết tâm càng được nhân lên gấp bội, để CPTPP tiếp tục lướt đi trên hành trình cán đích. Gần đây nhất, ngày 19-7 vừa qua, sau cuộc họp kéo dài tại khu nghỉ dưỡng Hakone thuộc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản), trưởng đoàn đàm phán tới từ 11 quốc gia thành viên CPTPP đã nhất trí sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với các nước muốn gia nhập CPTPP ngay trong năm 2019 một khi hiệp định này có hiệu lực. Theo quy định được các quốc gia thành viên thống nhất, CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có ít nhất 6 nước tham gia hiệp định này hoàn thành thủ tục thông qua trong nước. Sau Nhật Bản, Mexico và Singapore, ba quốc gia khác là Australia, New Zealand và Việt Nam dự kiến cũng sẽ phê chuẩn CPTPP ngay trong năm nay, từ đó mở đường cho hiệp định này bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Ý tưởng và mong muốn mở rộng CPTPP do Nhật Bản đề xuất cũng đón nhận những tín hiệu vui khi một số nước, như: Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Colombia… dường như cũng muốn tham gia cuộc chơi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox mới đây cũng tuyên bố nước này sẽ lấy ý kiến người dân về khả năng tham gia CPTPP.

Vậy đâu là lý do khiến CPTPP ngày càng có sức hút và tiếp thêm động lực để các quốc gia thành viên quyết đi đến đích?

Dù được đánh giá là có quy mô nhỏ hơn so với TPP, song dựa trên những cam kết đã được tiết lộ, CPTPP vẫn được đánh giá là một hiệp định thương mại mẫu mực của thế kỷ 21. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 500 triệu dân và Tổng sản phẩm GDP khoảng 13.500 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn thế giới. Bên cạnh đó, so với nhiều thỏa thuận thương mại khác ở khu vực cũng như toàn cầu, CPTPP tỏ ra vượt trội về nội dung hợp tác nhờ đề cập đến hàng loạt vấn đề từ truyền thống tới phi truyền thống, chẳng hạn như mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Chất lượng hợp tác thì càng cho thấy “sức hấp dẫn khó chối từ” khi CPTPP bao gồm việc cắt giảm thuế quan đối với hơn 90% dòng hàng hóa của các nước thành viên song song với những cam kết hợp tác khác.

Trong bối cảnh thế giới đang bị bao trùm bởi nỗi lo về chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, hy vọng về một kết thúc có hậu cho CPTPP sau hành trình vượt khó càng lớn hơn bao giờ hết!

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/hanh-trinh-vuot-kho-544702