Hành trình Washington, New York hoa lệ, giàu cảm xúc

Manhattan, New York với những tòa nhà chọc trời như xuyên vào tảng mây nhìn từ xa mà thấy rất gần. Tôi chỉ tiếc khi không được xuống khỏi ôtô để lao về phía ấy chụp một tấm hình.

Check-in Nhà Trắng, dạo bước Đài tưởng niệm ở Washington

New York và Washington là hai trong số những thành phố nổi tiếng của Mỹ. Phóng viên Zing.vn đáp chuyến bay từ Las Vegas hạ cánh tại thủ đô trong một buổi chiều se lạnh. Bầu trời khi ấy sầm lại như muốn mưa, có vẻ không chiều lòng một tay nhiếp ảnh báo chí, đi hàng chục nghìn km rồi ra về gần như trắng tay trong việc săn hình. Nếu tính theo khoảng cách, từ Hà Nội đến thủ đô nước Mỹ là 13.359 km (tương đương 8.300 dặm), đến New York là 13.142 km, còn tính theo đường chim bay, khoảng cách từ TP.HCM đến Washington D.C là 14.448 km. Cả hai chiều bay, một du khách từ Việt Nam phải di chuyển gần 30.000 cây số.

Tôi và bạn đồng hành trong chuyến đi này đã đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên có mặt ở châu Mỹ. Và sự hồi hộp, niềm háo hức trào dâng khó tả như thể lần đầu được đi nước ngoài. Tôi dám khẳng định rằng trong những ước mơ của nhiều người, không thiếu niềm khát khao một cơ hội đặt chân tới Mỹ.

Xứ cờ hoa xuất hiện trên phim ảnh đã nhiều. Có lẽ ai cũng từng biết về Mỹ và nhiều địa danh nổi tiếng qua màn ảnh nhỏ hay các trang mạng nhưng ước muốn được check-in với tượng Nữ thần tự do, tận mắt thấy Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ hay tham quan di tích tòa tháp đôi từng bị khủng bố đánh sập ngày 11/9/2001 vẫn là niềm mong mỏi của những người thích đi du lịch.

Đường từ sân bay về Washington vào giờ tan tầm luôn trong tình trạng ùn ứ xe cộ.

Đường từ sân bay về Washington vào giờ tan tầm luôn trong tình trạng ùn ứ xe cộ.

Tôi và bạn bè đến bờ Đông nước Mỹ trong một buổi chiều không có nắng, thời tiết khá lạnh. Ngay sau khi xuống sân bay ở Washington, chúng tôi lên ôtô đến Nhà Trắng và Tòa nhà Quốc hội - hai trong số những địa danh được coi là phải đến đối với du khách quốc tế lần đầu tới Mỹ. Một chút không thuận lợi xảy ra, đoàn đã phải di chuyển chậm vì kẹt xe trên cung đường từ sân bay về trung tâm thủ đô.

Ngay sau đó, mọi bực bội cũng như nỗi sốt ruột tan biến. Ấn tượng đầu tiên với tôi là những con phố đẹp, sạch sẽ, hàng cây xanh mát, các khối tòa nhà được xây dựng mang nhiều loại hình kiến trúc khác nhau... là điểm khác biệt của Mỹ với các nước khác.

Giống như ở các nước văn minh, phát triển, người dân tham gia giao thông trên đường phố rất văn hóa, kỷ luật. Tài xế ôtô mỗi khi gặp người đi bộ có dấu hiệu muốn qua đường liền dừng lại nhường. Nếu người đi bộ còn chần chừ không hiểu, họ liền ra dấu hiệu hãy đi qua.

Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Washington D.C.

Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Washington D.C.

Trước cổng Nhà Trắng có nhiều lớp hàng rào di động che chắn. Cảnh sát đứng canh gác ở nhiều vị trí. Du khách tới đây phải đi bộ từ đầu đường vào. Ở đây, khách du lịch thoải mái chụp ảnh, nhưng nếu muốn vị trí đẹp nhất, bạn phải chờ đến lượt. Ngó từ xa vào trong, đội mật vụ Mỹ đứng các góc. Một vài lính sẵn sàng với súng bắn tỉa trên nóc tòa nhà, trực thăng đi tuần xung quanh liên tục. Tôi chỉ tiếc không cầm theo ống kính tele để zoom vào lính gác đi lại trên nóc Nhà Trắng, chụp vài tấm ảnh.

Theo lời khuyên của nhiều tín đồ du lịch, đã đi thăm thú các địa danh, du khách nên tìm hiểu những công trình văn hóa có bề dày lịch sử. Với riêng Washington, nơi này sở hữu không ít thứ đó. Tọa lạc giữa thủ đô xứ cờ hoa là đài tưởng niệm vinh danh những vị tổng thống có công với đất nước, các chiến sĩ hy sinh trong những cuộc chiến đấu như tháp Washington, đài tưởng niệm Lincoln, đài tưởng niệm Jefferson, đài tưởng niệm chiến sĩ Đệ nhị Thế chiến... Điều đặc biệt, tất cả đài tưởng niệm, dinh tổng thống, tòa nhà Quốc hội, Tối cao Pháp viện cũng như viện bảo tàng đều nằm trên khu đất công viên xanh mát National Mall, bên cạnh dòng sông Potomac.

Người dân và du khách tụ tập đông trước cửa Nhà Trắng và tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Đường vào Nhà Trắng được phong tỏa hàng ngày, chỉ cho đi bộ, xung quanh xe cảnh sát túc trực 24/24 giờ.

Phía bên kia hồ Tidal Basin, nằm giữa rừng cây anh đào Nhật là đài tưởng niệm Jefferson (Jefferson Memorial), vị tổng thống thứ 3 của Mỹ (1801-1809) và là tác giả chính của Bản Tuyên ngôn Ðộc lập công bố năm 1776. Ông được người Mỹ xem như một trong những người cha khai sáng đất nước.

Ðài tưởng niệm Jefferson theo kiểu bán cổ điển với kiến trúc nhiều cột (kiểu đền La Hy) cùng vòm mái hình bán cầu màu trắng hoàn thành năm 1943. Trong đền có tượng Jefferson đứng bằng đồng được bổ sung vào năm 1947, do điêu khắc gia Rudulph Evans sáng tác. Đài tưởng niệm được xem là danh thắng đẹp hùng vĩ nhất thủ đô vì nằm giữa rừng anh đào và soi bóng trên hồ nước phẳng lặng. Đứng đây chừng 30 phút, du khách sẽ thấy những chiếc máy bay dân dụng và trực thăng lượn qua đầu liên tục, cảm giác như sân bay ở rất gần trung tâm thành phố.

Đài tưởng niệm Jefferson.

Nếu như ở Pháp, tháp Eiffel là một trong những biểu tượng của Paris và cả nước, thì với Washington DC và nước Mỹ, tháp Washington (tháp Bút chì, cao 169 m) tương tự vậy. Có mặt ở Washington, dù đỗ xe ở điểm nào, loanh quanh một hồi, du khách cũng thấy ngọn tháp, khi ở hướng này lúc lại hướng khác, hệt như thấy tháp Eiffel của Paris.

Sở dĩ, người ta gọi tháp Bút chì (Washington Monument) bởi hình dáng bên ngoài ngọn tháp giống hệt cây bút chì dựng đứng đặt tại National Mall. Trong phong thủy, người ta thường gọi biểu tượng này là "cây bút viết lên trời xanh". Tháp Bút chì nằm ngay trung tâm giao nhau giữa hai trục chính là trục đông tây với tòa nhà Quốc hội Mỹ và nhà tưởng niệm TT Abraham Lincoln; còn trục bắc nam là Nhà Trắng và nhà tưởng niệm Thomas Jefferson nhìn ra hồ Tidal Basin. Cách bố trí này, theo học thuyết ngũ hành là làm cho Nhà Trắng và Nhà Quốc hội thịnh vượng hơn.

Tháp Bút chì Washington được xây dựng vào năm 1848 nhưng mãi đến năm 1884 mới hoàn thành. Đây là công trình cao nhất thủ đô nước Mỹ và có cấu trúc bằng đá độc lập cao nhất thế giới, một trong những biểu tượng lâu đời và nổi tiếng nhất về lòng tự hào dân tộc.

Tháp Bút chì (Đài tưởng niệm Washington) là khối kiến trúc cao nhất thủ đô nước Mỹ và cũng là công trình gặp nhiều gian nan khi xây dựng.

Check-in dưới chân tượng Nữ thần tự do ở New York

Cùng hành trình với tôi là một cựu hướng dẫn viên du lịch đến từ Hà Nội. Anh kể đã đi nhiều nước khi còn dẫn đoàn nhưng nước Mỹ trong anh vẫn là một giấc mơ từ lâu.

Rời Washington, chúng tôi đến với thành phố lớn nhất nước Mỹ - New York. Ai đó nói rằng, đến New York mà không tham quan tượng Nữ thần tự do thì lãng phí chuyến đi. "Tất cả hình ảnh, địa danh khác ở thành phố lớn nhất xứ cờ hoa này không có gì quan trọng hơn việc được đi tàu ra đảo Bedloe ngắm Statue of Liberty", người đồng hành với tôi khẳng định.

Đó cũng là quan điểm của nhiều du khách khi đến Mỹ nói chung và New York nói riêng. Sự háo hức hiện lên hầu hết khuôn mặt những người ngồi trên con tàu Statue Cruise di chuyển từ cửa sông Hudson nhìn ra cảng New York. Chàng trai sau khi đứng được dưới chân tượng Nữ thần tự do chụp ảnh liền tuyên bố không cần thêm cảnh đẹp nào khác và cảm thấy rất thỏa mãn để đăng tải hình ảnh lên mạng khoe với bạn bè.

Được biết, địa danh này ngày ngày có vài chục chuyến tàu chở hàng nghìn người ra đảo Bedloe, phần lớn là du khách quốc tế. Tại hai đầu bến, cảnh xếp hàng dài chờ lên xuống tàu diễn ra tấp nập cả ngày. Đứng từ bất kỳ góc nào quanh đảo, du khách đều có thể selfie với bức tượng nổi tiếng.

Tượng Nữ thần tự do nặng 229 tấn, thân cao 46 m, được đặt trên một bệ lớn tại đảo Bedloe, cửa sông Hudson và nhìn ra cảng New York. Để tạo nên bức tượng, chất liệu chính được làm chủ yếu bằng đồng. Do bị oxy hóa theo thời gian, bức tượng từ lâu bị chuyển sang màu xanh.

Tượng mang hình mẫu của một phụ nữ trong y phục người La Mã cổ đại. Trên đầu tượng là vương miện với 7 đường tia sáng tượng trưng cho ánh sáng tự do, hạnh phúc tràn ngập khắp 7 lục địa, 7 đại dương trên trái đất. 25 khung cửa sổ là biểu tượng cho 25 loại đá quý được tìm thấy trên khắp hành tinh. Tay trái nắm bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, chân đạp lên sợi dây xích đứt đoạn, mang hàm ý cho quá trình lật đổ sự cai trị của những thế lực, ách áp bức, nô lệ. Đây chính là cuộc đấu tranh đầy gian khổ để đạt được tự do, độc lập của người Mỹ.

New York có đường bờ biển dài 836 km. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bạn thăm các danh lam thắng cảnh New York mà không nhắc đến những khu phố ở Brooklyn Heights, DUMBO, Williamsburg... Tuy không được bước chân lên cầu Brooklyn, nhưng với việc ngắm nhìn công trình từ trên thuyền là một trải nghiệm khác lạ. Những âm thanh rung lên từ cầu dưới sức nặng của hàng loạt xe tải, tiếng gió từ sông thổi như cuốn vào những bước chân du khách.

Hoàn thành năm 1883 sau 15 năm xây dựng với chi phí 15 triệu USD, cầu Brooklyn là danh lam thắng cảnh độc đáo được xem là "kỳ quan thứ 8" của Mỹ.

Đài Tưởng niệm quốc gia 11/9

Khi đến thăm đài Tưởng niệm quốc gia 11/9, công trình tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại Thế giới tại New York, người bạn đi cùng nhắc nhở tôi đến tham quan nhanh rồi về: "Đừng ở lâu, ở đấy nhiều hồn ma lắm. Cũng không ai thích thú gì thăm những nơi đau thương như vậy đâu".

Tuy nhiên, công trình này khá thu hút du khách và người dân. Nơi đây được xây dựng ở vị trí cũ của tòa tháp đôi của WTC đã bị phá hủy, khánh thành ngày 11/09/2011, đúng 10 năm sau kể từ ngày bị khủng bố.

Khuôn viên nơi đây mát mẻ, tĩnh lặng dù rất đông người. 18 năm trôi qua kể từ sau vụ khủng bố chấn động thế giới, dòng người vẫn liên tục đến thăm viếng. Họ tới để tưởng nhớ một sự thật đau thương. Không ai nói với ai, cứ lặng lẽ nhìn, quan sát rồi lại hồi tưởng. Ở đây, hai hồ nước được xây dựng tại móng tòa tháp đôi cũ. Các bờ của hồ được khắc tên gần 3.000 nạn nhân, xung quanh luôn có những bông hoa hồng trắng được người thăm viếng đặt lên. Những người tới đây không chỉ là du khách từ các nước mà có rất nhiều cư dân Mỹ, các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9.

13 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, hàng ngày, dòng người tới thăm viếng khu tưởng niệm ở vị trí cũ của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York vẫn không ngớt.

Tại quảng trường rộng lớn ở vị trí WTC từng tọa lạc, hai hồ nước được xây dựng tại móng tòa tháp đôi cũ và thác nước nhân tạo lớn nhất tại Mỹ.

Quảng trường Thời đại, nơi tụ tập đông người

Quảng trường Thời đại (Times Square) là giao lộ chính ở Manhattan, nối đại lộ Broadway và đại lộ số 7, kéo dài từ đường 42 Tây đến đường 47 Tây, New York. Times Square cũng nổi tiếng bởi khu sân khấu Broadway với khoảng 40 nhà hát lớn giữa đường 41 và đường 53 và giữa đại lộ thứ 6 (Sixth Avenue) và thứ 9 (Ninth Avenue).

Nơi đây luôn tụ tập đông người. Nhiều chàng trai, cô gái đến dạo chơi, thậm chí có cả những gã đàn ông nằm ngả ngốn ở các bậc thềm nghỉ ngơi. Xung quanh, khách du lịch tập trung xem các trò chơi của nghệ sĩ đường phố biểu diễn. Các tiệm bán đồ lưu niệm, cửa hàng thời trang bày bán cũng thu hút đông khách.

Times Square còn là nơi người dân Mỹ đón chào năm mới hàng năm với nghi thức ngắm nhìn quả cầu rơi từ độ cao 40 m, cầu nguyện và chúc mừng năm mới. Ở New York những ngày cuối năm, ngoài tiết mục giao thừa hoành tráng nhất tại quảng trường Thời đại, du khách còn có thể tham quan, trải nghiệm rất nhiều điều thú vị như vào tòa nhà Empire State, dự Broadway shows hay dạo trong công viên trung tâm.

Trước đây, nơi này có tên là quảng trường Longacre. Năm 1904, sau khi báo New York Times chuyển trụ sở tới tòa nhà Times Building, khu vực được đổi tên thành Times Square.

Hoàng Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hanh-trinh-washington-new-york-hoa-le-giau-cam-xuc-post891426.html