Hành trình xác định Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương

Tại Kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 112/NQ-HĐND thống nhất lấy ngày 8-5 hằng năm là ngày kỷ niệm Danh xưng Thanh Hóa.

Hội thảo khoa học về Danh xưng Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Anh

Nằm trên dải đất miền Trung, Thanh Hóa là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Trong lịch sử dân tộc, Thanh Hóa luôn là địa bàn trọng yếu, “phên dậu” của đất nước; vùng đất “địa linh, nhân kiệt, nơi khí tinh hoa tụ họp”, khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ như: Triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê sơ, Lê Trung hưng và triều Nguyễn, là đất “thang mộc” của các dòng chúa Trịnh, chúa Nguyễn; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Tư... làm rạng rỡ cho non sông, đất nước.

Trong lịch sử, việc phân chia các đơn vị hành chính và tên gọi là một việc rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào. Tổ chức phân chia các đơn vị hành chính và danh xưng luôn có sự thay đổi cho phù hợp với từng thời kỳ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững. Lịch sử phát triển của đất nước ta từ thời dựng nước đến ngày nay, việc phân chia các đơn vị hành chính, thay đổi danh xưng mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ và xây dựng chính thể Nhà nước đó đại diện cho một quốc gia có chủ quyền, ghi dấu ấn về lịch sử và văn hóa sâu sắc của dân tộc.

Ngược về, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, miền đất xứ Thanh vốn có nhiều tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ, như Cửu Chân bộ thời Hùng Vương; Tượng quận thời Tần; Cửu Chân quận thời Hán; thời Ngô được chia làm hai quận: Cửu Chân và Cửu Đức; đến đời Lương Vũ Đế (502-549), vùng phía Bắc quận Cửu Chân được tách ra, lập làm Ái châu. Thời Tùy (589-617), Ái Châu lại lệ vào quận Cửu Chân. Đến nhà Đường (618-907) thì tách ra làm hai quận Ái Châu và quận Cửu Chân. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lý Thái tổ đổi 10 đạo trong cả nước làm 24 lộ, châu Hoan (Nghệ An) và châu Ái (Thanh Hóa) làm trại, về sau các triều đại phong kiến Việt Nam đổi thành Thanh Đô, Thiên Xương, Tây Đô, Thanh Hoa,... nhưng tên Thanh Hóa tồn tại lâu dài nhất, xuyên suốt nhiều thế kỷ, từ triều Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn (Thiệu Trị), Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Qua nghiên cứu các sử liệu cho thấy: Là mảnh đất có bề dày truyền thống, lịch sử, Thanh Hóa được khẳng định và ghi chép lại khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong nhiều bộ chính sử, địa chí, văn bia, thư tịch và các công trình nghiên cứu từ thời cổ, trung đại đến thời cận hiện đại. Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Tuy nhiên, thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương từ lúc nào? là trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi của rất nhiều thế hệ lãnh đạo cùng người dân Thanh Hóa và cần được giải đáp?. Việc xác định thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa không phải chỉ để xác định sự thay đổi của tên gọi, mà đây chính là xác định dấu mốc lịch sử chỉ ra cho chúng ta thấy lý do của sự thay đổi trong tư duy của triều Nhà Lý về vùng đất này và giá trị văn hóa, lịch sử của tên và vùng đất. Như vậy, xác định được thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa của một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương như tỉnh Thanh Hóa trực thuộc Trung ương ngày nay tiếp tục khẳng định thêm về bề dày truyền thống, sự tồn tại phát triển của một vùng đất được biết đến từ thời các Vua Hùng đến các triều đại phong kiến Đinh, Lê, Lý cho đến Danh xưng Thanh Hóa và đến Thanh Hóa ngày nay trong tiến trình lịch sử dân tộc. Từ đó để tự hào, kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Qua nghiên cứu về sử liệu các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cho biết việc ghi chép về Danh xưng Thanh Hóa chưa đầy đủ, có nhiều điểm tạo sự hiểu thiếu thống nhất, dẫn đến có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, làm cho việc xác định niên đại ra đời của danh xưng trở nên hết sức khó khăn và phức tạp.

Việc nghiên cứu xác định thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa đã lãnh đạo của tỉnh qua các giai đoạn quan tâm, chỉ đạo gần một thập niên. Khởi xướng vấn đề này là Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử cùng Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã đề xuất tiến hành nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10-10-2010, Hội thảo khoa học lần đầu tiên: “Bàn về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa” được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tỉnh và trong nước. Tại hội thảo này nhiều mốc thời gian về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa đi cùng với các cấp đơn vị hành chính được đề cập trong các tham luận và được đưa ra bàn thảo nhưng chưa đi đến được sự thống nhất về quan điểm và cuối cùng hội thảo đã đề xuất các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.

Cuộc hội thảo lần thứ 2: Được tổ chức vào ngày 11-11-2011 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng chủ trì với tiêu đề “Thanh Hóa - đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”. Mặc dù chủ đề của hội thảo lần thứ 2 là như vậy nhưng phần lớn các tham luận của các nhà nghiên cứu cũng chủ yếu xoay quanh nội dung “Tên gọi Thanh Hóa xuất hiện từ lúc nào?”. Mặc dù hội thảo lần này nhiều tác giả đã cung cấp thêm nhiều cứ liệu lịch sử có tính mới luận cứ cho sự xuất hiện và thời điểm xuất hiện danh xưng, tuy nhiên tại hội thảo các tham luận vẫn đưa ra và đề xuất nhiều mốc niên đại về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa, như: Năm 1010, 1029, 1082, 1111... Kết thúc hội thảo lần thứ 2 vẫn chưa đưa ra được kết luận về niên đại ra đời Danh xưng Thanh Hóa.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, vấn đề xác định thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa lại tiếp tục được đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về sử học để sớm xác định, làm rõ thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa trong lịch sử Việt Nam. Ban tuyên giáo đã khẩn trương làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và đã đi đến thống nhất chương trình phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, cụ thể đã: (i) Tổ chức một số hội nghị khoa học bàn cách tổ chức sưu tầm, bổ sung tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu tranh luận để thống nhất quan điểm trước khi tổ chức hội thảo (ii). Thống nhất 3 cơ quan đồng chủ trì hội thảo với tiêu đề “Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử”; (iii). Xây dựng báo cáo tổng quan về sự xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa trong lịch sử Việt Nam, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo.

Để chuẩn bị cho hội thảo lần này, ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn và mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại Huế, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Khoa học Lịch sử, Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử tỉnh Thanh Hóa... nghiên cứu và viết bài tham luận.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy ngày 22-2-2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi đến 30 tác giả đặt bài viết, bài tham luận cho hội thảo, trong đó có thêm 11 tác giả được mời lần đầu so với các cuộc hội thảo trước. Quan điểm của các nhà nghiên cứu gửi đến hội thảo vẫn đưa ra nhiều mốc niên đại về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa, như: Năm 1010, 1029, 1061, 1076, 1082, 1090, 1111, 1242, 1466. Qua phân tích các bài tham luận cho thấy các quan điểm tập trung vào 2 nhóm (nhóm 1 có quan điểm niên đại 1029, nhóm 2 có quan điểm 1082) và vẫn còn một số quan điểm khác, thậm chí có quan điểm chung chung không chỉ ra mốc thời điểm cụ thể.

Tiếp theo đó, các cơ quan đồng chủ trì hội thảo đã phân công và tổ chức nhiều hội nghị khoa học ở Trung ương và trong tỉnh. Tổ chức 2 cuộc hội nghị bàn, tranh luận giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tỉnh và 4 cuộc trao đổi, tranh luận của các nhà khoa học thuộc các cơ quan ở Trung ương nhằm từng bước thu dần các quan điểm khác nhau về mốc niên đại xuất hiện danh xưng; tạo điều kiện để lãnh đạo các cơ quan tổ chức hội thảo nhận định đúng về quan điểm của các nhà khoa học. Phải nói rằng đây là một trong những cuộc hội thảo mà các cơ quan chủ trì đã triển khai nhiều hội nghị và hội thảo bàn bạc, tranh luận và thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy sau mỗi lần báo cáo kết quả thực hiện công tác chuẩn bị cho hội thảo. Trong quá trình chuẩn bị hội thảo có những thời điểm tưởng chừng như “Hội thảo không có hồi kết”, bởi lẽ chính các nhà khoa học của Viện Sử học và Hội khoa học lịch sử cũng chỉ thống nhất được mấy vấn đề sau: (i). Việc xác định chính xác Danh xưng Thanh Hóa bằng cứ liệu gốc là rất khó vì thiếu những chứng cứ lịch sử đáng tin cậy (việc có thêm nguồn sử liệu liên quan đến vấn đề này là không thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay; (ii). Tên Thanh Hóa xuất hiện sớm nhất trong lịch sử có thể là năm 1029 hoặc 1082.

Và cuối cùng các cơ quan đồng chủ trì phải quyết định thực hiện phương án phản biện khoa học chéo mà một số cuộc hội thảo quốc tế đã làm, cụ thể: (1) Chọn 4 nhà nghiên cứu làm phản biện hai mốc niên đại lịch sử (1029 và 1082) được các nhà nghiên cứu đề xuất lựa chọn một trong hai mốc đó để lấy làm thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa. (2) Chỉ đạo xác minh tư liệu và cứ liệu lịch sử tại các viện nghiên cứu ở Hà Nội, Huế, Nghệ An, tại một số trường đại học ở Trung Quốc nhằm bổ sung, làm rõ nội dung trong các bia, thư tịch, sách góp phần củng cố các cứ liệu lịch sử. (3) Tổ chức một số hội nghị, tọa đàm tại Hà Nội và Thanh Hóa nhằm làm rõ thêm các cứ liệu lịch sử, từng bước làm sáng tỏ và tạo sự đồng thuận thống nhất quan điểm về Danh xưng Thanh Hóa trong các nhà nghiên cứu đã tham gia viết bài tham luận.

Ngày 23-5-2017, Hội thảo khoa học “Danh xưng Thanh Hóa” lần thứ 3 được tiến hành với mục đích xác định về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử về sự ra đời của danh xưng. Tại hội thảo hầu hết các tác giả có bài tham luận về dự hội thảo đều đã trình bày kết quả nghiên cứu và quan điểm của mình, cụ thể: Nhiều quan điểm đề xuất năm 1029 có căn cứ là được ghi chép trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, tuy có mặt hạn chế về sử liệu học nhưng vẫn là một bộ quốc sử thời Nguyễn; một số ít quan điểm đề xuất năm 1082 hay trước đó một vài năm, tuy dựa vào một vài “văn bia thời Lý” là tư liệu gốc có giá trị, nhưng lại chưa xác định được năm nào cụ thể. Mặc dù, vẫn còn những quan điểm khác nhau, không khí tranh luận thẳng thắn, cởi mở; qua tranh luận một số nhà nghiên cứu đã thay đổi quan điểm của mình. Hội thảo đi đến thống nhất cao gửi tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Lấy niên đại 1029 là năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở của hội thảo, ngày 12-6-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 87-KL/TU và đến ngày 12-7-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐND về việc lấy năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Sau khi xác định được năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa, một nhiệm vụ đặt ra nữa không kém phần gian nan, thử thách là xác định ngày, tháng ra đời Danh xưng Thanh Hóa, để kỷ niệm 990 năm. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chủ động tổ chức 3 cuộc hội thảo, tham vấn các nhà khoa học trung ương, trong tỉnh, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh để xác định ngày tháng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.

Qua các cuộc hội thảo, các hội nghị tham vấn cuối cùng đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan Trung ương và trong tỉnh nhất trí cao đó là: Sự kiện liên quan đến vị Thần Đồng Cổ được lựa chọn, là ngày 4-4 âm lịch, ngày Vua Lý Thái tông phong tước cho Thần Đồng Cổ, xuống chiếu dựng miếu ở Đại La và làm lễ tế, ban làm Quốc thần (tức 8-5 dương lịch) vì có nhiều công tích giúp nhà Lý. Ngày 4-4 âm lịch (tức 8-5 dương lịch) làm ngày kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.

Trên cơ sở đó, ngày 12-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 308-KL/TU và đến ngày 11-7-2018, tại Kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 112/NQ-HĐND thống nhất lấy ngày 8-5 hằng năm là ngày kỷ niệm Danh xưng Thanh Hóa.

Trải qua 3 cuộc hội thảo khoa học, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu sử học hàng đầu trong cả nước, với những báo cáo tham luận được chuẩn bị công phu, sâu sắc, cẩn trọng được trình bày tại hội thảo, những tranh luận thẳng thắn, lý luận sắc bén, thuyết phục, hội tụ đủ căn cứ khoa học khẳng định: Năm 1029 (đời Lý Thái tông niên hiệu Thiên Thành thứ 2) là năm xuất hiện “Danh xưng Thanh Hóa” với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây là mốc son quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của xứ Thanh suốt gần một thiên niên kỷ qua.

Việc xác định thời gian xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử địa phương, có tác động to lớn đối với sự phát triển của Thanh Hóa trong tương lai. Hy vọng rằng nhớ về nguồn cội, tự hào về bề dày truyền thống của vùng đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc, các thế hệ hôm nay càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình giữ gìn và phát huy truyền thống của các bậc tiền nhân, ý thức, giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử vô giá mà cha ông đã gây dựng, trao truyền; từ đó tích cực đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển phồn vinh;... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thực hiện mục tiêu lâu dài là xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở nên một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phát

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ:

...Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Nam nhất thống chí đều chép: Lý Thái tổ lên ngôi, năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) đổi Ái Châu làm trại, sau lại đổi là phủ Thanh Hóa. “Sau lại” là đến bao giờ, vào thời điểm lịch sử cụ thể nào? Sự kiện lịch sử này, nhà nghiên cứu sử học quan tâm tìm hiểu và người Thanh Hóa cần biết, khi đặt vấn đề Thời điểm ra đời Danh xưng Thanh Hóa.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt Việt sử cương mục) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, dành riêng một mục “xét” rất dài, khảo cứu về vấn đề địa danh duyên cách tất cả các tỉnh miền Bắc, đầu tiên là Thanh Hóa quý hương nhà Nguyễn, được xem là vị trí quan trọng đứng đầu cả nước. Do đó, các nhà chép sử càng phải xem xét, khảo cứu công phu, nghiêm túc với phương pháp làm việc thận trọng, khoa học, mới dám hạ bút:

... “Lương Vũ đế (502-550) đổi Cửu Chân làm Ái Châu, nhà Tùy (581-618) lại gọi là Cửu Chân quận, nhà Đường chia đất làm 2 quận Ái Châu và Cửu Chân. Nhà Đinh, nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu, nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ 2 đổi làm Thanh Hóa phủ...”.

Năm Thiên Thành thứ 2 thuộc đời Lý Thái tông, dương lịch là năm 1029, tại sao đến đây (20 năm sau) nhà Lý mới đổi Ái Châu trại thành Thanh Hóa phủ?

Phủ lớn hơn châu, quận. Phủ Thanh Hóa có châu Ái và quận Cửu Chân (khoảng Thiệu Hóa trở lên là Ái Châu, Đông Sơn trở xuống là Cửu Chân). Châu, quận thuộc phủ, phủ Thanh Hóa trực thuộc Trung ương.

Những sự kiện quan trọng từ Đào Cam Mộc phò tá Lý Công Uẩn lập lên nhà Lý đến Sơn thần Đồng Cổ hai lần báo mộng và Lê Phụng Hiểu dẹp loạn Tam vương, giữ vững cơ nghiệp nhà Lý, khiến Lý Thái tông quyết định đổi đặt trại Ái Châu làm phủ Thanh Hóa. Chữ “ái” là yêu quý. Quân xâm lược và đô hộ phương Bắc yêu quý cái gì ở Cửu Chân, ngoài ngà voi, sừng tê, châu ngọc...? Chữ “ái” của họ thâm thúy ở chỗ này!.

Theo Hán Việt từ điển (phổ thông) của Đào Duy Anh: Thanh Hóa là đức hóa thanh cao, Thanh Hoa là danh tiếng vẻ vang. Quê hương và con người Thanh Hóa của thời đại Hùng Vương, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và Hồ Chí Minh vĩ đại, ngày càng “danh tiếng vẻ vang” với “đức hóa thanh cao”, với Danh xưng Thanh Hóa, cách nay 990 năm, gần tròn mười thế kỷ.

TS Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa

Phải khẳng định rằng, Thanh Hóa là vùng đất được con người khai phá từ rất sớm và ổn định diên cách hành chính cũng từ rất sớm. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nơi đây đã có nhiều lần thay đổi về tên gọi. Từ bộ Cửu Chân thời các vua Hùng dựng nước; quận Cửu Chân thời Triệu, Hán; Châu Ái thời Lương, Đường; đến phủ, lộ, trại Thanh Hóa thời Lý, Trần; Thừa tuyên Thanh Hóa thời Lê sơ đến tỉnh Thanh Hóa thời Nguyễn. Về mặt địa giới tự nhiên, xứ Thanh đã được xác lập cụ thể và hầu như ổn định bền vững. Tuy nhiên có lúc được mở rộng ra phía Bắc hoặc sang phía Tây tùy theo từng giai đoạn lịch sử rồi trở về như cũ.

Một tỉnh lớn, có lịch sử lâu đời, văn hóa phát triển rực rỡ, cộng đồng dân cư hình thành và cố kết vững chắc như vậy, nhưng ở thời điểm nào ra đời danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương luôn là câu hỏi lớn cần giải đáp một cách khoa học. Xuất phát từ cách tiếp cận liên ngành được các nhà khoa học đầu ngành về lịch sử, địa lý, văn hóa... thảo luận từ nhiều năm nay. Việc lựa chọn thời điểm xuất hiện “Danh xưng Thanh Hóa” đã được đồng thuận trong điều kiện tư liệu cho phép, đó là năm 1029 dưới thời Vua Lý Thái tông là có sức thuyết phục. Có thể căn cứ vào những tư liệu sau:

Trước hết là nhóm tư liệu văn bia: Qua 5 văn bia thời Lý hiện biết là những văn bia có niên đại khá sớm ở Thanh Hóa thì có 4 văn bia nói tới danh xưng Thanh Hóa nhưng ở các thời điểm khác nhau, Văn bia Lưỡng Sơn linh xứng tự bi minh: 1077 – 1078, Văn bia An Hoạch Sơn Báo Ân: 1082, Văn bia Minh Trịnh tự văn: 1090, Văn bia Sùng nghiêm Diên Thánh: 1115.

Thứ hai, nhóm tư liệu về thư tịch, nhiều sách căn cứ vào sử liệu đã khẳng định danh xưng Thanh Hóa ra đời vào năm 1029 như sách Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Việt Nam quốc sử khảo của Phan Bội Châu, Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh... Đặc biệt sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn là bộ chính sử nước ta thời phong kiến đã chép rõ: “Năm Thiên Thành thứ hai, đổi thành Thanh Hóa phủ” (tức năm 1029). Đây là thời điểm phù hợp với tình hình Thanh Hóa lúc bấy giờ.

Tính bền vững của sự kiện này còn được soi chiếu qua các nguồn tư liệu khác. Đặc biệt đền thờ Thần Đồng Cổ (Yên Thọ, Yên Định), nơi Thần báo mộng cho Vua Lý Thái tông đánh quân Chiêm Thành năm 1020, dẹp loạn Tam Vương năm 1028 và ngày 4 tháng 4 hàng năm trở thành ngày Quốc lễ bảo tồn cho đến hôm nay là những giá trị đặc biệt.

Phó Chủ nhiệm CLB Hàm Rồng Đinh Viết Ba:

Xứ Thanh, trong sự nhìn nhận của lịch sử, là mảnh đất tam vương nhị chúa, đất địa linh nhân kiệt. Lịch sử hình thành và phát triển của xứ Thanh luôn song hành với lịch sử hình thành và phát triển của cả dân tộc. Vào những giai đoạn lịch sử cam go nhất, xứ Thanh nổi bật hẳn lên với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là phên dậu của đất nước. Đất nước Việt Nam có được hình hài rạng rỡ như ngày hôm nay không thể không nói đến công lao của mảnh đất này. Đất thiêng sinh tuấn kiệt. Đời nào cũng thế, xứ Thanh luôn có những người con anh hùng, tài đức sẵn sàng xả thân mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vun đắp cuộc sống yên bình, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Chính bởi vậy, nỗ lực đi tìm và xác định được dấu mốc 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là một sự kiện rất cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa và rất đáng ghi nhận. Đây là dịp để các thế hệ cháu con hôm nay gửi lời tri ân chân thành, sâu sắc đến các bậc tiền nhân – những thế hệ cha ông đã bằng tất cả xương máu, tinh thần, trí tuệ, cốt cách của mình vun đắp nên bề dày truyền thống lịch sử, mạch nguồn văn hóa vẻ vang, đáng tự hào như chúng ta có hôm nay. Về phương diện chính trị, sự kiện kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một bước chuẩn bị quan trọng để chúng ta hướng tới lễ kỷ niệm 1000 năm. Sự kiện đặc biệt có ý nghĩa, không chỉ tạo được nguồn động viên to lớn mà còn tạo nên sức mạnh nội lực, sức bật, định lượng mới để tỉnh Thanh Hóa bước vào đại hội đảng các cấp đang đến rất gần.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tim-hieu-990-nam-danh-xung-thanh-hoa/hanh-trinh-xac-dinh-danh-xung-thanh-hoa-voi-tu-cach-la-don-vi-hanh-chinh-truc-thuoc-trung-uong/100558.htm