'Hành vi chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm là rất nghiêm trọng'

Bất ngờ, bàng hoàng, sốc… là cảm xúc của nhiều người khi nhận thông tin 3 cảnh sát hy sinh trong vụ Đồng Tâm. Việc dùng lựu đạn, bom xăng tấn công cảnh sát đã vượt quá giới hạn.

Vụ gây rối tại Đồng Tâm khiến 3 cảnh sát hy sinh diễn ra thế nào? Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiều 10/1, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án Giết người, Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ để điều tra việc một số người chống đối làm 3 cảnh sát hy sinh tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Những ngày qua, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1, một số người có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Hành vi manh động, vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Chia sẻ với Zing.vn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, nhìn nhận hành động sử dụng nhiều loại vũ khí và kiên quyết tấn công lực lượng làm nhiệm vụ là vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.

Theo ông, vì bất cứ lý do gì, đó cũng là hành vi manh động, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

 Đất khu đồng Sênh được quây bằng thép gai. Ảnh: Duy Anh.

Đất khu đồng Sênh được quây bằng thép gai. Ảnh: Duy Anh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu thực tế thời gian gần đây có tình trạng người dân thường tự hành xử để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh. Ngay từ mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng có thể dẫn đến những vụ việc giết nhiều người. Bởi vậy, theo ông, đây là vấn đề phải quan tâm đúng mức để tìm hướng giải quyết.

Nhắc đến vụ việc ở Đồng Tâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng thời gian qua nhiều cấp, ngành đã quan tâm giải quyết vụ việc, tìm nguyên nhân để giải quyết.

Ông cũng đưa ra so sánh với vụ đất đai ở Thủ Thiêm và cho rằng người dân Thủ Thiêm dù rất bức xúc vẫn kiềm chế, thực hiện theo đúng pháp luật bằng cách yêu cầu đối thoại, gửi đơn khiếu nại. Vì thế, hành vi chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm khiến 3 cảnh sát tử vong là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

Theo ông Hồng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc xem xét, giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Phó trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương bày tỏ quan điểm phản đối hành vi chống đối khiến 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh. Ông nhấn mạnh hành vi đó đã vượt quá giới hạn cho phép, cần phải xử lý nghiêm khắc.

“Với những đối tượng đó, việc bắt khẩn cấp là cần thiết, không kể đêm hay ngày”, ông Đương nhấn mạnh và phản bác một số thông tin trên mạng xã hội khi hoài nghi vì sao lực lượng chức năng lại đến Đồng Tâm vào ban đêm.

Ông Đỗ Văn Đương - Phó trưởng ban Dân nguyện (thứ hai từ trái sang) tham dự cuộc đối thoại của Chủ tịch Hà Nội với người dân Đồng Tâm hồi năm 2017.

Là người 2 năm trước từng trực tiếp tham gia cuộc đối thoại với người dân Đồng Tâm, ông Đương nhận định chính quyền đã nỗ lực giải quyết nhưng một số người vẫn cố tình theo đuổi những điều sai trái, dù chính quyền thuyết phục cũng không nghe.

“Không thể vì một vài cá nhân riêng rẽ mà chống lại nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương”, ông Đương nhấn mạnh.

Sử dụng bạo lực là tối kỵ

TS Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nói ông sốc khi nhận được thông tin về việc có 3 chiến sĩ hy sinh và một số người bị thương trong vụ việc ở Đồng Tâm.

Nhấn mạnh có rất nhiều cách giải quyết tranh chấp trong hòa bình, ông Dũng cho rằng bạo lực là điều tối kỵ, không thể để bạo lực xảy ra trong một xã hội văn minh.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau vụ việc ở Đồng Tâm, ông Dũng cho rằng đây sẽ là bài học rất lớn cho cả hai bên trong cách thức xử lý vấn đề. Theo đó, ông khẳng định bạo lực không giải quyết được mà chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn, hoặc có thể nó giải quyết được vấn đề này nhưng lại làm nảy sinh vấn đề khác, khiến vấn đề kéo dài vô tận.

“Chỉ có thấu hiểu, tìm giải pháp hòa bình thì mới giải quyết được vấn đề tận gốc”, ông Dũng nói.

“Trong bất cứ trường hợp nào, bạo lực là không thể chấp nhận được. Không thể nhân danh bất cứ điều gì để dùng bạo lực trong một đất nước hòa bình”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng gợi ý có rất nhiều cơ chế có thể giải quyết tranh chấp giữa một bên là người dân, một bên là Nhà nước. Có thể lựa chọn phương thức hành chính là khiếu kiện lên cấp trên hoặc để tòa phân xử, cũng có thể lựa chọn giải pháp đối thoại, hòa giải để xử lý vấn đề trong hòa bình.

Trong khi đó, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) nói ông thấy bàng hoàng, bất ngờ khi nhận thông tin về Đồng Tâm.

Lực lượng chức năng chốt chặn lối ra vào Đồng Tâm chiều 9/1. Ảnh: Chiêm Anh.

Theo ông, đây là hành động phạm tội ngang ngược, trắng trợn, bất chấp luật pháp.

Liên quan đến sự việc ở Đồng Tâm, trả lời trên VTV, đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội - cho biết có một nhóm khoảng 30 đối tượng trong 2 năm gần đây thường xuyên có những hành động chống đối quyết liệt. Cơ quan chức năng xác định các đối tượng tấn công lực lượng chức năng lần này chính là những đối tượng thường xuyên gây rối trong 2 năm qua.

Theo tướng Lê Văn Cương, trong vụ việc này, người dân ở Đồng Tâm nói riêng và cả nước nói chung phải bình tĩnh, tuyệt đối không được nghe các thế lực lợi dụng chuyện này để xúi giục, kích động. Vì công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

“Tôi tin dân làng Đồng Tâm là người tốt, luôn muốn đứng về phía Nhà nước để bảo vệ cuộc sống bình yên”, ông Cương nói và nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền, kéo người dân về phía Nhà nước.

Cũng từ sự việc này, ông đánh giá hoạt động của cấp ủy chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội ở địa bàn là có vấn đề, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm.

Căng thẳng ở Đồng Tâm bắt nguồn từ việc 4 người dân nơi đây bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất đai trên địa bàn. Ngày 15/4/2017, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 chiến sĩ công an và cán bộ địa phương làm con tin.

Trước tình hình phức tạp đó, một tuần sau, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về đối thoại trực tiếp với bà con Đồng Tâm. Cùng đi với ông Chung khi đó có ông Hồ Sỹ Tiến (khi đó là Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) và một số đại biểu Quốc hội. Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Hà Nội cam kết sẽ làm rõ nguồn gốc mảnh đất đang gây tranh chấp ở sân bay Miếu Môn, đồng thời điều tra làm rõ vụ bắt 4 người dân trong vụ gây rối là đúng hay sai.

Cuối tháng 7/2017, Thanh tra TP Hà Nội ban hành kết luận thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm, theo đó khẳng định "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".

Ông Lê Đình Kình sau đó đại diện cho một số người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm đã gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Hà Nội công bố. Cơ quan chức năng sau đó khẳng định kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội là chính xác.

Sau một số cuộc đối thoại với người dân Đồng Tâm và đại diện các hộ dân ở các xã giáp ranh sân bay Miếu Môn, từ cuối năm 2019, lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn.

Minh An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hanh-vi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-o-dong-tam-la-rat-nghiem-trong-post1034642.html