Hành vi livestream phim Cô Ba Sài Gòn trên Facebook bị xử lý ra sao?

Hành vi livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) phim Cô Ba Sài Gòn chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng với quy định của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018, hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

Hình ảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn và người livestream phim (ảnh nhỏ)

Chiều 13.11, chỉ vài ngày sau khi khởi chiếu (ngày 10.11), bộ phim Cô Ba Sài Gòn bất ngờ "được" livestream toàn bộ (khi đang được chiếu ở rạp - PV) trên một fanpage về phim, thu hút hàng chục ngàn lượt xem, thậm chí có thời điểm lên đến hơn 3.000 người xem cùng lúc.

Được biết, sự việc diễn ra tại một rạp chiếu phim ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngay sau đó, nhờ sự giúp đỡ của ban quản lý rạp đã xác định được người thực hiện livestream này là N.V.T (19 tuổi, ngụ tại TP.Vũng Tàu).

Trong biên bản giải trình sự việc, T. thừa nhận mình là có livestream phim Cô Ba Sài Gòn và khi bị nhân viên phát hiện thì T. đã xóa ngay sau đó.

[VIDEO] Bạn trẻ nghĩ gì về hành vi quay phim lén trong rạp?

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, hành vi của T. là thiếu ý thức, bị pháp luật nghiêm cấm; đồng thời ảnh hưởng rất nhiều đến nhà sản xuất.

Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nhận định hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, được quy định theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013, với mức phạt từ 15 đến 35 triệu đồng, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình.

Xử lý hình sự khi Livestream với quy mô thương mại

Ngoài ra, theo LS Tuấn, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác định thiệt hại mà T. đã gây ra đối với chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất, để từ đó có biện pháp xử lý về hành chính hay hình sự quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và bổ sung năm 2009 về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, với khung phạt tiền từ 50 triệu - 500 triệu đồng, cao nhất là 1 tỉ đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến phạt tù cao nhất 3 năm.

Phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream

Tuy nhiên, LS Tuấn cho hay yếu tố cấu thành tội của Điều 171 BLHS là chứng minh T. phạm tội do lỗi cố ý với quy mô thương mại, nhằm mục đích kinh doanh; đồng thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định: “Những vụ án về các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 104, 105…và 171 của BLHS 1999 thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại..."

“Trong sự việc T. livestream phim Cô Ba Sài Gòn, muốn khởi tố hình sự vụ án cũng như khởi tố bị can thì các cơ quan tố tụng phải chứng minh được điều kiện cần và đủ theo BLHS và BLTTHS hiện hành”, LS Tuấn nêu.

Luật mới chỉ cần gây thiệt hại là phạt tù

Cũng theo các chuyên gia pháp luật, vì BLHS hiện hành quy định muốn xử lý hình sự phải chứng minh được người vi phạm cố ý vi phạm để kinh doanh, thu lợi nên thực tế rất khó xử lý hình sự, dẫn đến hành vi xâm phạm bản quyền vẫn thường xuyên xảy ra.

“Từ thực tiễn những đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ngày càng nhiều, gây bức xúc cho tác giả nên BLHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2018) có thay đổi về cấu thành tội phạm và hình phạt cũng năng hơn để xử lý nghiêm”, LS Hoàng Trung Sỹ (Đoàn LS TP.HCM) cho hay.

Cụ thể, LS Sỹ phân tích, theo Điều 226 BLHS 2015 thì không cần chứng minh người phạm tội cố ý xâm phạm với quy mô thương mại, mà chỉ cần “người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…

Đối với pháp nhân vi phạm, LS Sỹ cho biết Điều 226 BLHS cũng quy định cụ thể từng mức độ thiệt hại tương xứng với mức hình phạt như thế nào và có thể pháp nhân đó còn bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể.

Phan Thương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/hanh-vi-livestream-phim-co-ba-sai-gon-tren-facebook-bi-xu-ly-ra-sao-900039.html