Hành xử văn minh

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch nCoV thì những thông tin liên quan cũng dày đặc trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Trong vô số bản tin cập nhật hàng ngày, tôi khá ấn tượng ở một bài viết về nữ nhân viên trở về từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) đăng tải trên một tờ báo mạng có uy tín của Trung ương.

Bài viết tường thuật lại hành trình sống, làm việc và trở về từ vùng tâm dịch của nhóm nhân viên 8 người Việt Nam đang làm việc tại một công ty Nhật Bản - Nihon Plast, chuyên sản xuất vô lăng cho ô tô đóng tại KCN Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Chi tiết khiến tôi lắng đọng là khi nhóm nhân viên Việt Nam này làm thủ tục check in tại sân bay Quảng Châu, thấy họ trong trang phục, khẩu trang bịt kín (vì đã được khuyến cáo có dịch) thì có đôi vợ chồng du khách Pháp mở lời thăm hỏi: “Các bạn không khỏe à?”, một người trong nhóm trả lời rằng họ vừa rời Vũ Hán, tâm dịch nCoV. Nghe xong, đôi vợ chồng người Pháp mỉm cười và không quên gửi lời chúc sức khỏe đến họ.

Trong bối cảnh lúc đó tại sân bay Quảng Châu đã có sự cảnh báo về dịch bệnh của nhà chức trách, trong không khí lo lắng về dịch bệnh đang bao trùm thì cử chỉ thăm hỏi, cách thể hiện tình cảm nhẹ nhàng phần nào đó đã thể hiện sự sâu sắc, văn minh trong cách cư xử của những du khách người Pháp này, thay cho thái độ phản ứng cực đoan, xa lánh, kỳ thị thường thấy.

Cũng cảm nhận về cách ứng xử văn minh cùng những việc làm nhân văn trong những ngày xảy ra dịch nCoV, trước bối cảnh người dân Vũ Hán đang phải vật lộn chống chọi bệnh tật, đã có rất nhiều chương trình cứu trợ gồm khẩu trang, kính bảo hộ, đồ bảo hộ - những thứ rất cần thiết cho nhân viên y tế và người dân lúc này, đã được chuyển đến, trong đó có hoạt động sẻ chia từ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngoài tài trợ vật chất, có những món quà rất nhân văn, đơn cử như hành động Nhật Bản thắp sáng tháp Tokyo Skytree ở Tokyo bằng màu đỏ và xanh để cầu nguyện cho Trung Quốc sớm vượt qua khó khăn này.

Xâu chuỗi lại hành vi, cách ứng xử văn minh, tôi chợt nhớ câu chuyện vừa được đọc. Đó là năm 2011, khi Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất, một phụ nữ Việt có chồng là người Nhật, sợ khủng hoảng nhiên liệu nên chị vợ đã đổ xăng đầy bình, chị cũng định đi siêu thị gom đồ dùng thật nhiều để tích trữ trong nhà nhưng đã bị chồng không đồng ý và cho rằng “ngay thời điểm này đây thì xăng chỉ được đổ nửa bình (nếu như thường ngày đổ đầy bình) vì phải chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai…”. Câu chuyện này đã được chị vợ kể lại trên mạng xã hội và đang lan tỏa. Không chỉ mỗi chồng chị, mà theo chị bất kỳ người Nhật nào cũng ứng xử như vậy.

Ngay trong những ngày này, tại Việt Nam, cộng đồng mạng, người dân chia sẻ nhiều thông tin tích cực về những điểm phát khẩu trang miễn phí để phòng dịch bệnh, có em học sinh dành tất cả tiền được lì xì Tết của mình để mua khẩu trang tặng cho người đi đường… Những thông tin này cần được lan tỏa đến nhiều hơn trong cộng đồng, thay vì để những thông tin về những người đầu cơ, tích trữ đẩy giá bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn - những thứ đang rất khan hiếm trên thị trường, chiếm lĩnh thông tin.

Dịch nCoV vẫn chưa cho thấy sự giảm nhiệt. Đại dịch này sẽ gây thiệt hại rất lớn. Mất mát nhiều, nhưng chúng ta sẽ có được rất nhiều bài học có giá trị; trong đó có cả bài học về sự văn minh, nhân văn trong ứng xử. Năm 2020, TPHCM lấy chủ đề là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Nếp sống văn minh chỉ được hình thành và có được bởi những hành vi ứng xử văn minh qua từng vụ việc cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.

VÂN ANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hanh-xu-van-minh-645111.html