Hanoi Metro nói gì về khoản chênh lệch thu chi 96 tỷ đồng?

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho thấy, năm đầu tiên vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng.

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác thương mại từ ngày 21/11/2021. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy, năm đầu tiên vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng. Điều này khiến cử tri lo lắng, đề nghị thành phố Hà Nội sớm có giải pháp khắc phục.

Bất ngờ trong báo cáo tài chính năm 2022 của công ty, khoản chênh lệch thu chi của tuyến đường sắt này đạt trên 96 tỷ đồng. Khoản chênh lệch này được một số cơ quan thông tin đại chúng cho đó là lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường, con số chênh lệch thu chi 96 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm 2022 của công ty chưa phải là lợi nhuận. Sở dĩ có mức chênh lệch trên là do định mức và đơn giá của thành phố để đặt hàng được tính bình quân cho cả một quá trình.

Tuy nhiên, trong 2 năm đầu vận hành, đoàn tàu, trang thiết bị và hạ tầng còn mới nên các chi phí phát sinh chưa nhiều. Nhiều loại vật tư, phụ tùng sửa chữa đắt tiền do đơn vị bảo hành chi. Hết thời gian bảo hành, các chi phí này sẽ phát sinh và tăng dần.

Chính vì vậy, theo kế hoạch tài chính năm 2023 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, dự kiến lợi nhuận còn thấp hơn lãi định mức trong đơn giá đặt hàng của thành phố.

Được biết, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị), Hà Nội áp dụng chính sách giá vé rẻ. Nguồn thu từ vé không thể đủ bù đắp chi phí nên UBND thành phố duy trì trợ giá từ ngân sách. Nguồn thu năm 2022 của Hanoi Metro ngoài doanh thu từ vé đã có trợ giá của thành phố theo đơn giá tạm thời.

Về vấn đề này, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội vừa có báo cáo liên ngành thành phố về phương án xử lý chênh lệch thu chi trên 96 tỷ đồng năm 2022 trên cơ sở cân đối hợp lý nguồn để bảo đảm duy trì vận hành tuyến, bảo đảm quyền lợi cho hành khách và quyền lợi cho người lao động theo quy định.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại vào tháng 6/2021, sau 10 năm khởi công, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mở ra loại hình vận tải công cộng mới.

Trong vòng 15 ngày đầu, Metro Hà Nội đã thực hiện miễn phí hành khách đi tàu, sau đó mới bán vé. Giá vé của tuyến được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giá vé chặng từ 8 đến 15 nghìn đồng, giá mở cửa 7 nghìn đồng, đi 1km cộng thêm 600 đồng. Giá vé ngày là 30 nghìn đồng, vé tháng phổ thông 200 nghìn đồng/người, đối tượng ưu tiên 100 nghìn đồng/người.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi qua 12 nhà ga (Ga Cát Linh, Ga La Thành, Ga Thái Hà, Ga Láng, Ga Thượng Đình, Ga vành đai 3, Ga Phùng Khoang, Ga Văn Quán, Ga Hà Đông, Ga La Khê, Ga Văn Khê, Ga Yên Nghĩa) được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh...

Sau 2 năm đưa vào khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã vận hành được 583 ngày an toàn, vận chuyển được trên 13,7 triệu lượt hành khách. Đặc biệt, tuyến đường sắt đi vào vận hành đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa giao thông văn minh, lịch sự.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường, kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại. Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8km. Với tiến độ hiện nay, 8 - 10 năm mới xây dựng được một tuyến đường sắt đô thị thì việc huy động nguồn vốn ODA cần có bước đột phá do đây là loại hình vận tải khối lượng lớn, cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân./.

Tuyết Mai/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hanoi-metro-noi-gi-ve-khoan-chenh-lech-thu-chi-96-ty-dong/294705.html