Háo hức chuẩn bị đám cưới, nam thanh niên 'chết điếng' khi biết mình nhiễm HIV

Háo hức sắm sửa, chuẩn bị cho đám cưới, nam thanh niên 9X chủ động đi khám tiền hôn nhân thì 'đứng hình' phát hiện bản thân nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV.

Không rõ mắc bệnh từ khi nào

Trường hợp của anh N.V. X, (27 tuổi, Hà Nội) đến khám sức khỏe tổng quát và kiểm tra một số bệnh lý di truyền để chuẩn bị cho kết hôn. Khi bác sĩ kiểm tra các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, X. sửng sốt vì kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV.

Sau đó, X. đã kiểm tra lại nhưng kết quả không có gì thay đổi. Bản thân X. không rõ vì sao mình lại nhiễm được virus thế kỷ này. Cậu cũng từng có quan hệ tình dục ngoài luồng và không nhớ rõ số lần đó.

Bác sĩ Thân Ngọc Tuấn - chuyên khoa nam học, BV Medlatec cho biết bệnh nhân X là ca bệnh không rõ yếu tố nguy cơ từ trước.

Theo BS Tuấn nguyên nhân lây nhiễm HIV rất đa dạng, ngoài nguyên nhân chủ quan còn phải kể đến con đường lây nhiễm khách quan như: các hoạt động trực tiếp tiếp xúc thông qua máu và sản phẩm liên quan đến máu, dùng chung kim tiêm và dụng vụ y tế có dính máu của người nhiễm, dùng dao cạo, kim châm cứu, kim xăm trổ, hoặc tiếp xúc trực tiếp các vết thương hở với máu người bị nhiễm, khi truyền máu không qua sàng lọc HIV.

Các bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân lây nhiễm HIV trong đó có quan hệ tình dục không an toàn.

Các bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân lây nhiễm HIV trong đó có quan hệ tình dục không an toàn.

Ngoài ra, còn có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm mà không sử dụng bao cao su.

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân X được chỉ định làm các xét nghiệm và khám tổng quát, kết quả nghi ngờ nhiễm virus HIV, sau đó được làm xét nghiệm khẳng định virus HIV dương tính.

Thông thường, thời gian ủ bệnh HIV ở người trưởng thành trung bình là 6 tháng, tùy thuộc vào cơ địa và miễn dịch của từng người. Người có hệ miễn dịch kém thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Dấu hiệu cảnh báo giai đoạn nhiễm HIV

Theo BS Tuấn, HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Bệnh gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.

Nếu có yếu tố nguy cơ phơi nhiễm HIV, nên xét nghiệm HIV để loại trừ.

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh giác lây nhiễm HIV theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nhiễm trùng cấp (sơ nhiễm) (tuần 2 - 8)

Người nhiễm HIV có thể không có bất kỳ một dấu hiệu nào hoặc có thể có một số biểu hiện như: sốt (38 - 40 độ C), đau cơ, đau khớp, vã mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, tiêu chảy, viêm họng, phát ban đỏ ngoài da (xuất hiện ở 50% bệnh nhân), hạch to,...

Các triệu chứng này có thể nhẫm lẫn với nhiễm virus thông thường (cúm). Trong thời gian này, do không biết mình nhiễm bệnh, người có HIV rất dễ truyền bệnh cho những người khác.

Giai đoạn 2: Nhiễm trùng không triệu chứng khả năng lây nhiễm rất cao. Giai đoạn này người nhiễm HIV thường không có bất cứ triệu chứng nào. Thời kỳ này có thể kéo dài trung bình từ 5 - 10 năm, tuy nhiên thể trạng của cơ thể, đặc biệt là người sử dụng các chất gây nghiện, rượu, thuốc lá lâu dài có thể rút ngắn thời gian ủ bệnh này do cơ thể bị yếu và suy kiệt.

Giai đoạn 3: Giai đoạn nhiễm trùng có triệu chứng (giai đoạn cận AIDS). Giai đoạn này, người bệnh có thể có sốt, tiêu chảy, nhiễm trùng do hệ miễn dịch đã bị suy yếu và các mầm bệnh khác có thể tấn công vào cơ thể. Việc điều trị triệu chứng, điều trị nhiễm trùng cơ hội có thể giúp cho cơ thể phục hồi trở lại và kéo dài cuộc sống. Xét nghiệm huyết thanh có các kháng thể kháng HIV dương tính rõ.

Giai đoạn 4: Bệnh nhân chẩn đoán AIDS. Thời gian từ lúc xác định bệnh đến lúc tử vong thường không quá 2 năm, trung bình là 18 tháng.

Đứng trước nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV, bác sĩ Tuấn khuyến cáo: Mọi người cần chủ động kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định kết hôn. Thực hiện lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng. Đồng thời thực hiện quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su).

Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân có thể là tác nhân lây bệnh như dao cạo dâu, bàn chải đánh răng,... không tiêm chích sử dụng chung bơm kim tiêm;

Đối với trường hợp nghi nhiễm HIV hoặc đã nhiễm HIV cần phải thăm khám, điều trị theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/cssk-nhan-dan/hao-huc-cho-dam-cuoi-nam-thanh-nien-chet-dieng-khi-biet-minh-nhiem-hiv-280490.html