Hào hứng học trồng lúa tiên tiến

Nhiều nông dân ĐBSCL cả đời làm nông nhưng khi tham gia dự án VnSAT, vẫn lao đi học kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, áp dụng phương pháp sản xuất lúa bền vững.

Một đời làm nông vẫn đi học trồng lúa

Thực hiện các nội dung của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT, tỉnh Tiền Giang đã tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân để họ được tiếp cận với các quy trình trồng lúa tiên tiến. Trong những lớp tập huấn, có không ít các lão nông đã một đời gắn bó với cây lúa, củ khoai, nay vui vẻ ôm tập viết đi học lý thuyết, rồi lặn lội ra ruộng thực hành.

 Nông dân Tiền Giang hào hứng tham dự các lớp tập huấn trồng lúa tiên tiến do dự án VnSAT tổ chức, trong đó có không ít lão nông cần mẫn. Ảnh: Minh Đãm.

Nông dân Tiền Giang hào hứng tham dự các lớp tập huấn trồng lúa tiên tiến do dự án VnSAT tổ chức, trong đó có không ít lão nông cần mẫn. Ảnh: Minh Đãm.

Càng học càng vỡ vạc ra nhiều thứ. Rồi về nhà mạnh dạn thực hiện ngay trên mảnh ruộng nhà mình. Không những thế còn tuyên truyền, truyền lại cho con cháu, làm xóm láng giềng cùng làm theo. Cứ thế, các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến của VnSAT được áp dụng vào đồng ngày một nhiều, lan tỏa như một vệt dầu loang, mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực.

Theo Ban Quản lý dự án VnSAT Long An, các hộ tham gia trong vùng dự án có tỷ lệ là nữ tham gia các lớp đào tạo, tuận huấn ngày càng đông, giúp việc ứng dụng trên đồng ruộng thuận lợi hơn, nhờ có sự “đồng vợ, đồng chồng”. Cụ thể, có gần 32% thành viên các lớp đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” là nữ. Còn tại các buổi hội thảo, hội nghị đầu bờ, số chị em phụ nữ tham gia là gần 21%.

Ông Nguyễn Văn Mẫu (60 tuổi) ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Thạnh Trung, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang có 20 công ruộng. Tuy lớn tuổi nhưng ông Mẫu hễ nghe có lớp tập huấn của VnSAT là phấn khởi tham gia. Bây giờ ông có mặt ở hầu hết các lớp được tập huấn của VnSAT hay của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức, từ lớp “3 giảm 3 tăng” đến “1 phải 5 giảm”...

“Qua đợt tập huấn VnSAT, tôi thấy cái quy trình sản xuất lúa tiên tiến cũng không khó. Cái nào mình không biết thì gắng học hỏi thêm. Đó giờ mình làm tự theo tập quán, kinh nghiệm và ý thích của mình, mà ít chịu thay đổi. Hồi xưa tôi sạ một công phải một giạ, làm tự phát theo kinh nghiệm truyền thống, giống rải mệt mới thôi! Mà nó dày con đông thì phải ăn hao gạo! Bây giờ thì chục ký. Có khi bốn ký cũng có nữa. Chục ký thì thấy nó giảm quá nhẹ. Nhẹ phân, nhẹ thuốc lắm”, ông Mẫu phấn khởi nói.

Rồi ông Mẫu kể với chúng tôi về tình hình sau khi đi học. Khi đi học về ông Mẫu cũng như nhiều lão nông khác, áp dụng ngay cho “nóng”. Tuy nhiên, mấy bác gái thì không chịu sạ thưa. Nhiều gia đình còn xảy ra bất đồng, vì ruộng người ta sạ mấy ngày là đã xanh rồi, ruộng mình vẫn chỉ thấy lưa thưa.

“Mấy bà không cho sạ thưa. Vì sạ vậy lỡ ốc ăn hết ai mà dặm nổi. Có ông nóng tánh, nhưng thuyết phục mấy bà vợ không được cãi nhau, mang mùng chiếu ra sau nhà ngủ luôn. Nhưng qua một vụ, thấy lúa cứng cây, ít phun thuốc, ít tốn tiền mà lúa trúng thì mấy bà mới dịu dịu lại. Mùa sau, có tập huấn nữa, tụi tui dẫn mấy bà đi học VnSAT luôn cho mở mang kiến thức. Từ đó, tới kỳ mua lúa giống, mấy bà tự mua mỗi công 10 chục ký”, ông Mẫu kể. Theo ông Mẫu, tuy sạ thưa nhưng lúa rất trúng. Vụ hè thu vừa rồi ông thu hoạch năng suất đạt 6,2 tấn/ha. Có năm còn đạt trên 8 tấn nữa.

Nông dân Tiền Giang rất hào hứng tham dự các lớp tập huấn trồng lúa tiên tiến do dự án VnSAT tổ chức, trong đó có không ít lão nông cần mẫn. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Lê Văn Mến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của xã là 690 ha. Đất chuyên canh tác lúa 450 ha. Vừa qua, xã được Ban quản lý VnSAT tỉnh chọn triển khai dự án. Những năm qua, bà con trong xã được thụ hưởng được 74 lớp, với gần 2.800 lượt người dân tập huấn làm lúa giảm khí thải nhà kính như: Lớp “3 giảm, 3 tăng”, lớp “1 phải, 5 giảm”... Mới đây, bà con trong xã còn được tập huấn 2 lớp nâng cao, làm lúa VietGAP.

Theo ông Đặng Văn Tám, thành viên HTX Thành Lợi, cán bộ khuyến nông xã Mỹ Hạnh Trung cho biết: Dự án VnSAT đã giúp bà con nông dân giảm được lượng phân đạm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, giảm lượng giống từ 150 kg/ha xuống còn 100 kg/ha, giảm số lần phun thuốc trừ sâu từ 4-5 lần/vụ xuống còn 2-3 lần/vụ. Hiện nay, khoảng 70% số hộ dân trong xã áp dụng sạ dưới 100 kg/ha.

“Bây giờ bà con mình bón phân theo bảng so màu lá lúa nên phân bón cân đối. Bà con cũng thường xuyên thăm đồng, thấy sâu bệnh nặng mới xịt chứ không phải tới cữ là phun xịt như ngày xưa. Cho nên bây giờ mà nghe mở lớp VnSAT là họ đăng ký đi học rất nhiều”, ông Tám chia sẻ.

Lan tỏa, đạt vượt mục tiêu dự án vì “đồng vợ, đồng chồng”

Theo Ban quản lý VnSAT tỉnh Tiền Giang, đến nay, Tiền Giang đã thực hiện 855 lớp đào tạo “3 giảm, 3 tăng” và 476 lớp đào tạo “1 phải, 5 giảm”. Số lượng người hưởng lợi thông qua thực hiện công tác đào tạo từ đầu dự án đến nay là 93.612 người, đạt 131,8% mục tiêu dự án.

Đánh giá việc áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông tỉnh Tiền Giang cho biết: Qua kết quả đánh giá nội bộ vụ đông xuân 2019-2020 về mức độ áp dụng và căn cứ tiêu chí đánh giá sản xuất của nông dân, tỷ lệ áp dụng chung của Tiền Giang về “3 giảm, 3 tăng” là 84,0% về số hộ và 84,7% về diện tích. Tỷ lệ hộ áp dụng “1 phải, 5 giảm” là 84,1% về số hộ và 82,8% về diện tích.

Những lão nông đầu hai thứ tóc, cả đời làm nông nhưng khi tham gia dự án VnSAT, vẫn lao đi học kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, để thay đổi tư duy, phương pháp canh tác lúa bền vững. Ảnh: Minh Đãm.

Đánh giá về tác động của dự án VnSAT, ông Võ Văn Lập cho biết thêm: Dự án qua 5 năm thực hiện đã tác động tích cực đến thay đổi hành vi sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng dự án. Nhất là, chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giúp giảm chi phí sản xuất, thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân đạm dư thừa, số lần phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Từ đây, các quy trình này đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị hạt gạo và tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Qua kết quả đánh giá nội bộ cho thấy, mức gia tăng lợi nhuận sản xuất lúa trung bình trong vùng dự án là 29,1% so với trước dự án và 29,2% so với vùng sản xuất lúa ngoài dự án.

Nông dân xã Mỹ Hạnh Trung sau khi được tập huấn, cùng nhau ra điểm trình diễn tham quan, thực hành thực tế trên đồng ruộng. Ảnh: Minh Đãm.

Tương tự tại Long An, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án VnSAT đã mở được 28 lớp tập huấn về quy trình canh tác lúa “3 giảm 3 tăng”, với 840 người tham dự, tương đương diện tích 1.680 ha. Lũy kế từ đầu dự án cho đến nay, đã tập huấn tổng cộng 10.885 hộ (không trùng lắp) về quy trình sản xuất “3 giảm 3 tăng”, tương đương diện tích 26.935 ha và 8.058 hộ (không trùng lắp) về quy trình sản xuất theo “1 phải 5 giảm”, tương đương diện tích canh tác 22.554 ha. Ban Quản lý dự án VnSAT Long An đã tổ chức 195 lớp đào tạo FFS cho 5.484 người tham dự, tương đương diện tích 12.677 ha. Đồng thời tổ chức 31 điểm trình diễn để nông dân có điểm tham quan, thực hành.

Những tháng cuối năm nay, Ban Quản lý dự án VnSAT Long An sẽ khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng điểm trình diễn theo kế hoạch đề ra. Theo đó, sẽ tổ chức 77 lớp 3 ngày về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và 77 lớp 4 ngày về “1 phải, 5 giảm”, các lớp về nhân giống lúa cấp xác nhận, sản xuất lúa theo VietGAP, trồng nấm rơm, đào tạo về quản lý và phát triển HTX. Tăng cường phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh và các cấp, các ngành hỗ trợ HTX trong việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản của địa phương.

Ông Lê Văn Mến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai lậy, tỉnh Tiền Giang:

Những lớp tập huấn được bà con đánh giá rất thiết thực và hào hứng tham gia. Bởi vì, những chuyên gia dạy thực tế ngoài đồng, bà con thấy đi học rất dễ chứ không khó. Đến nay, các hộ dân trong xã đều có một thành viên trong gia đình đi học các lớp tập huấn này. Vừa qua, bà con đã được tập huấn hai lớp VietGAP với khoảng 80 lượt người tham dự. Bây giờ chúng tôi kiến nghị mở thêm các lớp VietGAP nữa để bà con có điều kiện học áp dụng làm lúa sạch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin mở một lớp cho cán bộ để họ nắm, sau đó tuyên truyền tốt hơn.

Đ.T.CHÁNH

Đ.T.CHÁNH - MINH ĐÃM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hao-hung-hoc-trong-lua-tien-tien-d272512.html