Hào khí biên cương Đông Bắc

Nhìn trên bản đồ, biên giới chỉ là những nét vẽ ngắt khúc. Nhưng để có những nét vẽ đó, máu xương, mồ hôi, công sức của ông cha ta đã đổ xuống trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, để tạo nên hình dáng Việt Nam hôm nay. Trên dọc dài biên giới, những cột mốc quốc gia được làm bằng đá hoa cương, trên có gắn quốc huy của Việt Nam và nước láng giềng mang ý tưởng dáng hình cây tre sừng sững trên đỉnh cao hay dưới khe sâu, bên sông rộng, giữa rừng già... hàm chứa trong mình những câu chuyện đầy ý nghĩa về truyền thống lịch sử cha ông ta giữ đất biên cương và sự hy sinh không gì so sánh được của quân dân nơi đây đã làm nên những 'khiên thép trấn biên'.

Chiến sĩ mới của BĐBP Quảng Ninh tham quan cột mốc 1369. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Quảng Ninh là một tỉnh biên giới trọng điểm của vùng Đông Bắc Việt Nam, có biên giới quốc gia và hải phận giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là địa bàn “phên giậu”, có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất đó là nơi những hành dinh đầu tiên của nhà Lý được xây dựng để thực thi sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ vùng cửa ngõ phương Bắc quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt. Và tiếp nối các triều đại sau cũng luôn chú mục bảo vệ, giữ gìn.

Nơi đây cũng chứng kiến bao chiến thắng lẫy lừng như: Thái úy Lý Thường Kiệt đại thắng Châu Khâm, Châu Liêm (Quảng Tây); các đức tiên hiền Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo đại thắng nơi cửa biển Bạch Đằng Giang huyền thoại; người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản đã mưu trí phục binh nhấn chìm bao chiến thuyền của quân Nguyên Mông xâm lược ở biển Mũi Ngọc, Vạn Ninh và tướng quân Nguyễn Hữu Cầu, hay còn gọi là Quận He đã kiêu dũng dám chống lại cường quyền, có công xây dựng và trấn giữ vùng đất biên cương đầu sóng, ngọn gió từ Trà Cổ tới Vân Đồn, Đồ Sơn, Thanh Hóa...

Trong giai đoạn mới, thực hiện chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước, ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Hiệp ước về biên giới đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được ký kết (gọi tắt là Hiệp ước 1999). Sau khi Hiệp ước 1999 có hiệu lực, Việt Nam và Trung Quốc thành lập 12 nhóm liên hợp, tiến hành phân giới cắm mốc theo phương pháp song phương. Đến nay, Quảng Ninh có đường biên giới trên đất liền dài 132,8km với 177 cột mốc chạy qua địa phận các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái giáp với huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng (nay là thành phố Đông Hưng), tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Có lẽ, những người dân của thành phố Móng Cái sẽ rất tự hào với cột mốc đại số 1369 cao 2,2m, rộng 50cm được cắm tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) và Đông Hưng (Quảng Tây). Bởi tháng 12/2001, đây là cặp mốc quốc giới đầu tiên được cắm trên tuyến biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết, theo thông lệ quốc tế, khi biên giới đi qua sông thì phải cắm cột mốc kép đồng thời tại hai nước. Và cột mốc này đã khởi đầu cho một quá trình gian nan nhưng rất đỗi tự hào của các nhóm liên hợp phân giới cắm mốc để triển khai công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Sau 8 năm, ngày 31/12/2008, hai bên chính thức ra Tuyên bố kết thúc toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được cụ thể hóa bằng một hệ thống mốc giới hiện đại gồm 1.971 cột mốc, trong đó có mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, 1.548 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ.

Ở vùng biên cương Đông Bắc này, di tích quốc gia đền Xã Tắc; Di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Móng Cái; đình Trà Cổ gắn với Khu du lịch quốc gia Trà Cổ... cũng là những niềm tự hào của người dân thành phố mới. Điều đáng nói là những công trình này dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp ranh với nước bạn Trung Quốc, nhưng hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, mang đậm chất văn hóa Việt mà không hề lai căng pha tạp, kiêu hãnh như một cột mốc văn hóa lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam qua bao biến cố.

Từ cột mốc 1369, chúng tôi ngược phía Tây theo ánh hoàng hôn về núi Kéo Lạn, nơi có ngọn Cao Ba Lanh ẩn hiện trong mây, tạo nên những bức tranh sơn thủy hữu tình nơi biên viễn Bình Liêu. Ở đó, chúng tôi bám theo “sống lưng khủng long” của ngọn núi để “checkin cột mốc thiên đường” mang số hiệu 1327. Cột mốc này được cắm trên đỉnh núi Thanh Long Lĩnh thuộc bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Đây cũng là cột mốc được xây dựng kỳ công nhất với hơn 200 bậc xi măng khang trang dẫn lên mốc.

Cột mốc 1327 trên đỉnh Thanh Long Lĩnh thuộc bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Chuyện “giữ đất” của quân dân nơi đặt cột mốc 1327 có thể coi là một khúc ca bi tráng. Tương truyền, từ xa xưa, có một vị vua hiền đã ban chiếu đặt một hòn đá có khắc niên hiệu đặt lên đỉnh Cao Ba Lãnh. Chiếu dụ viết rằng, hòn đá phải được đặt trên đỉnh núi cao nhất để đánh dấu bờ cõi nước Nam bắt đầu từ đó. Lệnh triều đình về đến Châu, rồi xuống các Lộ để quan binh theo đó mà cắt cử các suất đinh mang hòn đá lên đỉnh núi. Đã có bao người đi rồi nằm lại nơi lam sơn chướng khí, nhưng hòn đá đã được đặt trên đỉnh cao 1.500m so với mặt nước biển hàng trăm năm có lẻ và đã có không biết bao nhiêu lính biên phòng và đồng bào phải đổ máu để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cách cột mốc không xa, là đàn đá thần thiêng liêng của đồng bào Dao nơi đây. Theo quy ước của bà con trước đây, khi phát hiện những biểu hiện bất thường, người phụ trách việc canh phòng sẽ gõ vào đàn đá để tạo nên những tiếng kêu ngân nga vang trong gió, truyền tin cho dân bản biết để chuẩn bị chống trả kẻ thù. Còn dưới chân núi, ngôi đình Lục Nà, nơi thờ “Khâm sai Đông đạo tiết chế” Hoàng Cần nổi bật với lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày kết hợp với mái ngói âm dương, đôi rồng chầu nguyệt, mái đao đình cong vút... Vị tướng người Tày này đã cùng đội quân của mình dùng gậy tre tả xung hữu đột đánh tan quân giặc xâm chiếm biên cương. Sau khi mất, nhân dân suy tôn ông là thành hoàng của một vùng.

Người thủ từ nói với chúng tôi rằng, lễ chính của đình Lục Nà thường vào dịp tháng Giêng, nhưng chính quyền và bà con nơi đây vẫn đến chiêm bái vào dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bởi vào tháng 11/1945, tại ngôi đình này đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức để tuyên bố thành lập Chính quyền cách mạng lâm thời huyện Bình Liêu. Đây cùng là nơi Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu (sau này là UBND huyện Bình Liêu) và Vệ quốc đoàn Bình Liêu (sau là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Liêu) được thành lập.

Cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, biên cương Đông Bắc có những khởi sắc quan trọng, hứa hẹn trở thành những đô thị vùng biên hiện đại và hội nhập mạnh mẽ. Khi đứng bên đàn đá thần trên đỉnh cao vời vợi, hay kính cẩn thắp một nét nhang thơm dưới mái đình làng biển, hoặc chạm tay vào cột mốc hoa cương..., sẽ cảm nhận thật rõ nét sự vươn lên của vùng đất và con người biên cương nơi đây. Đó là minh chứng rõ ràng nhất về sự trường tồn và lớn mạnh của Tổ quốc, đúng như bốn chữ đại tự trên bức hoành phi treo tại đình Trà Cổ: “Nam Sơn Tịnh Thọ” - có nghĩa là “Nước Nam đời đời bền vững, trường tồn cùng trời đất”.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hao-khi-bien-cuong-dong-bac-post466043.html