Hào nữ đất Nam kỳ

Đặng Thị Vị dù là nữ nhi nhưng lại giàu đảm lược, giỏi võ nghệ. Làm dâu trưởng nhà võ tướng nên bà cũng không kém các bậc tu mi vừa lo việc nhà, vừa giúp đỡ chồng việc binh nhung.

Ít ai biết rằng ở đất Nam kỳ xưa cũng có những bậc hào nữ không kém gì “Dương gia tướng” ở Trung Quốc, với những người phụ nữ, dâu con đều là bậc võ dõng, có thể xông pha trận mạc. Trường hợp tiêu biểu là bà Đặng Thị Vị, con dâu của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên.

Tương tự như Dương gia tướng, dòng dõi Tuyên Trung hầu cũng trải nhiều đời làm võ tướng. Cha Nguyễn Văn Tuyên là Nguyễn Văn Hậu (1723 - 1821) - trước họ Phan, sau được vua Gia Long cho cải sang họ Nguyễn - giữ chức Chánh đội trưởng, sau được truy phong đến Anh Dõng Tướng Quân, Khinh Xa Đô Úy, Thần Sách Vệ Úy.

 Lăng mộ gia tộc Tuyên Trung hầu trong ngày giỗ - mộ bà Đặng Thị Vị được an táng tại đây.

Lăng mộ gia tộc Tuyên Trung hầu trong ngày giỗ - mộ bà Đặng Thị Vị được an táng tại đây.

Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831) làm đến Thống chế, lãnh Bảo hộ Cao Miên, tước Tuyên Trung hầu. Các con của Tuyên Trung hầu đều theo binh nghiệp, trong đó con trai trưởng Nguyễn Trường Cửu (1797-1839) vừa là người thừa tự, cũng vừa là người có nhiều tố chất con nhà võ tướng, kế nối sự nghiệp cha, duy trì uy danh cho dòng tộc, làm đến Phó lãnh binh Trấn Tây. Bà Đặng Thị Vị là chánh thất của ông Nguyễn Trường Cửu, tức con dâu Tuyên Trung hầu.

Bà Đặng Thị Vị sinh ngày 29 tháng 8 năm Bính Thìn (1796). Bà là vợ chính của ông Nguyễn Trường Cửu (ông Nguyễn Trường Cửu có 4 vợ). Bà tuy là nữ nhi nhưng lại giàu đảm lược, giỏi võ nghệ. Làm dâu trưởng nhà võ tướng nên bà cũng không kém các bậc tu mi, vừa lo việc nhà, vừa giúp đỡ chồng trong việc binh nhung. Chồng bà cũng là một trang thao lược toàn tài.

Năm 1832, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt mất, Nam kỳ xảy ra biến loạn Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt). Chỉ trong vòng vài ngày, cả Nam kỳ đã nằm trong tay Lê Văn Khôi. Sau đó, để tăng cường sức mạnh, Khôi cho sứ giả sang cầu viện Xiêm La cất binh sang trợ giúp. Vua Xiêm muốn nhân cơ hội nầy để xâm lược nước ta nên lập tức cho cất quân theo đường biên giới tây nam tiến đánh. Được tin quân Xiêm tiến công, vua Minh Mạng liền phong cho Lương Tài hầu Trần Văn Năng làm Bình Khấu tướng quân hiệp cùng chư tướng thống lãnh đại binh chống giặc.

Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Trường Cửu đã đứng ra hô hào dân dõng, chiêu tập nghĩa binh, hiệp cùng với quân triều đình tiến đánh, lấy lại được tỉnh lỵ Hà Tiên. Do lập được nhiều chiến công Nguyễn Trường Cửu được vua phong đến chức Phó Lãnh binh thành Trấn Tây. Nguyên từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà Nguyễn cho lập ra Trấn Tây Thành (vùng lãnh thổ thuộc đông nam Chân Lạp), sáp nhập vùng này vào lãnh thổ Đại Nam, hủy bỏ tước hiệu quan chức bản xứ và cho áp dụng theo quan chế nhà Nguyễn, cắt đặt quan quân đến đây trấn nhậm. Nguyễn Trường Cửu được thượng cấp đánh giá cao về năng lực nên điều động ông đến để hiệp đồng trong việc tổ chức bố phòng và giữ gìn trị an.

Sắc phong cho Nguyễn Trường Cửu (chồng bà Đặng Thị Vị) năm Minh Mạng thứ 18 (1837).

Bà Đặng Thị Vị tuy không được theo chồng đến Trấn Tây nhưng luôn quan tâm và cho những người thân tín theo hầu cận chồng để kịp thời thông tin cho bà về tình hình của ông bên đất Trấn Tây, vốn dĩ nhiều nguy hiểm.

Đầu năm 1838, Phó lãnh binh Nguyễn Trường Cửu được điều động đến trấn nhậm Phủ Hải Tây (còn được gọi là: Phủ Lật, Phú Túc hay Trấn Gò Sặt, nay là tỉnh Pursat, Campuchia). Trong lúc trấn đóng tại đây, giặc Xiêm thường xuyên đem quân đến đánh phá. Trong một trận đánh tại Gò Sặt, quân giặc bao vây phủ thành, Nguyễn Trường Cửu do binh ít nên phải cố thủ trong thành chờ viện binh. Người hầu cận liều chết lẻn về mật báo cho bà Đặng Thị Vị. Hay tin dữ, bà tức tốc mang quân bản bộ lên Gò Sặt giải vây cho ông. Giải cứu được chồng nhưng lúc giao tranh bà đã hy sinh tại trận vào ngày 27 tháng 7 âm lịch năm Mậu Tuất (1838), hưởng dương 43 tuổi.

Bà Vị khi mất được vua Minh Mạng ban cho tấm triệu bằng vải điều thêu chữ kim tuyến tặng là Thục Thận An Nhơn, tấm triệu này đến nay vẫn còn. Mộ bà Đặng Thị Vị ban đầu phải chôn tạm tại Gò Sặt, sau được con cháu cải táng về thôn Tòng Sơn, thuộc phủ Tân Thành, trong quần thể mộ họ tộc Nguyễn Văn Tuyên. Năm 1971 khu đất nơi quần thể mộ tọa lạc bị sạt lở nên phải di dời đến địa điểm nay là xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Bà Đặng Thị Vị sinh hạ được một người con gái tên Nguyễn Thị Phương, sau lấy chồng là Phan Khắc Thận (1798 - 1868), làm quan đến Binh bộ Thượng thư.

Nguyễn Thanh Thuận

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hao-nu-dat-nam-ky-post1055199.html