Hào quang và nghệ sĩ

Cách đây ít hôm, Trịnh Tú Văn, ca sĩ kiêm diễn viên hàng đầu Hồng Công - Trung Quốc, đăng quang ảnh hậu Kim Tượng (giải thưởng điện ảnh nổi tiếng ra đời năm 1982).

Phát biểu nhận giải, cô nói: “Trong suốt nhiều năm, điều tôi nghĩ nhiều nhất không phải là khi nào hoặc làm thế nào để có thể nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, mà là phải làm gì mới có thể tiến bộ trong diễn xuất, có thể lột xác? Từ lúc bị nhận định là diễn viên hài đến khi đóng chính kịch, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức, con đường rất dài, gặp rất nhiều khó khăn… nhưng các bạn hãy nhớ đến tôi lúc này, mộng tưởng sẽ thành hiện thực chỉ dành cho những ai không từ bỏ và kiên trì”.

Trước đó, Dương Tử Quỳnh (Malaysia) lên nhận giải Cannes, Oscar cũng truyền đi thông điệp không bao giờ ngừng phấn đấu cho nghề nghiệp để hoàn thiện chức phận hai tiếng “nghệ sĩ”. Khi nhận giải, nữ diễn viên này nâng tượng vàng về phía máy quay, nói với cả thế giới về “ngọn hải đăng của khả năng và hy vọng”.

Với người nghệ sĩ, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để thăng hoa trên sân khấu, khóc cười trước máy quay, hòa mình vào giai điệu… chính là ánh sáng soi đường đẹp đẽ nhất. Đó là đạo của người nghệ sĩ, biết ơn và trả ơn những người tạo ra nghệ sĩ, trong đó có khán giả, bằng nghệ thuật. Nghệ sĩ thực thụ càng ở trên đỉnh cao nghề nghiệp càng thu cái tôi của mình lại. Nghệ sĩ càng nổi tiếng càng khiêm cung, luôn thấy mình nhỏ bé mà không ngừng phấn đấu. Bởi suy cho cùng, cái tôi vĩ đại nhất của nghệ sĩ là cái tôi hòa vào nhân vật khi diễn, tạo thành cá tính âm nhạc khi cất giọng… Tên tuổi nghệ sĩ lớn hay nhỏ, trường tồn hay vụt sáng rồi tắt, câu trả lời đều nằm trong trái tim khán giả.

NSND Bạch Tuyết

Danh xưng phần nào thể hiện vị trí và tình yêu thương khán giả dành cho nghệ sĩ, xuất phát và gắn liền với cá tính nghệ sĩ hoặc sản phẩm cụ thể, như Sầu nữ Út Bạch Lan hay Cải lương chi bảo Bạch Tuyết… Nhưng tuyệt nhiên hiếm ai dám nhận mình là ông hoàng bà chúa, dù đó là khán giả yêu thương đặt cho. Từ một MC nói gì cũng “viral” (phổ biến nhanh chóng), sản xuất phim nào cũng thành “bom tấn”, được đánh giá là nghệ sĩ đa tài và nổi tiếng nhất nhì showbiz nhưng T.T. đang dần đánh mất thiện cảm của khán giả. Bỏ qua những “vạ miệng” theo kiểu bản năng, khi anh lên sân khấu nói đời nghệ sĩ khó nuốt và “thách”: “Nếu ai cảm thấy thích tiền, thích hào quang thì hãy thử lên đây chạm vào nó, hãy nếm 4 chữ hào quang rực rỡ đi để biết nó là cái gì…”, thì giới hạn bao dung của công chúng không thể rộng mãi. Khi chọn đáp trả khán giả bằng cách thách thức, dường như T.T. đã quên sự nổi tiếng của nghệ sĩ, hào quang anh đang có đều đến từ khán giả.

Trải mấy mươi năm trong nghề, được công chúng gọi là “Cải lương chi bảo”, NSND Bạch Tuyết quan niệm về nghề giản đơn như không mà lại nâng niu tột bậc: “Nếu có kiếp sau vẫn xin làm nghệ thuật, đối với mình đây là một cái nghề đẹp, sang nhất, sạch sẽ nhất, ít nghiệp nhất và nếu được như thế, thì mình phải hành xử cho đúng. Còn bao người không ai biết, lo âm thanh, lo ánh sáng...”. Nghệ sĩ lớn đâu chỉ thấy sự hy sinh, vất vả của riêng mình…

Người xưa đúc kết, làm nghệ sĩ như làm dâu trăm họ, đủ thấy áp lực của người làm nghệ thuật lớn như thế nào. Nhưng song hành với đó là hào quang, là sự ái mộ, sự tung hô. Khi chọn làm người của công chúng, nghệ sĩ ắt nhìn thấy và hiểu rõ. Chẳng thế mà ca sĩ Sơn Tùng M-TP từng có một câu nói không thể khái quát hơn về áp lực của người nổi tiếng: “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác mà không ai chịu được”.

Nghệ sĩ là người sống trong cái đẹp, tạo ra cái đẹp và lan tỏa cái đẹp, thế nên hãy luôn ý thức để hành xử thật đẹp đẽ, trách nhiệm và văn minh. Và đó cũng chính là hào quang đẹp nhất của một người nghệ sĩ!

GIA VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hao-quang-va-nghe-si-post686809.html