'Hạt bụi tử thần' lơ lửng trong không khí

Những hạt bụi li ti trong bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề ở rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đang là 'mối đe dọa chết người' ngày càng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.

Có tới 9 trong số 10 trẻ em trên thế giới hiện phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí

Có tới 9 trong số 10 trẻ em trên thế giới hiện phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí

Trong cuộc họp báo ngày 29-10 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) về kết quả nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hợp quốc (WHO) công bố về vấn đề ô nhiễm không khí trên toàn cầu, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra những cảnh báo mới rất đáng chú ý về tác hại nghiêm trọng của thực trạng này. Theo đó, ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến não của trẻ em và cứ 9 trong 10 trẻ em trên thế giới hiện phải sống trong môi trường ô nhiễm rất nguy hiểm.

Trước kết quả nghiên cứu mới nhất nói trên, thế giới từng không ít lần cảnh báo về mối nguy hại của ô nhiễm không khí vốn đang gia tăng chóng mặt cùng với sự phát triển kinh tế cùng tốc độ đô thị hóa trên toàn cầu. WHO ước tính, có tới 9/10 người trên thế giới đang hít thở bầu không khí có nồng độ chất gây ô nhiễm cao, dẫn tới 7 triệu người chết trẻ trên toàn cầu do ô nhiễm không khí ngoài đường và không khí trong nhà.

Cũng theo WHO, khoảng 1/4 số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi trên thế giới có thể có nguyên nhân do ô nhiễm không khí. Con số này là không đổi trong những năm qua, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường bên ngoài vẫn ở mức cao và phần lớn không đổi, còn ô nhiễm môi trường bên trong trở nên tồi tệ hơn từ dữ liệu thu thập được tại hơn 4.300 thành phố trên khắp thế giới.

Nguy hiểm nhất, được xem là “tử thần” trong không khí bị ô nhiễm chính là các hạt bụi mịn dưới PM2.5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) chứa các chất gây ô nhiễm như sunfat, nitrat và bụi carbon. Đây là những chất có thể gây ra nguy cơ lớn cho sức khỏe con người bởi dễ xâm nhập sâu vào phổi, não và hệ thống tim mạch do kích thước quá nhỏ bé.

Những “hạt bụi tử thần” lơ lửng càng trở nên nguy hiểm hơn với trẻ em, theo kết quả công bố ngày 29-10. Theo WHO, trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm hơn người lớn vì nhịp thở của các em nhanh hơn, dễ nhiễm các chất độc hơn; thậm chí trẻ sơ sinh và trẻ em bé càng dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm khi gia đình các em sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm để nấu ăn, sưởi và thắp sáng.

WHO ước tính, riêng năm 2016 đã có tới 600.000 trẻ em chết do viêm phế quản cấp tính chủ yếu do ô nhiễm không khí. Việc tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm cả trong nhà và ngoài đường có thể khiến các bà mẹ sinh non tháng, khiến trẻ không đủ cân và có thể mắc chứng hen, ung thư, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh.

Những dữ liệu nghiên cứu cùng cảnh báo mới về vấn đề ô nhiễm không khí càng cần quan tâm hơn khi Việt Nam hiện được WHO xem là một trong những “điểm nóng” trong vấn đề này. Theo số liệu mới nhất của WHO đưa ra hồi tháng 5 vừa qua, có tới hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Theo cơ sở dữ liệu của WHO, trong năm 2016, nồng độ trung bình PM10 là 102,3 microgram/m3 và PM2.5 là 47,9 microgram/m3 ở Hà Nội, trong khi các số liệu tương tự ở TP Hồ Chí Minh, PM10 là 89,8 microgram/m3 và PM2.5 là 42 microgram/m3.

Khuyến cao chung được WHO đưa ra với thế giới cũng như Việt Nam là cần phải hành động kiên trì với các biện pháp cấp bách và lâu dài để giảm thiểu ô nhiễm không khí như dùng nhiên liệu sạch để nấu ăn và vận hành các phương tiện đi lại cũng như chú trọng đến việc sử dụng các loại năng lượng hiệu quả trong quy hoạch nhà ở và đô thị.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/hat-bui-tu-than-lo-lung-trong-khong-khi/788200.antd