'Hát đúm đã ngấm vào máu thịt đời tôi...'

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết tên thật là Phạm Thị Quyết, sinh ra và lớn lên ở phường Phong Hải (TX Quảng Yên). Mẹ bà Quyết là cụ Vũ Thị Dắng một nghệ nhân hát đúm có tiếng trong vùng làng đảo Hà Nam. Chính cụ đã dạy cho bà Quyết những làn điệu hát đúm đầu tiên. Những lời ca đó đã xui khiến bà cả đời theo đuổi hát đúm.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết về niềm đam mê hát đúm của bà và những ca nương vùng sông nước Quảng Yên.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết.

- Khi còn nhỏ, bà đã học hát từ mẹ mình như thế nào?

+ Mẹ tôi thường tham gia các lễ hội làng. Lễ hội nào ở làng đảo Hà Nam cũng có hát đúm. Mẹ thường dẫn tôi đi theo. Năm 1970, khi tôi 16 tuổi, bà bắt đầu dạy cho tôi hát. Mẹ chỉ bảo uốn nắn cho tôi cách phát âm, cách luyến láy, đưa hơi. Tôi đã ngấm dần những làn điệu say mê và nhân văn của hát đúm.

- Hiểu một cách đơn giản nhất thì hát đúm là thế nào, thưa bà?

+ Hát đúm còn gọi là hát ví, hát gái, hát ghẹo hay hát giao duyên. Thực chất hát đúm Hà Nam bắt nguồn từ những câu nói hàng ngày được biến tấu sao cho có vần, có điệu. Lời hát thường được đặt theo thể lục bát, lục bát biến thể, hay song thất lục bát.

Mỗi một lời hát thường bắt đầu và kết thúc bằng một câu đưa đẩy. Câu ấy cũng chính là tín hiệu cho bên kia biết để chuẩn bị mà đối đáp lại. Ví dụ: “Rằng duyên kết bạn mình ơi! /… Nhà em chèo mũi cũng ngoan/ Hai tay em dẻo như đàn năm cung/ Chồng chưa? Thú thật anh cùng/ Để anh khấn nguyện tơ hồng kíp se… Rằng duyên kết bạn mình ơi!”. Cũng chính cái câu đưa đẩy “Rằng duyên kết bạn mình ơi” hay như: “Duyên kết bạn mình ơi” cùng với nhóm từ xưng hô “mình - bạn”, “anh - em” đã thể hiện tính chất hô ứng qua lại trong lời hát.

- Thông thường, hát đúm có những nội dung gì?

+ Hát đúm là tiếng lòng của những người bình dân, kèm miếng trầu xanh, bên sân đình, lũy tre, bến nước. Hát đúm như hoa đồng cỏ nội; dịu dàng, giản dị nhưng thắm thiết như bản tình ca người dân quê nơi thôn dã. Những bài hát ấy mang đậm chất trữ tình, phản ánh tình cảm thương yêu của lứa đôi. Nhiều bài hát có lời lẽ mộc mạc, thậm chí thất vận, thất luật nhưng nội dung vẫn đậm đà, lãng mạn.

- Bà cho biết hát đúm ở Hà Nam có những loại nào?

+ Người ta phân chia các kiểu hát đúm dựa vào thời điểm hát và nội dung câu hát. Với mỗi hoàn cảnh cụ thể sẽ có một dạng hát đúm khác nhau, như: Hát chào, hát hỏi, hát gặp, hát họa, hát đố, hát lính, hát thư, hát ra về .v.v. Khi mới gặp làm quen, người ta thường hát chào để dần kết thân, ví dụ: “Duyên kết bạn mình ơi! ... Thoạt vào anh chào hội xuân/ Anh chào quý khách xa gần ngồi chơi”. Hát hỏi đôi khi chẳng phải để lấy thông tin, mà chỉ là một cách để thử tài đối phương, có khi để tìm ra người tài sắc, ý hợp tâm đầu: “Duyên kết bạn mình ơi!... / Rằng anh đã vợ con chưa/ Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào/ Mẹ già anh ở nơi nào/ Để em tìm vào hầu hạ thay anh…”.

Hát đúm tình tứ nhất phải là lúc giã bạn. Người ta hát những lời từ cõi lòng sâu kín nhất của mình. Trong lời hát có những nhớ thương, bịn rịn, có chờ mong, ước hẹn .v.v. Giống như dân ca Quan họ, lời giã bạn trong hát đúm cũng là lời lưu luyến nhất trong mỗi cuộc hát: “Ra về kẻ biệt lời thề/ Kẻ thương người nhớ, kẻ tơ tưởng tình/ Ra về bỏ bạn một mình/ Lấy ai làm kẻ chung tình có đôi/... Duyên kết bạn mình ơi!”.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết (ngoài cùng, bên phải) dạy hát đúm cho học sinh.

- Về giọng điệu, hát đúm ở Hà Nam có gì đặc biệt hơn so với vùng khác?

+ Hát đúm Hà Nam sử dụng giọng thổ, ngọt ngào, trầm ấm. Hát đúm Quảng Yên khác với hát đúm hay hò biển Vân Đồn, Trà Cổ ở chỗ hát đúm các vùng ấy ưa sử dụng giọng kim với âm sắc cao vang, người Hà Nam, Quảng Yên lại ưa hát giọng thổ trầm ấm và chan chứa nghĩa tình. Hát đúm ở Hà Nam, Quảng Yên thường sử dụng lời cổ, trong khi đó hát đúm Thủy Nguyên (Hải Phòng) lại sử dụng cả lời mới. Hát đúm Hà Nam ít bị lai tạp là bởi trong những câu hát ấy có rất nhiều tên đất, tên làng của vùng quê Hà Nam được đưa vào một cách nhuần nhị. Đây cũng là chỗ thể hiện tính nguyên bản của hát đúm Hà Nam so với hát đúm ở những vùng khác.

- Thế còn trang phục của các ca nương xưa thì sao, thưa bà?

+ Trang phục của hát đúm không phức tạp. Ngày xưa các cụ mặc áo cánh ba màu gọi là áo đổi màu, quần đen, áo bên ngoài là áo khoác mỏng màu hạt dẻ hoặc màu nâu, đầu vấn khăn đen. Ngày nay giản tiện hơn, người hát chỉ mặc áo cánh một màu bên ngoài khoác áo tím hoa cà hay áo cánh sen.

- Hát đúm ngày nay đã biến đổi ra sao trong đời sống hiện đại?

+ Hát đúm thời nay xúc tích hơn, người tham gia được thi thố tài năng, mở bầu tâm sự gửi vào khúc hát giao duyên, khúc hát lao động sản xuất. Với vùng đất Hà Nam, TX Quảng Yên, hát đúm đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể, một sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử - văn hóa cần được bảo tồn và phát huy các giá trị trong kho tàng dân ca vùng biển Quảng Ninh.

Hát đúm lời cổ của các cụ xưa kia thực ra không có nhạc đệm, không sân khấu, chỉ hát ở các gò đượng cao, hát ở sân đình. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, tôi mong muốn đưa vào hát đúm nhạc đệm của nhị, của sáo, của đàn bầu để cho hát đúm hôm nay phong phú hơn, dễ nghe, dễ đi vào lòng người hơn.

- Ngoài không có nhạc đệm dẫn đến chỗ đều đều dễ nhàm chán thì hát đúm hiện nay không được nhiều bạn trẻ say mê. Bà đã làm gì trước nguy cơ mai một của hát đúm đang rất hiện hữu?

+ Tôi rất trăn trở. Làng đảo Hà Nam ngày xưa có truyền thống hát đúm từ thời ông cha ta, giờ cần có người đứng lên khởi xướng, sưu tầm và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh những bài hát mà mẹ tôi truyền dạy, tôi còn tranh thủ sưu tầm những bài hát của các bậc cao niên ở vùng đảo Hà Nam. Từ những bài hát sưu tầm được, tôi biên soạn lại để sử dụng và phổ biến cho cả câu lạc bộ cùng hát. Chúng tôi hát trong lao động sản xuất, trong lúc nghỉ ngơi, trong lễ hội làng quê. Những bài ca ấy đều có nội dung ca ngợi lao động, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu xóm làng gia đình và tình yêu đôi lứa.

- Câu lạc bộ Hát đúm của thị xã được thành lập từ khi nào và đang hoạt động ra sao, thưa bà?

+ Năm 2003, tôi vận động thành lập Câu lạc bộ Hát đúm Yên Hưng. Tôi mong muốn làm cho hát đúm của làng đảo Hà Nam được bảo tồn và khởi sắc. Tôi là người đam mê hát đúm nên đứng ra thành lập câu lạc bộ này để những người có cùng sở thích có thể tham gia. Câu lạc bộ sinh hoạt mỗi tháng một lần. Tôi đã xuất bản 2 tập sách về hát đúm.

Câu lạc bộ hát đúm thị xã hiện có trên 20 hội viên ở các xã, phường: Sông Khoai, Yên Giang, Quảng Yên, Nam Hòa, Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải, Hà An. Câu lạc bộ đã góp phần trong việc sưu tầm, bảo tồn, đưa hát đúm trở thành một sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong đời sống cộng đồng.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết (áo đỏ) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Hát đúm TX Quảng Yên.

Mặc dù, phần lớn hội viên là người cao tuổi, việc sinh hoạt đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng Câu lạc bộ vẫn được duy trì hoạt động một cách đều đặn, sôi nổi. Ngoài các buổi sinh hoạt nội bộ, các thành viên câu lạc bộ đã tham gia biểu diễn hát đúm tại các dịp lễ hội hằng năm ở địa phương, tham gia một số chương trình dân ca, lễ hội của tỉnh, chương trình Làng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam...

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn mở rộng giao lưu với các câu lạc bộ hát đúm trong và ngoài tỉnh. Nhiều thành viên Câu lạc bộ tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy di sản hát đúm. Đến nay, Câu lạc bộ có 4 nghệ nhân ưu tú. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sưu tầm nhiều hơn nữa các làn điệu hát đúm để nhân rộng phổ biến, giới thiệu với lớp trẻ trên địa bàn.

-Cảm ơn Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết sinh năm 1954, trong một gia đình có truyền thống hát đúm. Bà Quyết có thời gian dài làm cán bộ văn hóa thông tin xã Phong Hải, rồi Nhà văn hóa huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Từ khi còn công tác, bà Quyết đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các câu lạc bộ hát đúm ở xã Phong Hải, xã Cẩm La, xã Phong Cốc, xã Liên Hòa; bà trực tiếp làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát đúm thị xã Quảng Yên. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thanh Quyết đã được trao tặng nhiều bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam, Tổng Công ty Than Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Bà được UBND tỉnh trao danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ năm 1991.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202103/hat-dum-da-ngam-vao-mau-thit-doi-toi-2523818/