Hạt nhân châu Á: Nguy cơ bùng nổ trên chiến trường

Tam giác hạt nhân Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đang tiềm ẩn những diễn biến khó lường.

Vào ngày 3/6/2018, Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm lần thứ sáu tên lửa đạn đạo tầm trung Agni V của nước này. Động thái này được cho là đã đưa Agni V ngày càng tiến gần tới điều kiện đủ để ra mắt Bộ Tư lệnh lực lượng chiến lược. Với tầm bắn 5000 km, Agni V có sức mạnh hạt nhân có thể tấn công các mục tiêu trên khắp Trung Quốc – điều mà các quan chức và nhà phân tích Ấn Độ đã nhấn mạnh công khai.

Việc tập trung vào Trung Quốc trong những tuyên bố mạnh mẽ như vậy xung quanh việc sử dụng loại tên lửa này là một lời nhắc nhở rằng, mặc dù những chuyên gia theo dõi Nam Á thường tập trung vào sự căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan, đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của Ấn Độ là Trung Quốc.

Ấn – Trung: Răn đe hạt nhân có giá trị?

Nền kinh tế và quân sự của Trung Quốc, lớn hơn nhiều so với Ấn Độ, hiện đang phát triển nhanh chóng. Tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc - Ấn Độ - đã dấy lên cuộc chiến biên giới 1962 đẫm máu khiến Ấn Độ chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng - vẫn chưa được giải quyết. Sự cứng rắn của Trung Quốc tại khu vực này gần đây cho các nhà lãnh đạo Ấn Độ thấy rằng, Bắc Kinh có thể muốn giải quyết những bất đồng đó thông qua cưỡng chế và đặt mọi sự ở thế đã rồi. Nếu những xu hướng này tiếp tục, Ấn Độ có thể thấy kinh tế và quân sự của họ bị áp đảo và rất khó để chống lại áp lực cưỡng chế của Trung Quốc.

Ấn Độ coi vũ khí hạt nhân là một lực lượng quan trọng chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Mặc dù cam kết duy trì “sự phòng ngừa tối thiểu đáng tin cậy”, Ấn Độ vẫn tiếp tục thực hiện các bước đi để cải thiện khả năng hạt nhân của mình. Những biện pháp này bao gồm việc sản xuất vật liệu phân hạch để mở rộng kho vũ khí hạt nhân; phát triển cả tên lửa đạn đạo và hành trình để mang theo vũ khí hạt nhân đi xa hơn, nhanh hơn và có độ chính xác cao hơn; và theo đuổi một bộ ba hạt nhân đầy đủ bao gồm lục quân, hải quân và không quân để tăng cường thực lực sinh tồn.

Ấn Độ cũng có thể đánh lại học thuyết hạt nhân không sử dụng trước (NFU) của mình và thực hiện một lập trường mơ hồ hơn. Trên thực tế, họ đã bắt đầu làm như vậy. Năm 2003, Ấn Độ tuyên bố sẽ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng không chỉ với một cuộc tấn công hạt nhân trên lãnh thổ của mình, mà còn trong trường hợp bị một vũ khí hóa học hoặc vũ khí sinh học tấn công, và cả khi xảy ra tấn công hạt nhân, hóa học hoặc sinh học vào lực lượng của họ ở bất cứ đâu.

Liệu Ấn Độ sẽ thực hiện thêm các bước theo hướng này hay không vẫn còn là điều cần chú ý. Các chiến lược để làm như vậy sẽ còn tiếp tục và có thể là một chủ đề trong cuộc tranh luận sôi nổi của giới chiến lược gia Ấn Độ.

Còn Trung Quốc tuyên bố không xem Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự và cho thấy sự xem nhẹ đối với khả năng hạt nhân của Ấn Độ. Tuy nhiên, lập trường cứng rắn trong một bài bình luận trên báo chí Trung Quốc theo sau các thử nghiệm của Ấn Độ về Agni V, cùng với sự hỗ trợ đáng kể của Bắc Kinh đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan, cho thấy mức độ lo ngại của Trung Quốc về sức mạnh hạt nhân ngày càng tăng của Ấn Độ.

Trung Quốc thường không cố gắng bắt kịp năng lực hạt nhân của các quốc gia khác, nhưng thay vào đó, họ tìm ra cách đơn giản hơn là luôn đảm bảo rằng kho vũ khí hạt nhân của mình là đủ răn đe để tránh bị đe dọa về hạt nhân. Với khoảng 260 đầu đạn hạt nhân so với 120-130 của Ấn Độ, Trung Quốc có khả năng sẽ duy trì mức độ hạt nhân này để đối phó với Trung Quốc trong một khoảng thời gian dài.

Đối đầu Ấn Độ - Pakistan: Leo thang nguy hiểm cho Nam Á

Trái ngược với Trung Quốc, Pakistan coi Ấn Độ là đối thủ chiến lược chính và đã xây dựng cấu trúc hạt nhân nhằm có thể phản ứng trực tiếp với mọi hành động quân sự của Ấn Độ, mặc dù các yếu tố quan trọng của lực lượng Ấn Độ như Agni V không phải là trọng tâm của Pakistan. Pakistan cực kỳ nhạy cảm với sức mạnh của Ấn Độ và phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí hạt nhân để chống lại Delhi. Do những hạn chế chiến lược ngày càng gia tăng tại Pakistan và nước này cũng không có khả năng duy trì sức mạnh quân sự tương đồng với Ấn Độ, Islamabad phụ thuộc vào lực lượng hạt nhân để chống lại cả các mối đe dọa thông thường và hạt nhân từ Ấn Độ.

Ấn Độ và Pakistan đang tiếp tục gia tăng sức mạnh hạt nhân.

Pakistan đang mở rộng khả năng hạt nhân của mình để đạt được những gì họ gọi là "sự ngăn chặn toàn diện", tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân 'chiến đấu' hàm lượng thấp. Pakistan hy vọng rằng những vũ khí cấp thấp hơn này sẽ khiến mối đe dọa hạt nhân của họ trở nên đáng tin cậy hơn và để tăng cường khả năng ngăn chặn chống lại Ấn Độ. Động thái của Pakistan hướng tới ngăn chặn toàn diện sẽ tạo ra áp lực cho Ấn Độ để xem xét xây dựng tính linh hoạt trong cơ cấu lực lượng của mình, có khả năng là thông qua việc phát triển vũ khí hạt nhân cấp thấp của riêng họ.

Những diễn biến gia tăng sức mạnh hạt nhân này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho Nam Á, bao gồm sức ép chạy đua vũ trang, thúc đẩy chiến lược phủ đầu hạt nhân, và những thách thức liên quan đến vật chất, công nghệ và vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm lớn nhất trong khu vực bắt nguồn từ năng lực hạt nhân chiến đấu đang nổi lên của Pakistan. Bằng cách hạ thấp ngưỡng cửa sử dụng hạt nhân , Pakistan gia tăng nguy cơ rằng một cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan thông thường sẽ leo thang lên mức hạt nhân. Trong khi đó, những căng thẳng hiện tại về Kashmir đã khiến nguy cơ đối đầu giữa hai nước này ngày càng hiện hữu.

Những nỗ lực để cải thiện tình trạng trên sẽ cần giảm sự chú ý vào các vấn đề kĩ thuật và tăng cường tập trung vào mặt chính trị. Pakistan sẽ phải quyết định rằng những nỗ lực của họ để kiểm soát Kashmir không đáng phải trả giá bằng một cuộc chiến sống còn với Ấn Độ. Những bước khiêm tốn theo hướng này cũng có thể giúp Ấn Độ giảm áp lực quân sự đối với Pakistan – dẫn đến việc giảm bớt sự phụ thuộc của Pakistan vào vũ khí hạt nhân cũng như nhu cầu nhận hỗ trợ từ Trung Quốc cho chương trình vũ khí hạt nhân. Kết quả của những điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng Ấn Độ - Pakistan và giảm thiểu ít nhất một tác nhân kích thích trong mối quan hệ chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/hat-nhan-chau-a-nguy-co-bung-no-tren-chien-truong-352569.html