'Hạt nhân' của miền Trung

Nghị quyết 26, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị định hướng cho Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Thừa Thiên Huế - thành phố văn hóa di sản nằm giữa khu vực miền Trung với những tiềm năng, lợi thế riêng có đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế toàn vùng.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm

Đặc biệt và riêng có

Lâu nay, Huế không chỉ là thành phố được biết đến với rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, dòng Hương êm đềm mà còn cuốn hút du khách bởi những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể... được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993. Tiềm năng ấy và vị thế của một thành phố di sản được bảo tồn đến hôm nay đã đưa Huế bứt tốc trong lĩnh vực công nghiệp “không khói”.

Không chỉ dừng lại với những lợi thế ấy, những ai đã từng sống, làm việc ở Huế đều rõ hơn 30 năm trước, Huế đã tư duy với tầm nhìn mới, định hình một quyết sách táo bạo cho thành phố di sản với bước đi song hành cùng công nghiệp - dịch vụ để phát triển. Đến thời điểm này, Huế có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ liên vùng; các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tạo “đất lành” cho các doanh nghiệp, tập đoàn trong, ngoài nước đến đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Nhớ lại vào thời điểm năm 2006 khi KKT Chân Mây - Lăng Cô (CM-LC) hình thành mà trước đó Bộ Chính trị có chủ trương nghiên cứu thành lập thí điểm một số đặc KKT ven biển. Sự kiện này không đơn thuần là sự quan tâm của Trung ương với Cố đô Huế mà còn có sự nhanh nhạy quyết đoán và cầu thị của các lãnh đạo tỉnh thời điểm ấy.

Huế triển khai nhiều công trình giao thông tạo đột phá phát triển kinh tế liên vùng

Có gì đặc biệt ở một vùng cát trắng hoang hóa nằm cực nam của tỉnh. Một chuyên gia kinh tế khi cùng đoàn lãnh đạo Trung ương về khảo sát lúc đó lý giải, KKT CM-LC có cảng biển Chân Mây có khả năng đón tàu hàng 50.000DWT. Từ đây tiếp cận khá gần với hệ thống đường bộ, đường sắt bắc - nam và di chuyển lên sân bay Phú Bài, TP. Huế hay vào Đà Nẵng chỉ hơn nửa giờ đồng hồ. Một lợi thế hiếm có mà sau đó một số chuyên gia, nhà đầu tư còn chỉ ra KKT CM-LC có diện tích lớn, phần lớn không có dân cư, rất thuận lợi khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư thấp với nhiều chính sách ưu đãi… Vì vậy vào những năm đầu mới hình thành, KKT CM-LC đã thu hút hơn 30 DA; trong đó có DA đầu tư lên cả tỷ USD và cảng Chân Mây lần lượt xây thêm nhiều bến cảng mới và đón tàu du lịch biển mang thương hiệu quốc tế với hàng nghìn du khách.

Nối tiếp “kinh tế mở” là những giá trị ở Huế hiếm nơi nào có được lần lượt được nhận diện. Đó là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được mệnh danh là bảo tàng đa dạng sinh học rộng lớn nhất Đông Nam Á; một bờ biển “cát trắng nắng vàng” hơn trăm cây số đầy tiềm năng với nhiều loại hình du lịch. Vịnh Lăng Cô lọt vào CLB Vịnh đẹp nhất Thế giới vào năm 2009… Thêm vào đó là hệ sinh thái tài nguyên rừng ở phía tây và Vườn Quốc gia Bạch Mã còn nguyên sinh rộng 37.500ha, có 2.373 loài thực vật cùng 1.715 loài động vật đa dạng, trong đó gồm nhiều loài quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Huế bây giờ đã kết nối với các tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây với Lào, Đông Bắc Thái Lan qua hệ thống giao thông phía tây, đường cao tốc và Đường Hồ Chí Minh qua cửa khẩu quốc tế A Đớt (Thừa Thiên Huế), kết nối Đường 9 qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).

Tầm nhìn và hành động

Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và quy hoạch cấp tỉnh vừa được các địa phương lần lượt công bố, đã thấy rõ nét hơn định hướng kết nối vùng, cũng như lối đi của mỗi địa phương. Như tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hậu cần lớn trong vùng; Đà Nẵng xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm đào tạo - nghiên cứu khoa học, công nghệ cao và logistics gắn với cảng biển. Quảng Nam xác định mũi nhọn công nghiệp chế biến sâu Silicat; vận chuyển hành khách, hàng hóa, sửa chữa tàu bay và đào tạo phi công…

Vậy Huế ở đâu? Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2025, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước…

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự đã phát biểu nhấn mạnh, Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là cầu nối từ Bắc vào Nam, với truyền thống văn hóa, lịch sử, bản sắc riêng “rất Huế”. Việc phát triển Huế toàn diện theo định hướng “bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững” là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.

Những lời của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cho thấy Huế có nhiều yếu tố khác biệt so các tỉnh, thành bạn, lựa chọn lối đi dựa trên tiềm năng, vị thế của địa phương với tầm nhìn dài hạn về liên kết, phát triển kinh tế vùng, khu vực, thế giới.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh cũng từng chia sẻ trong nhiều hội nghị, diễn đàn ở khu vực, những gì của Huế hôm nay không chỉ dành riêng cho Huế và những đầu ra, đầu vào của những trung tâm ở Huế chắc chắn không chỉ là sản phẩm, hàng hóa của Huế và phục vụ riêng cho Huế. Huế luôn có trách nhiệm với miền Trung và cả nước trong hiện tại và tương lai.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thừa nhận Huế là “đất lành” để đầu tư sản xuất, kinh doanh; khi doanh nghiệp gặp khó, lãnh đạo tỉnh tập trung giải quyết vướng mắc kịp thời. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương có chỉ số PCI cao và cũng dẫn đầu về chỉ số PAPI năm 2023.

Minh chứng thấy rõ, kể từ sau đại dịch COVID-19, nhiều DN, nhà đầu tư đã đến Huế. Hiện, nhiều DA lớn có vốn nước ngoài hiện đang triển khai trên địa bàn, như Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza vốn đăng ký hơn 91 triệu USD; DA nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Việt Nam (Nhật Bản) vốn đầu tư 12,5 triệu USD; DA Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đầu tư khoảng 169,67 triệu USD...

Thừa Thiên Huế hôm nay đang đứng trước cơ hội mới để tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí, kinh tế - chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù và khả năng bứt phá trong những năm tới. Đồng thời, cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể để đến và cùng với Huế sớm hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng và trách nhiệm phát triển cho cả khu vực miền Trung…

Minh Văn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/hat-nhan-cua-mien-trung-140312.html