Hát xoan thoát khỏi tình trạng khẩn cấp

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan vừa trả lời Thanh Niên xung quanh việc hai di sản phi vật thể của VN là nghệ thuật hát xoan Phú Thọ và nghệ thuật bài chòi Trung bộ sẽ cùng được xem xét công nhận giá trị tại phiên họp Đại hội đồng UNESCO từ ngày 4 - 9.12.

Hát xoan Phú Thọ - Ảnh: Ngọc Nhật Minh

Thưa ông, nghệ thuật hát xoan Phú Thọ đã được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Giờ đây hát xoan đang có cơ hội bước ra khỏi danh sách đó, để bước vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì sao có thể được như vậy trong một thời gian ngắn?

Vì có sự đầu tư, chăm sóc, quan tâm của các lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Có thể nói đây là một cách ứng xử với di sản mà không phải tỉnh nào cũng có được. Họ rất coi trọng hát xoan. Họ đã đầu tư sức người sức của, họ đã đầu tư trí tuệ để từ chỗ người Phú Thọ chỉ lác đác biết thế nào là hát xoan thì giờ đây toàn dân Phú Thọ đều biết đó là sản phẩm văn hóa đặc sản.

Đã có 3 điều làm rất tốt. Thứ nhất, họ tổ chức được thế hệ hát xoan tại cộng đồng. Vì nghệ nhân mất gần hết rồi nhưng họ có 3 thế hệ để bảo vệ hát xoan cộng đồng với số lượng tương đối đông đảo. Thứ hai, họ mở rất nhiều CLB hát xoan, hát các điệu hát xoan. Điều này làm người ta hiểu hát xoan. Việc thực hành hát xoan rất quan trọng. Nếu không cho người ta biết, không cho người ta hát thì người ta không yêu vì không quen nghe. Phú Thọ đã làm được một điều quan trọng là tạo ra những người dân biết hát xoan và một tầng lớp biết hát xoan. Thứ ba là họ đã phục hồi được nhiều địa điểm thực hành xoan cổ xưa mà bây giờ người ta đang tiếp tục phát triển thực hành đấy. Đặc biệt là xây được miếu Lãi Lèn. Đó là miếu cổ xưa, là nơi hát chính của hát xoan. Người ta làm được ba điều đó thì người ta đưa được xoan thoát khỏi tình trạng khẩn cấp.

Nếu chỉ nói đến hát xoan thì chẳng ai biết nó thế nào, nhưng dạy hát cụ thể thì các cháu sẽ biết hát xoan là như thế. Nó được đưa vào giáo dục nhà trường nhưng không phải là đưa thành giáo dục chấm điểm, chỉ là sinh hoạt vui chơi.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - Ảnh: NVCC

Chỉ có một tỉnh có hát xoan nên việc quản lý cũng dễ hơn phải không, thưa ông?

Đúng là cái đó thì dễ hơn ca trù, cha chung không ai khóc. Ca trù có vùng vẫn giữ tốt như Hà Tĩnh, Hà Nội, nhưng cũng có chỗ không tốt. Đánh giá qua các cuộc liên hoan, tôi thấy ca trù đang sống lại. Đã có lại những đào nương giỏi, tay đàn giỏi. Từ khi mới có 20 cụ thôi, giờ có tới 400 người; từ 2 kép đàn giờ có hơn 10 người.

Hát xoan lúc đầu có 15 nghệ nhân gốc, thì hiện nay các nghệ nhân gốc chỉ còn lác đác vài cụ. Nhưng lớp nghệ nhân kế cận rất đông. Họ thực hành rất tốt.

Bây giờ Phú Thọ làm tốt thế, vậy sao trước kia họ không làm tốt?

Họ không nhận thức ra kho vàng trong tay họ. Vì một thời rất lâu nhiều nhà lãnh đạo cho rằng đó là những thứ cổ hủ, phong kiến đẻ ra. Bây giờ các cuộc nghiên cứu đã tôn trọng nó thì người ta tỉnh ngộ. Và họ thấy là đó chính là một di sản mà nhân loại coi trọng.

Còn giá trị của bài chòi thì sao? Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng đó là đánh bạc?

Đánh bài trên chòi là một cái cớ là để sinh ra nghệ thuật trong trò chơi đấy. Đó là nghệ thuật độc diễn bài chòi. Nếu chỉ có đánh bài thì không có giá trị. Giá trị độc diễn sinh ra hàng ngàn câu thơ phản ánh đời sống của người dân Trung bộ. Nó cũng làm cho VN có một di sản độc diễn nghệ thuật mà trên thế giới không phải nước nào cũng có. Theo GS Trần Văn Khê thì chỉ có 2 nước có nghệ thuật độc diễn, đó là VN và Algeria. Giá trị chứ.

Vai trò của anh chị hiệu vô cùng quan trọng. Họ là những nghệ sĩ tài năng, thông qua con bài, cách gọi bài, nghệ thuật độc diễn sau những cuộc chơi bài.

Lời hát rất hay. Nghệ thuật độc diễn có những độc diễn dựa vào văn thơ khuyết danh để độc diễn. Ví dụ Thoại Khanh Châu Tuấn, Trại Ba công chúa... Người ta hát cái đó theo lối kể chuyện và một người đóng nhiều vai. Thế thì kinh khủng chứ.

Xin cảm ơn ông!

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/hat-xoan-thoat-khoi-tinh-trang-khan-cap-906541.html