Hậu cần quân đội Mỹ tại Syria: 'Nhỏ nhưng có võ'

Phòng Hậu cần Syria của quân đội Mỹ là đơn vị chủ lực trong chiến dịch rút quân Mỹ khỏi một số căn cứ ở Syria theo mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump. Hôm 7-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra quyết định rút toàn bộ cố vấn quân sự và đặc nhiệm đang hỗ trợ dân quân người Kurd ở Đông Bắc Syria. Tuy nhiên đến nay, họ vẫn duy trì khoảng 500 binh sĩ để bảo vệ các mỏ dầu ở miền Đông nước này.

Ban chỉ huy hậu cần viễn chinh thứ 103 (ESC), Phòng Hậu cần Syria (SLC), đặt tại Erbil, Iraq gồm một nhóm nhỏ binh sĩ có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ các binh sỹ ở Syria.

Họ đã trực tiếp tham gia vào cuộc rút quân Mỹ khỏi Syria trong thời gian gần đây. “SLC đã tham gia rất nhiều vào quá trình tháo dỡ, vận chuyển thiết bị, vật tư hạng nặng để rút khỏi Syria”, Thượng sỹ Jason Palsma, chỉ huy phụ trách ESC nói.

Nhóm đã tham gia hỗ trợ việc rút quân có chủ ý của lực lượng Mỹ khỏi một số căn cứ ở Syria trong khi các đơn vị khác tiếp tục chiến đấu với IS.

Tuy nhiên, đơn vị hậu cần này không hoạt động độc lập tác chiến tại chiến trường Syria. Họ kết hợp với các nhóm điều phối hậu cần và đặc nhiệm khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Những quan hệ đối tác này rất quan trọng để đảm bảo các chiến binh ở Syria nhận được sự hỗ trợ tối cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đánh bại IS

Mặc dù là một đội nhỏ, những người lính ở SLC chịu trách nhiệm quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa và vật dụng cần thiết cho lính Mỹ ở Syria

Phòng Hậu cần Syria tuy không đông nhưng sự hỗ trợ của họ sẽ tiếp tục tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến của binh sỹ Mỹ nhằm diệt trừ đến cùng đội quân khủng bố IS.

Trước đó, hôm 7-10, Tổng thống Mỹ D. Trump bất ngờ đưa ra quyết định rút toàn bộ cố vấn quân sự và đặc nhiệm đang hỗ trợ dân quân người Kurd ở Đông Bắc Syria.

Quyết định rút quân được Tổng thống Donald Trump đưa ra bất ngờ đến mức toàn bộ các tướng ở Lầu Năm Góc gần như không kịp trở tay. Hình ảnh ghi lại tại hiện trường cho thấy binh sỹ Mỹ rút đi vội vàng, thậm chí bữa ăn dang dở cũng phải bỏ lại.

Hành động này bị chỉ trích là mở đường cho chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” bắt đầu từ ngày 9-10 của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria, đồng minh thân cận nhất với Mỹ trên chiến trường chống IS.

Nhưng tuyên bố này vẫn được hiểu là bước đi nhằm thực hiện cam kết tranh cử của ông Trump, rằng sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh sa lầy trong những “cuộc chiến vô ích”.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ đã thực hiện chiến dịch rút quân dần trong gần 3 năm qua. Đã đến lúc phải rời khỏi những cuộc chiến “không hồi kết” và đưa những người lính Mỹ trở về nhà.

Nhiều ý kiến can ngăn được đưa ra, từ lý do bảo vệ đồng minh người Kurd cho tới mục tiêu diệt trừ tận gốc phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đều không lay chuyển được ông Trump.

Thực tế, từ tháng 12-2018, Tổng thống Trump đã lần đầu tiên tìm cách đưa 2.000 binh sĩ Mỹ ở Syria về nước, quyết định khiến Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là James Mattis từ chức để phản đối.

Thời điểm đó, ông Trump còn cho biết sẽ rút khỏi cuộc chiến trước khi IS bị đánh bại hoàn toàn. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã suy nghĩ lại và đồng ý giữ 1.000 binh sĩ ở Syria.

Sau khi rời khỏi miền Bắc Syria, binh sỹ Mỹ được tái bố trí ở Iraq thay vì được triển khai ở những nơi khác thuộc Syria. Họ đảm nhiệm nhiệm vụ ngăn chặn sự hồi sinh của IS

Nhưng sau lệnh rút 1.000 quân khỏi biên giới phía Bắc Syria, Mỹ lại quyết định duy trì khoảng 500 binh sĩ tại các mỏ dầu ở miền Đông nước này.

“Chúng tôi để quân đội lại chỉ vì các mỏ dầu”, ông Trump nói với báo giới hôm 13-11 trước cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Nhà Trắng.

Được biết, các tướng lĩnh cấp cao của Lầu Năm góc hiểu rằng, Tổng thống Trump xuất thân là một doanh nhân nên đã đề xuất với ông về việc duy trì lực lượng đặc nhiệm Mỹ để bảo vệ những mỏ dầu ở Syria khỏi nguy cơ rơi vào tay IS hoặc Nga và Iran.

Hải Yến (Theo Business Insider)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/hau-can-quan-doi-my-tai-syria-nho-nhung-co-vo/836080.antd