Hậu Covid-19: Một góc nhìn từ Mỹ

Sau Đại dịch Covid-19, liệu sẽ có một trật tự thế giới mới ra đời? Cơ hội nào cho nước Mỹ trong trật tự mới? Edward Fishman, cựu quan chức Ngoại giao Mỹ, phân tích trong bài viết trên tờ Politico.

Đại dịch Covid-19 như một sự gián đoạn toàn cầu sâu rộng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. (Nguồn: Getty)

Edward Fishman, cho rằng trật tự thế giới hiện nay đang suy tàn và cần phải xây dựng một trật tự thế giới mới cho kỷ nguyên hậu Covid-19.

Thời cơ cho nước Mỹ

Theo ông Edward, trật tự quốc tế hiếm khi thay đổi theo cách thông thường, chẳng hạn như Rome không phải xây dựng trong một ngày, hay thời kỳ “Thái bình La Mã” không chỉ là một giai đoạn, mà nó đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Trật tự quốc tế nổi lên từ Hội nghị Vienna vào năm 1815, cũng chưa thể hiện rõ ràng các nội hàm cho đến khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (năm 1914). Trong thời điểm hiếm hoi, sự sụp đổ của trật tự cũ và mất niềm tin đã đẩy nhân loại rơi vào một khoảng trống, lúc này trật tự mới được hình thành, các chuẩn mực, hiệp ước và thể chế mới ra đời để xác định cách các quốc gia tương tác với nhau và cách các cá nhân tương tác với thế giới.

Đại dịch Covid-19 như một sự gián đoạn toàn cầu sâu rộng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trật tự thế giới sau năm 1945 đến thời điểm kết thúc. Mỹ đã mong đợi thiện chí của các nước trong nỗ lực hợp tác dựa trên trật tự quốc tế lành mạnh để ứng phó với loại virus xuyên biên giới. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã không thể hiện được vai trò, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trở thành nơi diễn ra “trò chơi bóng đá mang màu sắc chính trị” và không chỉ biên giới giữa các quốc gia trên thế giới đã bị đóng cửa, mà ngay cả trong Liên minh Châu Âu (EU). Cách thức hợp tác được xây dựng và duy trì từ nhiều thập kỷ thì nay đang tan rã. Cho dù chúng ta có thích hay không, thì một trật tự mới sẽ xuất hiện khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Các nhà lãnh đạo Mỹ nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng trật tự thế giới hậu Covid-19 được thiết lập để giải quyết các thách thức của thời đại sắp tới. Giờ là lúc để các nhà lãnh đạo Mỹ chớp cơ hội mà thường chỉ xuất hiện một hoặc hai lần trong một thế kỷ, Mỹ có thể xây dựng một trật tự thực sự có hiệu quả cho thời đại; một là để ứng phó với biến đổi khí hậu và các nguy cơ sức khỏe cộng đồng; và hai là bảo đảm thành quả của toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ được chia sẻ rộng rãi hơn.

Để làm được điều này, Mỹ cần phải xem xét lại hai bài học xây dựng trật tự quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bài học đầu tiên ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc (năm 1919) với sự nổi lên của chủ nghĩa độc tài phát xít; và bài học thứ hai là trật tự quốc tế sau năm 1945, đưa đến hơn 7 thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, trong đó không còn tình trạng bạo lực đẫm máu và tăng trưởng kinh tế (GDP) thế giới tăng lên gần 80 lần.

Ba yếu tố có thể giúp Mỹ tránh khỏi những sai lầm hậu trật tự năm 1919 và hướng tới thành công của trật tự sau năm 1945, đó là:

Tránh trò chơi đổ lỗi

Một là, Mỹ nên lập kế hoạch cho trật tự mới ngay từ bây giờ, khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Covid-19 ảnh hưởng cuộc sống của chúng ta lâu hơn, nhưng không phải là mãi mãi và khi khủng hoảng qua đi, các vành đai của trật tự mới sẽ hình thành nhanh chóng.

Để đảm bảo một thế giới ổn định thì các Nhà lãnh đạo thế giới và Mỹ nên bắt đầu hợp tác ngay từ bây giờ để xây dựng các nguyên tắc. Sẽ không sáng suốt khi mong đợi Tổng thống Trump làm điều này, vì Tổng thống Trump là một trong những người khiến trật tự quốc tế ngày nay không hoạt động, để dẫn dắt kế hoạch cho một trật tự mới, chúng ta có thể phải chờ một Tổng thống có tư duy quốc tế hơn để thành lập các tổ chức của trật tự mới. Nhưng sự hiện diện của Tổng thống Trump, không có nghĩa là sự tiến bộ có giá trị sẽ không xuất hiện trong thời điểm này. Các nhà lãnh đạo thuộc cả hai đảng, đặc biệt là các nhà lãnh đạo trẻ nên khẩn trương bắt đầu hình thành ý tưởng, tranh luận và tập hợp các mục tiêu cho trật tự hậu Covid-19.

Hai là, các nhà lãnh đạo Mỹ có thể học hỏi từ quá khứ là tránh trò chơi đổ lỗi. Những người bảo vệ trật tự sau năm 1919 với sự dẫn dắt của Tổng thống Pháp Georges Clemenceau, đã bị buộc tội, buộc nước Đức phải chấp nhận tội lỗi chiến tranh, nhượng bộ lãnh thổ và bồi thường. Những điều khoản này đã gây ra sự phẫn nộ, thúc đẩy sự phát triển của Đức Quốc xã.

Ngược lại, các kiến trúc sư của trật tự sau năm 1945 lại tập trung vào tương lai, cam kết xây dựng lại nước Đức thành một nền dân chủ thịnh vượng, mặc dù thực tế rằng Đức rõ ràng có lỗi khi gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai hơn là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nước Đức ngày nay là minh chứng cho sự khôn ngoan của chính sách đó. Bất chấp những cám dỗ để tìm ra vật tế thần cho một đại dịch đã giết chết nhiều người Mỹ hơn cả cuộc chiến tranh Việt Nam, các nhà lãnh đạo Mỹ nên hào phóng trong việc hỗ trợ các nỗ lực phục hồi hậu Covid-19 trên toàn thế giới.

Mặc dù không còn nghi nghờ gì về việc Bắc Kinh giấu giếm các báo cáo ban đầu về Covid-19, Mỹ và thế giới sẽ tốt hơn nhiều bằng cách củng cố hệ thống y tế công cộng Trung Quốc hơn là tìm cách trừng phạt Bắc Kinh hoặc lời qua tiếng lại. Không nơi nào sự hào phóng quan trọng hơn trong cuộc đua chấm dứt đại dịch bằng liệu pháp mới và cuối cùng là vaccine. Mỹ nên dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu để phát triển, thử nghiệm, sản xuất và cung cấp các loại thuốc này càng nhanh và càng tốt. Hơn bất cứ điều gì khác, vai trò của Mỹ trong việc chấm dứt đại dịch sẽ quyết định mức độ quyền lực và đạo đức để định hình thế giới sau đó.

Nội bộ đồng lòng, hành động tập thể

Covid-19 đã khiến tất cả chúng ta nhận thức rõ ràng về tính dễ bị tổn thương đối với các thách thức về sức khỏe cộng đồng.

Covid-19 đã khiến tất cả chúng ta nhận thức rõ ràng về tính dễ bị tổn thương đối với các thách thức về sức khỏe cộng đồng.

Ba là, trật tự mới cần được căn cứ vào sự đồng lòng trong nội bộ. Ảnh hưởng của Mỹ trong trật tự hậu Covid-19 sẽ xoay quanh việc liệu sự tham gia của nó có được hỗ trợ bởi sự đồng thuận trong nước hay không.

Điều này dường như là không thể trong thời đại siêu đảng phái của nước Mỹ. Gần 70% người Mỹ, bao gồm đa số thuộc lưỡng đảng đều ủng hộ vai trò tích cực của Mỹ trong thế giới. 1/3 người Mỹ tin rằng chính phủ nên làm nhiều hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu và gần 80% coi các cuộc tấn công mạng là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Hiện nay, Covid-19 đã khiến nước Mỹ không thể tin vào sự bất khả chiến bại tập thể, Mỹ đang mong đợi các nhóm tập thể lớn hơn biết chấp nhận rủi ro toàn cầu một cách nghiêm túc để tiến về phía trước. Các nhà lãnh đạo Mỹ nên khai thác sự hỗ trợ đó và biến việc xây dựng trật tự mới thành một dự án của lưỡng đảng.

Về cấp độ của trật tự quốc tế mới, ở cấp độ toàn cầu, trật tự mới sẽ tập trung vào các vấn đề cần hành động tập thể, bao gồm cả biến đổi khí hậu, an ninh mạng và các đại dịch, những vấn đề sẽ gây bất ổn cho thế giới trong giai đoạn sắp tới giống như vấn đề vũ khí hạt nhân.

Covid-19 đã khiến tất cả chúng ta nhận thức rõ ràng về tính dễ bị tổn thương đối với các thách thức về sức khỏe cộng đồng; chúng ta nên chuyển sự tổn thương đó thành các chuẩn mực và thể chế, đảm bảo sự mạnh mẽ như đã từng kiểm soát được phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đồng thời, cần xây dựng một trật tự trên nền tảng các nền dân chủ có cùng chí hướng. Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu và Châu Á nên cùng nhau tham gia một hội đồng dân chủ, mở rộng phòng thủ tập thể và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, để có phạm vi rộng lớn hơn và có thể chống lại các mối đe dọa tinh vi.

Về mặt kinh tế, trật tự mới được kế thừa hệ thống quốc tế ưu tiên phúc lợi của con người hơn là tăng trưởng kinh tế. Do đó, Mỹ, EU, Nhật Bản và các nền kinh tế khác nên ký kết các thỏa thuận kinh tế mới, trong đó tăng cường tiếp cận thị trường đi đôi với việc tránh áp đặt về thuế, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu và thực thi các tiêu chuẩn lao động.

(Theo Politico)

Hà Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-covid-19-mot-goc-nhin-tu-my-115748.html