Hậu Covid-19: Nước Anh với ba thách thức

Thiệt hại về người, suy thoái kinh tế và tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) đầy mông lung là ba chướng ngại lớn chờ đợi London sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Brexit là một trong những mối lo hàng đầu của nước Anh thời hậu Covid-19. (Nguồn: AFP)

Thiệt hại về người

Đến ngày 13/5, khoảng 226.500 người đã mắc Covid-19 ở Vương quốc Anh, khiến gần 33.000 người tử vong. Số ca nhiễm mới giảm rõ rệt và đạt mức thấp nhất kể từ đầu tháng Tư. Tuy nhiên, khả năng dịch bùng phát trở lại còn đó và vẫn còn sớm để nói rằng Anh đã kiểm soát tình hình.

Từng đứng vững trước những đợt tấn công dồn dập của phát xít Đức trong Thế chiến II, song London đã ít nhiều thất thủ trước làn sóng lây lan mạnh mẽ của virus SARS-CoV-2. Điều gì đã dẫn đến kết quả tai hại này? Theo một số chuyên gia, nước Anh đã không hành động kịp thời sau khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc và dành quá nhiều thời gian để tranh cãi về hiệu quả của miễn dịch cộng đồng.

Các biện pháp hạn chế di chuyển chỉ được đưa ra vào ngày 23/3, hai tháng sau khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại York; xét nghiệm hàng loạt hay bổ sung thiết bị y tế không được triển khai kịp thời và đồng bộ.

Thiếu vắng sự chuẩn bị, Hệ thống Chăm sóc sức khỏe Quốc gia (NHS) đã rơi vào thế bị động khi phải đối phó đại dịch có quy mô lớn và tốc độ lây lan nhanh. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh, khiến nước Anh phải hứng chịu hậu quả nặng nề về người.

Đáng ngại hơn, hệ quả này sẽ tác động tiêu cực tới nước Anh thời gian tới. Đại dịch sẽ ảnh hưởng lớn tới niềm tin của người dân vào Chính phủ và làm lu mờ kết quả trước đó trong tiến trình thông qua Brexit đầy dai dẳng tại Hạ viện.

Đáng ngại hơn, Covid-19 có thể đẩy nhanh tiến trình già hóa dân số và thu hẹp lực lượng lao động trẻ tại Anh. 12/66 triệu người Anh nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên, đối tượng dễ chịu tác động nhất của Covid-19. Người trẻ mắc bệnh cũng có nguy cơ chịu di chứng nặng nề, gây suy giảm sức khỏe và hạn chế khả năng vận động.

Nguy cơ suy thoái

Nền kinh tế Anh cũng sẽ chịu tác động nặng nề từ đại dịch khi suy thoái kỷ lục 5,8% trong tháng Ba. Các ngành công nghiệp sản xuất lớn suy thoái 4,2%, con số chưa từng thấy kể từ cuộc biểu tình của công nhân mỏ những năm 70 và “Mùa Đông bất mãn” tháng 1/1979.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), sự sụt giảm này “đánh dấu những tác động trực diện đầu tiên của Covid-19 tới nền kinh tế”.

May mắn thay, một số ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, phần nhiều đến từ bối cảnh đại dịch như công nghệ thông tin do nhu cầu làm việc trực tuyến, dược phẩm hay sản xuất các sản phẩm vệ sinh cá nhân như xà phòng, chất tẩy rửa nhằm phòng, chữa bệnh. Những ngành công nghiệp mũi nhọn của Anh như tài chính và bảo hiểm giữ mức tăng trưởng khiếm tốn 0,1% trong quý, nhưng ngành dịch vụ như khách sạn và nhà hàng sụt giảm tới 10%.

Những người lạc quan khẳng định các gói cho vay lớn, trợ cấp và hỗ trợ những người nghỉ dài hạn sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, phần đông nhà kinh tế cho rằng các con số nêu trên cho thấy Anh đang đứng trong một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc.

Ngoài ra, người dân đang tỏ ra hoang mang khi các biện pháp nhằm hỗ trợ người thất nghiệp vì đại dịch chưa rõ ràng. Triển vọng nền kinh tế Anh tháng Tư và quý II là không mấy sáng sủa.

Mông lung chuyện Brexit

Đại dịch Covid-19 khiến khả năng tiến hành Brexit đúng thời hạn một lần nữa mông lung hơn bao giờ hết. Cuộc thảo luận ngày 20/4 giữa các nhà đàm phán của Anh và EU không đạt kết quả tích cực: London từ chối kéo dài giai đoạn chuyển tiếp Brexit, lo rằng Brussels sẽ buộc họ phải chia sẻ chi phí khổng lồ nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19.

Thêm vào đó, quyết định của ông Johnson là có thể hiểu được, khi cam kết tiến hành Brexit đúng thời hạn đã giúp ông giành lá phiếu cử tri, sự ủng hộ nội bộ đảng Bảo thủ và đưa ông lên đỉnh cao quyền lực.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận chính trị cho rằng khi đại dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn và tác động tiêu cực đang ngày một hiện hữu, chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson cần phải thay đổi, kéo dài giai đoạn chuyển tiếp sang 2021 hoặc xa hơn.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở: Trong bối cảnh Covid-19 đã khiến Olympic Tokyo 2020 và Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu COP 26 trì hoãn, Anh hoàn toàn có thể xem xét thảo luận với EU về bổ sung điều khoản trong thỏa thuận Brexit, đẩy hạn chót tiến hành Brexit thêm một, hai năm nữa.

Dù thời hạn chót cho giai đoạn chuyển tiếp là ngày 31/12, việc gia hạn cần được thương thảo và nhất trí trong những tuần tới, muộn nhất là tháng Sáu, dù diễn biến trước đó cho thấy triển vọng này là không khả quan.

Chính phủ đã nới lỏng giãn cách xã hội. London có thể sớm đông đúc trở lại. Song, mọi thứ hậu Covid-19 sẽ rất khác, khi nước Anh đối mặt với ba câu hỏi lớn, với không nhiều đáp án.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-covid-19-nuoc-anh-voi-ba-thach-thuc-115534.html