Hậu Covid-19: Tư pháp chú trọng phản ứng chính sách hiệu quả, kịp thời

'6 tháng cuối năm 2020, nhiều vấn đề pháp lý sẽ phát sinh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hậu Covid-19. Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung đẩy mạnh công tác phản ứng chính sách, pháp luật hiệu quả, kịp thời, tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho DN' - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Tích cực, chủ động trong công tác tham mưu

Ngày 17-7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2020 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Trình bày báo cáo công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, toàn ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tích cực, chủ động tham gia với Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc rà soát, chuẩn bị cơ sở pháp lý, xây dựng các văn bản để chỉ đạo ứng phó, hỗ trợ các ngành sớm ổn định, phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 1-1-2020 của Bộ Tư pháp.

Công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả của Chính phủ”, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương.

Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Bộ xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đó, chất lượng công tác thẩm định VBQPPL, chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn. Các báo cáo thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL coi là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 164 đề nghị xây dựng VBQPPL. Toàn ngành đã thẩm định 2.813 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 128 dự thảo; Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 353 dự thảo; các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định 2.332 dự thảo.

Công tác rà soát VBQPPL đạt nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tư pháp đã thiết lập kênh tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; qua đó, đã tiếp nhận khoảng 4.000 nội dung kiến nghị, phản ánh của 105 cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhằm kịp thời sửa đổi thể chế pháp luật ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Bộ Tư pháp đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ, gửi các Bộ, ngành địa phương tham khảo Báo cáo về kết quả rà soát quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế.

Cùng với công tác xây dựng pháp luật, các nhiệm vụ công tác Tư pháp khác cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, DN trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu LLTP, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả nêu trên tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác Tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2020 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: T.Hải

Tăng cường hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp

Sáu tháng cuối năm, tình hình thế giới và Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Bộ Tư pháp xác định tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng 9 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được xác định tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 1-1-2020 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác Tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020, nhất là đối với các nhiệm vụ chưa hoàn thành, đang tiếp tục thực hiện. Triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ mới được giao thêm, các nhiệm vụ được bổ sung vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp.

Đáng chú ý, với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hậu Covid-19, nhiều vấn đề pháp lý sẽ phát sinh trong thời gian tới. Theo Bộ Tư pháp, đây là trọng tâm cần giải quyết không chỉ đối với Chính phủ, từng Bộ, ngành địa phương mà cả đối với người dân, DN. Do đó, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tập trung đẩy mạnh công tác phản ứng chính sách, pháp luật hiệu quả, kịp thời. Tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho DN theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.

Các tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các địa phương sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để tổ chức tốt các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Theo Bộ Tư pháp, khi xử lý các kiến nghị pháp lý liên quan của DN, tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành; Sở Tư pháp các địa phương cần xử lý nhanh chóng, hướng dẫn DN thực hiện theo quy định pháp luật.

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đánh giá cao những kết quả Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. “Bộ Tư pháp, các cơ quan Tư pháp địa phương ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong công tác xây dựng pháp luật cũng như trong công tác tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương trong công tác xây dựng pháp luật và các công tác như thi hành án, trợ giúp pháp lý tuyên truyền, phổ biến pháp luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nói.

Chia sẻ với những khó khăn, tồn tại của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là các kiến nghị thực tiễn, cụ thể của các địa phương tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trường Giang cho biết, Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tham mưu cho Quốc hội sửa đổi các nội dung liên quan đến tầm quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Trường Giang cũng cho biết, ngày 20-6-2020, Ban bí thư đã có Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Bộ, ngành Tư pháp cần quan tâm triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Trong đó quan tâm triển khai 2 nội dung quan trọng là đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật và kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét 6 Dự án Luật, trong đó có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian tới Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp lấy ý kiến các Bộ, ngành, các cơ quan Tư pháp địa phương, Sở, ban, ngành địa phương. Do đó, các địa phương cần quan tâm cho ý kiến đối với nội dung này.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hau-covid-19-tu-phap-chu-trong-phan-ung-chinh-sach-hieu-qua-kip-thoi-201834.html