'Hậu cung Như Ý truyện': Hành động cắt rồi đốt bức tranh năm xưa khi vẽ cùng với Càn Long của Kế Hậu có ý nghĩa gì?

Trong tập 86 của 'Hậu cung Như Ý truyện' (后宫如懿传), trải qua bao khó khăn, cuối cùng mối hiểu lầm của Đế-Hậu cũng đã được hóa giải, nhưng hành động của Kế Hậu khi cắt và đốt bức tranh năm xưa của mình và Càn Long có ý nghĩa gì?

Hậu cung Như Ý truyện (后宫如懿传) được chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả kiêm biên kịch Lưu Liễm Tử. Sản phẩm được xem là phần sau của bộ phim cung đấu nổi tiếng Hậu cung Chân Hoàn truyện với sự tham gia của các diễn viên Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Đổng Khiết, Trương Quân Ninh… Hiện tại, bộ phim chỉ còn một tập nữa là đi đến hồi kết thúc. Trước mắt, trùm cuối đại diện cho phe phản diện trong phim là Vệ Yến Uyển cũng đã “rớt đài”, sự hiểu lầm giữa Hoàng thượng và Kế Hậu đã được hóa giải. Công công đáng yêu Lý Ngọc đã được điều từ Viên Minh viên trở về bên cạnh Hoàng thượng.

Trong chuyến đi Nam tuần cách đây không lâu, vì một cô ca kỹ mang tên Thủy Linh Lung mà Hoàng thượng và Kế Hậu đã có một trận cãi vã long trời lở đất. Uất ức bấy lâu nay Kế Hậu Như Ý phải chịu đã được bộc lộ thông qua hành động cắt tóc đoạn tình cùng Càn Long. Hoàng hậu sau đó đã bị Hoàng thượng hạ lệnh đưa về Tử Cẩm Thành ngay trong đêm, đồng thời thu hồi lại sách bảo.

Trải qua mười năm độc bá trong cung, Vệ Yến Uyển bị Hải Lan vạch trần chân tướng, Càn Long ra lệnh cho Lý Ngọc đem sách bảo Hoàng hậu đến trả lại cho Như Ý. Nhưng bất ngờ thay, Như Ý không hề nhận nó, đồng thời một câu cô cũng không nói.

Trước đây, khi Như Ý mới đăng lên ngôi vị Hoàng hậu, họa sư cung đình nổi tiếng Lăng Thế Ninh đã đã vẽ cho cô và Càn Long một bức tranh Đế-Hậu chung đôi. Phong ba hậu cung xảy đến trong mấy mươi năm, cuối cùng Như Ý đã chọn cách cắt đi phần hình ảnh của mình và đốt đi. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao về sau phi tần của Càn Long ai cũng có tranh lưu truyền hậu thế, trừ Kế Hậu Ô Lạt Na Lạp thị. Xem xét sự kiện này như một tình tiết trong phim, các khán giả sẽ suy đoán động cơ của Như Ý là gì?

Hướng đầu tiên được khán giả đưa ra đó là do tình cảm quá nặng lòng mà Như Ý dành cho Hoằng Lịch. Nhiều người cho rằng Như Ý dù dưới thân phận nào, Trắc Phúc tấn của Tứ A ca Hoằng Lịch, Nhàn Phi của Càn Long hay Kế Hậu của Hoàng thượng, thì tình cảm cô dành cho phu quân của mình cũng không bao giờ thay đổi. Với một nơi thâm sâu hiểm ác như chốn hậu cung, Như Ý chưa từng một lần muốn tranh quyền đoạt thế hay để mắt đến ngôi vị Hoàng hậu. Điều mà Như Ý quan tâm chính luôn là an nguy, hạnh phúc của Hoằng Lịch, người mà cô một lòng một dạ thương yêu.

Mặc dù cô từng nói: “Thiếp làm Hoàng hậu cũng đã mệt mỏi, chán ghét lắm rồi!”, nhưng cô vẫn nhất mực yêu thương Càn Long. Nhóm khán giả theo hướng này tin rằng Như Ý đã thật sự tha thứ cho Càn Long, nhưng vì biết bản thân không còn sống được bao lâu nên cô mới chủ động đốt phần tranh của mình để tránh cho Càn Long sau này nhìn tranh nhớ người. Hành động của cô chỉ muốn giúp cho người mình yêu thương tránh được thương tổn mà thôi!

Hướng thứ hai nhận định hành động Như Ý đốt đi phần tranh của mình như để ẩn dụ cho tình cảm giữa cả hai đã sớm thành tro tàn. Chuyện đau lòng nhất trong đời cô không phải là nhìn thấy những phi tần trong hậu cung dần biến chất, trở nên độc ác hơn mà là phải chứng kiến người mình nhất kiến chung tình đổi thay đến chóng mặt. Thời điểm Như Ý cắt tóc đoạn tình, mối lương duyên hoàn mĩ giữa Thanh Anh và Hoằng Lịch cũng đứt đi theo. Thứ tồn tại duy nhất trên đời này chỉ còn là danh vị Hoàng thượng và Hoàng hậu mà thôi.

Cho dù thủ đoạn của Lệnh Phi Yến Uyển có cao minh đến thế nào đi chăng nữa nếu như Càn Long thật lòng tin tưởng Như Ý thì đã không có dẫn đến kết cục như thế này. Như Ý lúc này đã tâm lụi ý tàn khi Càn Long thực sự phụ đi tấm chân tình mà mình đã trao ra, đồng thời ra tay tát cô một cái. Vì vậy, cô không muốn gắn bó với người đàn ông này thêm lần nào nữa dù là trong tranh hay trong đời.

Hướng suy luận cuối cùng là sự kết hợp của hai hướng suy luận bên trên. Họ cho rằng khi Như Ý cắt bức tranh này ra làm đôi, trong lòng cô đã không oán không hận Càn Long nữa, nhưng cô cũng không có ý định sẽ tha thứ cho những hành động mà Hoàng thượng từng gây ra cho mình. Trong bức tranh là hình bóng của Hoằng Lịch và Thanh Anh năm xưa, nhưng tình cảm năm ấy giờ đây chẳng còn lại gì, nên việc Như Ý cắt bức tranh chẳng qua cũng chỉ là vẽ cho đoạn tình cảm năm xưa một cái kết. “Hoa khai hoa lạc tự hữu thời” (Hoa nở hoa tàn đều có lúc).

Với khán giả Trung là vậy, thế còn bạn thì sao? Hoan nghênh các bạn đến thảo luận cùng SAOstar!

Bảo Duyên

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/hau-cung-nhu-y-truyen-hanh-dong-cat-roi-dot-buc-tranh-nam-xua-khi-ve-cung-voi-can-long-cua-ke-hau-co-y-nghia-gi-3866234.html