'Hậu cung rối ren, các hoạn quan cực kỳ nguy hại'

Lịch sử không chỉ có chính trường, mà còn là ẩn ức, tham vọng, động cơ cá nhân. Giữa rối ren, mưu đồ hậu cung, Phạm Thị Hằng đứng vững bởi nhân đức.

Lịch sử thường mặc định là của đàn ông, những anh hùng, người cầm gươm giáo, đứng trước chính trường. Trong khi đó, những người nữ thường bị vũ đài lịch sử bỏ qua. Từng có những cuốn sách khắc họa vai trò của phụ nữ như Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn đoạt giải Nobel văn học 2015 Svetlana Alexievich. Cuốn sách phi hư cấu là tự sự của những nhân chứng nữ tham gia cuộc chiến, là tiếng nói của những số phận nữ góp phần làm nên lịch sử.

Nhà văn Trần Thùy Mai chọn cách viết tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu, lấy cuộc đời một người phụ nữ để mở ra cánh cửa nhìn vào hậu cung triều Nguyễn. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, giảng viên… đã cùng bàn về vấn đề này trong buổi tọa đàm “Lịch sử và nữ quyền trong văn chương” diễn ra ngày 18/9 tại đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lịch sử mang gương mặt phụ nữ

Từ Dụ thái hậu là tiểu thuyết 69 chương, chia làm hai tập viết về nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Tác phẩm ra mắt hồi tháng 4, nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả và giới phê bình, nghiên cứu. Chọn bối cảnh là hậu cung nhà Nguyễn để kể về cuộc đời của bà Phạm Thị Hằng (tôn hiệu là Từ Dụ thái hậu). Bà là chính thất của hoàng đế Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức.

Từ trái qua: Nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Trần Thùy Mai, TS Phạm Xuân Thạch tại tọa đàm hôm 18/9.

Từ trái qua: Nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Trần Thùy Mai, TS Phạm Xuân Thạch tại tọa đàm hôm 18/9.

Trải dài qua 3 triều vua Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, tiểu thuyết khắc họa nhân vật Phạm Thị Hằng từ lúc còn là thiếu nữ 13 tuổi theo cha từ phương Nam về kinh, chịu bao thăng trầm rồi trở thành người đứng đầu hậu cung. Mối tình của Phạm Thị Hằng với hoàng trưởng tử Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) dẫu gặp trắc trở, éo le vẫn không kém phần trong trẻo, lãng mạn, chung thủy. Bên cạnh đó là tình cảm thầm lặng, trung thành của Trương Đăng Quế (công thần nhà Nguyễn) với Phạm Thị Hằng.

Ngoài câu chuyện tình yêu, tác phẩm còn cho thấy những mối quan hệ phức tạp trong hậu cung, những mối quan hệ huynh đệ trong hoàng thất, quân thần, mưu mô thủ đoạn… Các nghi án của thời Nguyễn được tác giả kể lại cuốn hút, thuyết phục như nghi án hoàng tử Cảnh thông dâm với mẹ ruột, loạn Hồng Nhậm do vua Thiệu Trị phế trưởng lập thứ, nghi vấn Tự Đức có phải con của đại thần Trương Đăng Quế…

Tác giả cũng khéo léo dựng lên các nhân vật với cá tính, phong cách rõ nét. Đó là một vua Gia Long thâm trầm mà khôn khéo, vua Minh Mạng thông minh, quyết đoán, Thiệu Trị giàu tình cảm, thân phận công chúa Ngọc Bình vốn con vua mà lại hai lần vợ vua, Trần Thị Đang mưu mô, Phạm Thị Hằng thông minh dịu dàng, nhân đức...

Tạo hình Từ Dụ thái hậu trong phim Phượng Khấu.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, người nổi tiếng với những bộ tiểu thuyết lịch sử, nhận xét thông qua ngòi bút sắc sảo Trần Thùy Mai, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua hiện lên một cách sinh động chỉ thông qua các câu chuyện trong hậu cung.

Ông nói: “Nói về hậu cung, bà Từ Dụ đứng được qua nhiều đời vua như thế là cực kỳ giỏi. Đứng ở hậu cung mà điều khiển được vương triều. Tôi đã viết về nhiều triều đại và thấy hậu cung phức tạp, vai trò hoạn quan cực kỳ nguy hiểm, ăn đút lót, xúi giục, mưu ma kế quỷ là ở hoạn quan. Các bà phi, tần thì thù ghét nhau, mua thù chuốc oán, oan nghiệt”. Lịch sử từng không ít lần chứng kiến những triều đại sụp đổ, những xã hội rối ren vì động cơ của đàn bà, những mưu mô của hoạn quan.

Tác giả Tám triều vua Lý phân tích Từ Dụ đứng giữa rối ren hậu cung nhưng luôn lấy lòng nhân đức để đối đầu với hung hiểm, lấy thiện thắng ác. Bên cạnh sống đức hạnh, bà còn giảng dạy, uốn nắn cho hoàng thất, hoàng tôn. Bằng phẩm chất của mình, Từ Dụ còn thuyết phục những đối thủ của mình. Đối thủ của bà không phải trang nam tử rút gươm giáo trước mặt, mà là những người phụ nữ hiểm sâu đâm phía sau lưng.

Cuốn “tiểu thuyết quốc dân”

TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - nói Từ Dụ thái hậu là tiểu thuyết quốc dân. Tiểu thuyết của Trần Thùy Mai không chỉ chiếm được cảm tình của nhiều đối tượng bạn đọc, từ người trong hay ngoài ngành văn chương. “Già trẻ, phụ nữ, đàn ông sẽ thích cuốn sách này, mỗi người đọc đều tìm được một khía cạnh tâm đắc”, TS Thạch nói.

“Cách chọn điểm nhìn, nhìn triều đại từ hậu cung, là lựa chọn ‘hay’ của Trần Thùy Mai khi viết tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử không chỉ có chính trường, mà còn là ẩn ức, tham vọng, động cơ cá nhân. Chỉ hết ra được những động cơ ấy đã là hay rồi, không nhất thiết phải nói về những giá trị kỳ vĩ, những dữ kiện lớn”, TS Phạm Xuân Thạch nói.

Bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu.

Theo trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Từ Dụ thái hậu là tác phẩm đa chiều, cung cấp cho chúng ta cái nhìn đa dạng về lịch sử. Tác phẩm khôi phục giá trị, vai trò của người phụ nữ trong cung đình nói riêng, đời sống nói chung.

Không chỉ mang giá trị văn chương, Từ Dụ thái hậu còn đáp ứng bạn đọc ở nhiều khía cạnh. Tiến sĩ Hán Nôm Đinh Thanh Hiếu cho rằng tác phẩm là tiểu thuyết hấp dẫn vễ lịch sử, liên quan đến triều Nguyễn từ những vấn đề lớn về chính sách, ngoại giao, nội đình…

“Nếu muốn biết về Từ Dụ thì ta có thể đọc chương về Nghi thiên chương hoàng hậu trong sách sử. Nhưng bộ tiểu thuyết của Trần Thùy Mai đã đưa tới chân dung một bà thái hậu đời thường. Cái tài của nhà văn là xây dựng nên tình tiết, nội dung câu chuyện để làm toát lên một nhân vật, một bức tranh lịch sử, văn hóa”, TS Đinh Thanh Hiếu nói. Ở đó không chỉ có những con người lưu danh sử sách mà còn là bối cảnh cung đình, sinh hoạt văn hóa, tập tục…

Dùng từ thuần Việt, hướng tới độc giả trẻ

Một trong những điểm được giới nghiên cứu đánh giá cao ở Từ Dụ thái hậu chính là tác phẩm xây dựng được những nhân vật trên bối cảnh lịch sử chân thực. Để làm được điều đó, nhà văn Trần Thùy Mai có sự dày công tìm tòi, nghiên cứu tư liệu.

Nhà văn chia sẻ bà viết về những con người có thật trên góc độ tình yêu, tình người, thân phận, bi kịch. Điều đó không phải cứ bịa ra, mà cần dựa vào những ghi chép lịch sử về những con người có thật đó để dựng lại chân dung nhân vật. “Viết sách giống như xây nhà, nền móng chính là tư liệu”, Trần Thùy Mai nói. Với tác giả, những trang ghi chép về lịch sử triều Nguyễn hấp dẫn nhất là của giáo sĩ phương Tây. Sử quan phương thường không nói nhiều về những nhỏ nhặt đời thường, trong khi đó các nhà truyền giáo ghi lại cả đời sống, hậu cung thời Nguyễn.

Nhà văn Trần Thùy Mai.

Bên cạnh tham khảo ghi chép, nhà văn cũng dựa vào những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Là người sinh sống, gắn bó với xứ Huế, Trần Thùy Mai nhiều lần được nghe người dân đất kinh đô kể câu chuyện về lòng nhân đức của bà Từ Dụ. Những câu chuyện truyền miệng ấy bồi đắp thêm cho tác phẩm những chi tiết đắt giá. Ngoài ra, nhà văn cũng dựa vào những tư liệu trên báo chí, gia phả các dòng tộc...

Để tái hiện lại không khí thời đại, văn hóa, đời sống thời ấy, Trần Thùy Mai cẩn trọng trong từng chi tiết, từ ngữ. Khi đọc sách, độc giả sẽ thấy các bà phi, tần trong cung xưng hô, ăn nói không giống nhau. Sở dĩ có điều đó bởi mỗi người sinh trưởng ở các vùng đất khác nhau. Ví dụ bà Trần Thị Đang là người Hương Trà vào Nam lấy vua rồi lại về kinh, nên bà nói giọng Huế pha. Phạm Thị Hằng người phương Nam nên lời ăn tiếng nói có phần giản dị của vùng đất Gò Công, nhưng tính cách vẫn vô cùng tinh tế. Trong khi đó Ngọc Bình là người gốc Bắc nên giữ giọng quê hương…

Khi viết Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai muốn hướng tới bạn đọc trẻ, vì thế bà chọn ngôn ngữ dễ hiểu chứ không phục cổ. “Tôi hết sức tránh phương ngữ Huế và từ Hán Việt. Tôi vẫn đưa vào một liều lượng vừa đủ phương ngữ Huế để thấy tính cung đình. Một số từ Hán Việt nếu dùng thì bạn đọc cũng hiểu, nhưng tôi vẫn cố thay bằng từ thuần Việt. Ví dụ Trương Đăng Quế vào gặp vua nói ‘tham kiến hoàng thượng’ thì ai cũng hiểu do phim Tàu phát ra rả, nhưng tôi vẫn chọn ‘xin ra mắt hoàng thượng’”.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hau-cung-roi-ren-cac-hoan-quan-cuc-ky-nguy-hai-post991758.html