Hậu dịch tả lợn châu Phi: Liệu có khan hiếm thịt lợn?

Sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), để tránh rơi vào cuộc khủng hoảng thịt lợn như thị trường Trung Quốc, ngành chăn nuôi Việt Nam đã và đang ráo riết triển khai các giải pháp nhằm ổn định chăn nuôi, cân đối cung cầu thị trường.

 Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Hôm. Ảnh: Trần Dũng

Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Hôm. Ảnh: Trần Dũng

Bài học từ Trung Quốc
Do ảnh hưởng của DTLCP kéo dài khiến ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc thiệt hại nặng nề, với mức thiệt hại hơn 100 triệu con lợn (gần 1/3 tổng đàn) trong vòng một năm trở lại đây. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, đẩy giá thịt lợn lên cao ngất ngưởng. Theo số liệu của Cục Thống kê nước này, cuối tháng 8/2019, bình quân giá thịt lợn là 35,63 Nhân dân tệ/kg (khoảng 5 USD/kg), tăng tới 92,3% so cùng kỳ năm 2018, tăng 9,3% so tháng trước đó. Bên cạnh giá thịt lợn tăng cao, nước này còn đang đối mặt với nguy cơ thiếu thịt lợn trầm trọng. Ít nhất 4 tỉnh đã phải mở kho đông lạnh địa phương để giải phóng thịt lợn, còn một số địa phương khác, người dân được phát tem phiếu để mua thịt với số lượng không quá 1kg/người. Tình trạng khan hiếm thịt lợn trở nên khó khăn hơn khi các trang trại không nhanh chóng tái đàn để thay thế số lợn chết dịch. Để cải thiện tình hình, ngành chức năng nước này đã phải tìm mọi biện pháp khuyến khích nông dân và các trang trại đẩy nhanh việc tái đàn lợn. Cùng với đó, tăng trợ cấp, hỗ trợ vốn vay và bảo hiểm cho các cơ sở chăn nuôi lợn trên toàn quốc.

Sản lượng thịt gia súc, gia cầm cả nước trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng dương, với tổng sản lượng thịt các loại từ 4,78 triệu tấn thịt hơi năm 2015 tăng lên 5,34 triệu tấn năm 2018, tăng bình quân 3,7%/năm. Về tiêu thụ thịt các loại năm 2018 bình quân cả nước đạt 56,5kg thịt hơi/người/năm (khoảng 41,3kg thịt xẻ/người/năm), tương đương 70% so với Trung Quốc, 75 - 76% so với Nhật Bản và EU.

Nhìn lại ngành chăn nuôi trong nước, sau 8 tháng xuất hiện, DTLCP đã lan rộng ra 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn phải đóng cửa, do đó số lượng đàn lợn giảm. Tính đến nay, tổng đàn lợn của cả nước còn lại là 22,2 triệu con, giảm 18,5%, trong đó đàn nái là 3,2 triệu con giảm khoảng 20% và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 2,1 triệu tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2018.Trong khi Trung Quốc đang thiếu trầm trọng thịt lợn thì thị trường Việt Nam vẫn ổn định, giá lợn hơi cũng không có nhiều biến động. Hiện giá lợn hơi tại khu vực miền Nam đang duy trì mức giá 36.000 – 39.000 đồng/kg; khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ có mức giá 38.000 – 40.000 đồng/kg. Tại thị trường phía Bắc, giá lợn hơi có phần giảm so với tuần trước, hiện đang dao động quanh mức 46.000 – 48.000 đồng/kg.Về thị trường nhập khẩu, theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy, trong 7 tháng đầu năm 2019 cả nước nhập khẩu hơn 11.600 tấn thịt lợn, với kim ngạch trên 22 triệu USD, cao gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nếu cân đối với sản lượng tiêu dùng trong nước thì con số này không đáng kể và không tác động nhiều đến thị trường trong nước.Chủ động bù đắp thiếu hụtQuyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết: Để ổn định ngành chăn nuôi, cân đối cung cầu, ngay từ khi có dịch, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Kết quả, sau 8 tháng, đàn gia súc đã có tốc độ tăng trưởng khoảng 3% về sản lượng; chăn nuôi gia cầm có tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 11 – 13%. Với 409 triệu con gia cầm, 11,6 tỷ quả trứng sẽ phần nào bù đắp được tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Ngoài ra, 8 tháng vừa qua sản lượng thủy sản đã tăng trưởng 5,7% và dự kiến trong cả năm 2019 này, sản lượng thủy sản sẽ tăng 8%, đảm bảo cả chỉ tiêu xuất khẩu và tăng trưởng.Tuy nhiên, theo ông Dương, thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020. Do đó, để tránh đi vào “vết xe đổ” của nước bạn, các địa phương nếu đảm bảo an toàn dịch nên khuyến khích người dân tái đàn lợn, tuy nhiên tái đàn lợn phải có kiểm soát. Trước hết, ưu tiên tái đàn ở trên 80% đàn lợn an toàn. Đối với vùng có dịch, nếu sau 30 ngày không phát sinh, đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì nên cho người dân tái đàn có kiểm soát, với tỷ lệ khoảng 10% trước để thăm dò tình hình.Song song với đó, đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Trên thực tế, trong bối cảnh DTLCP diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước, đối với những cơ sở chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học cơ bản vẫn giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTLCP. Điều này khẳng định, nếu làm tốt an toàn sinh học thì vẫn có thể bảo vệ và phát triển đàn lợn, đảm bảo sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường cuối năm và đặc biệt cho Tết Nguyên đán 2020. Đây cũng là hướng chăn nuôi mang tính bền vững trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hau-dich-ta-lon-chau-phi-lieu-co-khan-hiem-thit-lon-353138.html