Hậu Giang chủ động phòng chống xâm nhập mặn

Những ngày qua, nước có nồng độ mặn cao đang tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ngành chức năng và người dân đã và đang tích cực ứng phó bằng nhiều biện pháp, nhằm bảo vệ an toàn diện tích lúa, vườn cây ăn trái và hoa màu.

Đắp đập ngăn mặn ở huyện Long Mỹ.

Đắp đập ngăn mặn ở huyện Long Mỹ.

Huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh là hai địa phương của tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn theo triều cường Biển Tây. Những ngày qua, tại một số điểm chính trên địa bàn thành phố Vị Thanh, như: ngã ba Nước Trong đã đạt 10‰, kênh Lầu 7,4‰, Khu căn cứ Tỉnh ủy (gần cống kênh Năm) 5,3‰. Còn trên địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn tại các điểm chính đều vượt mức 2‰, trong đó có một số điểm đang ở mức rất cao, như: kênh Mười Thước (xã Vĩnh Viễn A) là 10,2‰, cống Ba Cô (xã Lương Nghĩa) 7,6‰, cống Hóc Pó (Lương Nghĩa) 7,4‰, kênh Đầm (xã Lương Nghĩa) 7,2‰, kênh Thanh Thủy (Vĩnh Viễn A) 4,6‰. So với thời điểm đầu tháng 2, độ mặn đã tăng từ 2-7‰.

Năm nay xâm nhập mặn về Hậu Giang sớm hơn khoảng một tháng so với cùng kỳ. Đặc biệt, tình hình diễn biến rất phức tạp, trong đó độ mặn lên, xuống liên tục nên đòi hỏi cán bộ phụ trách phải đi cập nhật thường xuyên. Để bảo vệ gần 30 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều cường Biển Tây, các địa phương ngoài việc theo dõi độ mặn thường xuyên và thực hiện giải pháp vận hành các công trình cống, đắp đập thời vụ kịp thời để ngăn mặn thì người dân cũng đã chủ động nạo vét kênh, mương, tạo độ sâu để tích trữ được nhiều nước ngọt, kết hợp tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách tiết kiệm.

Ở thành phố Vị Thanh, đến lúc này đã tiến hành đóng 20 cống ngầm và sáu cống hở dọc theo tuyến sông Nước Đục và sông Cái Lớn, nơi có nồng độ mặn tăng nhanh trong những ngày qua. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức rà soát và sửa chữa nhiều đập thời vụ để sẵn sàng đắp lại khi có mặn vượt mức 1,5‰.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết, đã đóng 10/21 cống bằng sắt ở các đầu kênh khi có độ mặn vượt mức 1,5‰, đồng thời đắp 47 đập thời vụ và vận hành đóng tất cả các cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh. Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, nồng độ tăng cao và xâm nhập sâu vào các tuyến kênh nội đồng. Vì thế, dự kiến huyện sẽ tiếp tục đắp thêm khoảng 30 đập thời vụ để ngăn mặn. Việc đóng các cống và đắp đập thời vụ được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của UBND tỉnh là mặn đến đâu thì thực hiện đến đó.

Hệ thống tưới phun thông minh của ông Đặng Văn Út.

Mặt khác, hằng ngày đều có cán bộ chuyên môn thực hiện việc đo mặn tại các điểm chính và nhiều điểm phụ khác, sau đó tiến hành thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh kịp thời. Tránh tình trạng người dân không biết và sử dụng nguồn nước có nồng độ mặn cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Đối với người dân, kinh nghiệm cũng như ý thức trong phòng chống xâm nhập mặn cũng được nâng lên. Bà con đã chủ động thực hiện các giải pháp để tự bảo vệ thành quả sản xuất của mình. Đang phun thuốc cữ cuối cho 5 công ruộng của gia đình, anh Đinh Văn Học, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Sau khi nghe cơ quan chức năng thông báo về độ mặn tăng cao và tiến hành đóng cống ngăn mặn lại thì tôi và bà con trồng lúa ở đây cũng thực hiện bí các cống đưa nước vào ruộng ngay từ thời điểm trước Tết. Việc chủ động cắt nước sớm cho cây lúa trong thời điểm còn hơn 20 ngày nữa mới thu hoạch sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến năng suất về sau. Tuy nhiên, thà bị giảm năng suất chút đỉnh chứ nếu để nước mặn vào ruộng thì bị thiệt hại còn nặng hơn rất nhiều”.

Còn ông Võ Thanh Hồng, ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi nghỉ Tết, thấy nước dưới sông trong veo và nếm thử có vị hơi mặn là tôi và nhiều bà con ở đây tiến hành bí các cống đập dẫn nước vào vườn khóm, cây ăn trái của mình. Hơn nữa, trước đó bà con chúng tôi đã chủ động nạo vét kênh mương có độ sâu để trữ nước ngọt. Nhờ vậy, vừa phòng ngừa nước mặn xâm nhập vào và vừa trữ nước ngọt lại để phục vụ tưới tiêu”.

Không chỉ chủ động ngăn mặn, trữ ngọt, nhiều bà con còn biết cách tiết kiệm nước trong tưới tiêu hiệu quả. Như trường hợp của ông Đặng Văn Út ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã đầu tư 26 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun cho khu vườn 4 công bưởi da xanh đã 2,5 năm tuổi. Ông Út chia sẻ: “Bây giờ tôi chỉ cần bật điện thoại smart phone lên, sau 15 phút đã tưới xong, tốn chưa tới một ký điện, trong khi tưới bằng máy phải mất một buổi, tiêu tốn gần 3 lít xăng. Vừa tiết kiện nhiên liệu, tiết kiệm nước, vừa tranh thủ thời gian làm việc khác, rất tiện lợi”.

Hiện chưa xảy ra thiệt hại nào do mặn gây ra. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang: Các địa phương chịu ảnh hưởng của mặn từ triêùBiển Tây hiện cơ bản có những công trình ứng phó và người dân đã có kinh nghiệm trong phòng tránh nên phần nào đỡ lo. Riêng các huyện đầu nguồn của tỉnh như huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều Biển Đông thì chưa có giải pháp công trình nào. Hiện,độ mặn trên sông Cái Côn (điểm giáp với địa bàn thành phố Cần Thơ) đã ở mức 2,9‰, sông Mái Dầm 1,7‰; trong khi mọi năm chỉ dao động từ 0,1-0,2‰. Nước mặn hiện tại sẽ đe dọa đến nhiều diện tích cây ăn trái của người dân. Do đó, bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc lấy nước vào vườn cây ăn trái theo từng thời điểm phù hợp, nếu không, dễ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập vào làm ảnh hưởng đến sản xuất.

PHÙNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43189002-hau-giang-chu-dong-phong-chong-xam-nhap-man.html