Hậu Giang chú trọng giảm nghèo bền vững

* Bắc Kạn thúc đẩy chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi khép kínNhững năm qua, từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và những chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ tại tỉnh Hậu Giang, cơ bản bao phủ số hộ nghèo và địa bàn còn khó khăn.

* Bắc Kạn thúc đẩy chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi khép kín

Những năm qua, từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và những chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ tại tỉnh Hậu Giang, cơ bản bao phủ số hộ nghèo và địa bàn còn khó khăn.

Đến nay, tỉnh Hậu Giang còn 6.965 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4% số hộ dân toàn tỉnh. Năm 2021, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở lên. Để thực hiện, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, các chính sách giảm nghèo bền vững đến người dân, nhất là người nghèo đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo.

Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021; giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phổ biến, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời để người nghèo phát triển sinh kế.

* Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò, lợn nói riêng của tỉnh Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có chín trang trại, 30 tổ hợp tác, năm hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm, hai doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hầu hết là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm còn bất cập, khâu liên kết sản xuất gắn với chế biến còn yếu, chưa có cơ sở giết mổ tập trung và các chuỗi liên kết sản xuất...

Tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với hình thức chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, phát triển được 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò, trong đó xây dựng từ một đến hai trang trại chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi khép kín (từ trồng cỏ, nuôi trâu, bò, nuôi giun quế… đến sản phẩm thịt và sản phẩm phụ); số xuất chuồng bình quân 15 nghìn con trâu/năm, tương đương sản lượng thịt trâu hơi gần 3.600 tấn/năm; số xuất chuồng bình quân 7.000 con bò/năm, tương đương sản lượng thịt bò hơi gần 1.500 tấn/năm. Tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi lợn để đến năm 2025, phát triển được 42 trang trại quy mô vừa và lớn, trong đó có hai đến ba trang trại chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi khép kín; số xuất chuồng bình quân 190 nghìn con/năm, tương đương sản lượng thịt lợn hơi 13 nghìn tấn/năm.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hau-giang-chu-trong-giam-ngheo-ben-vung-635734/