Hậu Giang phấn đấu trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII là: 'Phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long'

Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đánh giá “Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ qua khá toàn diện và khả quan trên một số lĩnh vực. Đến nay, Hậu Giang có mức phát triển trung bình so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt bình quân 6,82%/…

 Trên dòng kênh xáng Xà No

Trên dòng kênh xáng Xà No

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và từng bước khẳng định vai trò tạo động lực phát triển cho kinh tế tỉnh nhà. Dịch vụ phát triển ổn định. Các hoạt động văn hóa- xã hội, an sinh xã hội đạt kết quả khá tốt; cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét; chất lượng thực thi công vụ, công chức được cải thiện; Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) còn thấp, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 6,82%, chưa đạt kế hoạch đề ra (7,8%), trong đó tốc độ tăng trưởng khu vực I chỉ đạt 2,14%/năm, chưa đạt kế hoạch đề ra là 3%, lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển khá đạt bình quân 12,64%/năm, nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu kỳ vọng là 13,79%, lĩnh vực dịch vụ tăng 7,89%/năm trong khi kế hoạch là 8,26%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; GRDP bình quân đầu người ước cuối năm 2018 mới đạt trên 38,3 triệu đồng/người còn thấp so với kế hoạch và trong vùng. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đến cuối năm 2018 đạt 60,83%.

Thương nhân nước ngoài tham quan nông sản Hậu Giang

Theo dự báo tình hình thực hiện đến năm 2020, Hậu Giang còn 6 chỉ tiêu cần phải nỗ lực phấn đấu thực hiện mới đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 5 năm đạt 7,8%/năm, trong đó khu vực I tăng 3%, khu vực II tăng 13,28%, khu vực III tăng 8,26%. Cơ cấu kinh tế giữa 3 khu vực I, II, III là 24,34% - 27,38% - 48,28%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 90.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 80%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 70%. Một số chỉ tiêu phải đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, nguồn vốn đầu tư và cần có các yếu tố thuận lợi mới có thể thực hiện đạt được theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, như: tốc độ tăng trưởng GRDP; cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP của tỉnh giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,8%/năm.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là: “Phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long”, yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đó là: Quán triệt nghiêm túc quan điểm của UBND tỉnh về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; nỗ lực và quyết tâm tối đa thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Căn cứ nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực, từng ngành, địa phương xây dựng các kịch bản, đề ra giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu đạt thấp, khó đạt để tạo động lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh thủy sản, chăn nuôi, cây ăn trái gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên nguồn lực phát triển các đô thị, đảm bảo thực hiện thắng lợi các nghị quyết chuyên đề về đô thị đã đề ra. Triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân; cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giải quyết khó khắn cho doanh nghiệp. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phát triển du lịch; bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động để nâng cao thu nhập. Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tổ chức tốt công tác đối thoại góp phần giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại và liên kết vùng...”

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Theo đó, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo bước đột phá mới về phát triển kinh tế của tỉnh, xem phát triển công nghiệp là khâu đột phá, phát triển nông nghiệp thông minh là nền tảng, phát triển dịch vụ xanh là khâu hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển bền vững.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020; tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đầu tư công; tích cực vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.

Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng nông thủy sản hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của những sản phẩm chủ lực trong tỉnh; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí; rà soát điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập của nôn g dân.

Chủ động kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về khuyến công, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tạo quỹ đất sạch, ban hành quy trình giải phóng mặt bằng, trong đó phân rõ trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai tại các khu, cụm công nghiệp…

Huỳnh Biển

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/hau-giang-phan-dau-tro-thanh-tinh-kha-cua-vung-dbscl_n46156.html