Hậu khai thác khoáng sản: Ai chịu trách nhiệm với môi trường?

Đến nay, Đồng Nai có đã có 13 mỏ khai thác đá, đất đã đóng cửa và 40 mỏ đang khai thác với tổng diện tích gần 1.400 hécta. Các mỏ được cấp phép khai thác sâu từ 60-80m, tùy theo trữ lượng từng nơi. Khai thác khoáng sản đúng quy hoạch, đúng trữ lượng là điều cần thiết nhằm phục vụ cho xây dựng của tỉnh và các tỉnh, thành trong vùng. Nhưng nếu không có quy hoạch và tầm nhìn xa, câu chuyện 'hậu' khai thác khoáng sản sẽ là bài toán rất khó giải quyết về môi trường.

Bài 1: Những hầm mỏ bỏ hoang

Những mỏ khoáng sản đã hoàn thành thủ tục cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa ở Đồng Nai có tổng diện tích trên 120 hécta. Sau khai thác, đơn vị khai thác khoáng sản đã để lại những hố sâu từ 60-80m và nhiều năm qua đi vẫn bỏ hoang vì chưa có nhà đầu tư..

Môi trường quanh mỏ đã phục hồi xong theo đánh giá tác động môi trường nhưng chỉ còn lại hố nước sâu hun hút. Ảnh: H.GIANG

Môi trường quanh mỏ đã phục hồi xong theo đánh giá tác động môi trường nhưng chỉ còn lại hố nước sâu hun hút. Ảnh: H.GIANG

Các mỏ đá, đất sét khai thác xong để lại các hố sâu hun hút. Môi trường đã được đơn vị khai thác khoáng sản phục hồi bằng cách trồng cây xanh xung quanh và rào lại, song đa số đều làm khá qua loa.

* Để lại những vực sâu

Những mỏ khai thác đá và đất sét đóng cửa qua vài năm thì trở thành những hồ chứa nước mưa sâu thăm thẳm. Từ bờ hố xuống đến mặt nước đa số có khoảng cách 30-60m, nước dâng lên 30-40m lạnh buốt.

Trên địa bàn tỉnh, 3 địa phương có số mỏ khoáng sản đang khai thác nhiều là: Biên Hòa, Vĩnh Cửu và Thống Nhất. Trong đó, huyện Vĩnh Cửu có 13 mỏ, TP.Biên Hòa 10 mỏ và huyện Thống Nhất 6 mỏ.

Người dân sống gần các mỏ trên đều rất lo lắng, bởi những năm trước đã có 3 người dân thiệt mạng tại mỏ khai thác đá Hóa An và mỏ khai thác đá Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).Bà Trần Thị Linh, ấp Cầu Hang, xã Hóa An chia sẻ: “Mỏ khai thác xong, lâu ngày nước mưa, nước rỉ từ đá ra nhìn trong xanh nhưng lạnh thấu xương. Tôi phải liên tục nhắc nhở con cháu trong nhà không ra đó, vì lỡ chân rơi xuống là mất mạng”.

Không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác cũng gặp tình trạng tương tự khi doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thường chỉ chú ý làm sao có thể tận thu được nhiều đá, đất từ mỏ, còn những vùng đất này khi đóng cửa rồi sẽ làm gì chưa được đơn vị khai thác khoáng sản quan tâm đúng mức. Do đó, gần 53 mỏ (13 mỏ đã và 40 mỏ đang khai thác) của Đồng Nai đều được khoét sâu theo chiều thẳng đứng hoặc sâu hoắm vào trong bờ, giống như hàm ếch.

Tùy theo từng mỏ, có nơi được cấp phép khai thác độ sâu từ 60-80m, song nhiều doanh nghiệp cố tình khai thác sâu thêm 10-20m so với chiều sâu được duyệt. Khoảng 6 năm về trước, quy định về khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ nên nhiều mỏ đã tận thu sâu thêm hàng chục mét nên các mỏ lại càng sâu thêm.

Đơn cử giữa năm 2010, hầu hết các công ty khai thác các mỏ đá ở TP.Biên Hòa đều bị Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường) phát hiện và đề nghị xử phạt vì đào quá sâu vào lòng đất. Hầu hết các mỏ đá được cấp phép khai thác độ sâu tối đa 60m, nhưng chủ mỏ khai thác có chỗ sâu thêm 10-20m.

Cụ thể, Công ty TNHH Hiệp Phong vi phạm khai thác vượt độ sâu trên diện tích gần 1,6 hécta, nơi sâu nhất đến 76m; Công ty TNHH An Phú đã vi phạm khai thác vượt độ sâu trên diện tích 1,28 hécta, khu sâu nhất đến 76m; đặc biệt, tại mỏ đá Hóa An, Công ty cổ phần Hóa An bị phát hiện khai thác vượt độ sâu và khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép với tổng diện tích là 9,2 hécta, nơi sâu nhất tới 81m...

Khảo sát tại các khu mỏ đã khai thác xong tại xã Tân Hạnh, Hóa An, phường Bửu Hòa, Tân Vạn (TP.Biên Hòa)... qua nhiều năm, những nơi đó trở thành những hồ nước trong vắt dâng cao nên một số bạn trẻ thi thoảng rủ nhau đến chơi, chụp hình rất nguy hiểm.

* Thành nơi đổ trộm rác

Khi các doanh nghiệp xin rút khỏi các dự án cải tạo các mỏ khai thác khoáng sản thành khu du lịch, nhiều khu vực mỏ đá sau khai thác trở thành những vùng đất “chết” vì không thể cải tạo làm gì được. Ngoài nguy hiểm rình rập người dân qua lại thì các mỏ bỏ hoang này còn là nơi cho các đối tượng đổ trộm rác thải công nghiệp, sinh hoạt. Từ đơn vị quản lý đến các xã, phường cũng vất vả để ngăn chặn tình trạng trên.

Đồ họa thể hiện số lượng, diện tích, trữ lượng của các mỏ khai thác đất, đá được cấp phép, các mỏ đã đóng cửa và các địa phương hiện có số lượng các mỏ khai thác đất, đá nhiều trên địa bàn tỉnh. Thông tin: H.Giang - Đồ họa: Hải Quân

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết: “Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng khu vực mỏ đá đóng cửa vắng người đã đem rác vào đổ trộm. Phường phải cử lực lượng canh phòng nhưng cũng không ngăn cản hết được, buộc phải báo thành phố, tỉnh cử lực lượng xuống hỗ trợ để xử lý”.

Tuy nhiên, việc xử lý trên mới chỉ là phần ngọn, các mỏ đá đóng cửa bỏ hoang sẽ vẫn là nơi các đối tượng chuyên đổ trộm rác nhắm đến. Bởi địa phương, thành phố, tỉnh không thể quanh năm, suốt tháng cử lực lượng canh giữ các mỏ 24/24 giờ. Trong khi đó, rác thải các loại đổ xuống khu vực mỏ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước ngầm nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Nhung, người dân phường Tân Vạn bức xúc: “Gần đây, lực lượng quản lý kiểm tra gắt gao thì tình trạng đổ trộm rác đỡ hơn một chút. Còn những năm trước, ngày nào cũng có đối tượng điều khiển xe ô tô chạy vào khu mỏ đá đổ rác. Dân chúng tôi gọi điện báo lực lượng chức năng xuống xử lý, nhưng thời gian nào lực lượng này theo dõi kiểm tra gắt gao thì bớt, sau đó lại đâu hoàn đó”.

Nhiều người dân sống trong vùng khai thác cho biết, mỏ đá lúc đang khai thác thì dân khổ vì bụi, ồn ào, đường sá xuống cấp còn khi khai thác xong lại thành những khu chứa rác trái phép. Tình trạng trên chưa biết đến khi nào chấm dứt và người dân ở những địa bàn trên đều có chung mong mỏi là chính quyền có thể cải tạo nơi đó để chúng không thành vùng đất với nhiều nguy cơ rình rập.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201905/hau-khai-thac-khoang-san-ai-chiu-trach-nhiem-voi-moi-truong-2947686/