Hậu kiểm giám sát - thước đo quyền lực của đại biểu dân cử - Bài 4: Không 'đóng dấu' xác nhận cho cái sai

Mới đây, sáng 17/11/2023, trong Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: 'Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn'.

Nếu những kiến nghị giám sát không được triển khai nghiêm túc, các vi phạm không được sửa sai ngay, các chính sách chưa hoàn thiện vẫn để tiếp tục thực hiện…, vô hình chung đã “đóng dấu” xác nhận cho cái sai.

Chế tài cho chủ thể bị giám sát

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thái Nguyên khảo sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Trực tiếp tham gia điều hành hoạt động giám sát nhiều chương trình tại tỉnh Thái Nguyên, bà Mai Thị Thúy Nga (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh) đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát phần lớn phụ thuộc vào việc chủ thể bị giám sát có nghiêm túc thực hiện kết luận giám sát hay không? Việc Nghị quyết 594 cụ thể hóa quy định chủ thể bị giám sát bắt buộc phải thực hiện kết luận giám sát và có chế tài xử lý nếu chủ thể này cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đúng… là một bước quan trọng để đưa hoạt động giám sát trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả.

Bà Mai Thị Thúy Nga viện dẫn Nghị quyết 594 đã dành liên tiếp 4 điều (từ Điều 24 - 27) để quy định về việc xử lý trách nhiệm đối với những đối tượng bị giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận giám sát, thể hiện sự chú trọng nhấn mạnh vào mục tiêu theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát (gọi chung là kết luận giám sát). Thêm vào đó, Nghị quyết 594 còn quy định cụ thể trường hợp đối tượng chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện kết luận giám sát, HĐND các cấp yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan.

Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận giám sát, chủ thể giám sát gửi văn bản yêu cầu giải trình về việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện và làm rõ trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý.

Mặt khác, Nghị quyết 594 yêu cầu làm rõ những nội dung chưa được đối tượng bị giám sát thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu (nếu có) để báo cáo Thường trực HĐND xem xét. Sau đó, HĐND ra nghị quyết giám sát; trong đó nêu rõ yêu cầu đối tượng bị giám sát thực hiện, thời hạn thực hiện, biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, các chế tài được đưa ra dưới nhiều hình thức, thông thường sử dụng các hình thức kỷ luật công chức (đối với người đứng đầu), hoặc hình thức kỷ luật Đảng áp dụng đối với những người cố tình không thực hiện các kết luận giám sát... Từ đó, các đối tượng chịu giám sát nhận thức sai sót của mình để có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các kết luận giám sát.

Không phải tất cả các kiến nghị giám sát đều chuẩn xác

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XII và khóa XIII) đánh giá, trên thực tế, không phải tất cả các kiến nghị giám sát đều chuẩn xác. Trong khi cơ quan thực hiện có cả một hệ thống chuyên môn, cơ quan dân cử chỉ có số ít đại biểu chuyên trách, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm. Lãnh đạo của các Ban HĐND không phải là người có chuyên môn ở tất cả lĩnh vực, nhưng lại phải giám sát hầu hết các lĩnh vực. Với số lượng, năng lực và đòi hỏi của công tác giám sát, sẽ có những kiến nghị chưa thực sự chuẩn xác, cần phải được điều chỉnh kịp thời.

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, quá trình hoạt động giám sát, hiếm khi thấy những kiến nghị chưa chuẩn xác gây hậu quả nghiêm trọng, bởi lẽ những kiến nghị chưa chuẩn xác này rất khó thực hiện. Nếu người tiến hành giám sát tiếp tục kiến nghị mà vẫn không thực hiện sẽ được đưa lên các cấp cao hơn. Tại cấp đó, kiến nghị giám sát sẽ được xem xét một cách thấu đáo hơn với nhiều góc độ khác nhau; qua đó, sẽ phát hiện kiến nghị chưa chính xác, điều chỉnh kịp thời và không để lại hậu quả. Ngoài ra, khi kiến nghị, các chủ thể giám sát rất thận trọng. Đối với những nội dung không chắc chắn, họ chưa đưa ra kết luận giám sát ngay mà kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm.

Ngoài ra, trước khi ban hành báo cáo kết quả giám sát, đoàn giám sát thường tổ chức hội nghị để các đối tượng chịu sự giám sát được trao đổi, thảo luận, phản hồi, thậm chí phản biện đối với những nội dung đoàn dự kiến, kiến nghị. Vì thế, các kiến nghị chưa phù hợp hoặc còn ý kiến khác nhau giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát, thông thường đã được giải quyết tại thời điểm này.

Mở cửa mời người dân đồng hành

Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội giám sát tại Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Tại Điều 28, Nghị quyết 594 quy định cụ thể về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát (trừ trường hợp thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước).

Bằng quy định này, Nghị quyết 594 đã đổi mới trình tự, mở rộng thêm cánh cửa giám sát để người dân cùng đồng hành giám sát. Nhiều địa phương như HĐND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) còn tổ chức các hội nghị, tọa đàm để tham vấn ý kiến của cử tri và nhân dân về chuyên đề giám sát; nhất là các chuyên đề giám sát để kiểm nghiệm việc thực thi pháp luật, đánh giá hiệu quả thực thi của các nghị quyết do HĐND ban hành. Đây là cách làm hay, giúp đoàn giám sát có căn cứ thực tiễn để kết luận chính xác, đồng thời tạo điều kiện để cử tri thực hiện quyền làm chủ thông qua việc tham gia vào hoạt động giám sát theo chuyên đề của ucơ quan dân cử.

Ở Hà Nội, các kỳ họp của HĐND thành phố đều được truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn để cử tri tham gia giám sát. Ông Nguyễn Thuận Quảng (83 tuổi, Đại tá, cán bộ lão thành cách mạng, trú quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ông rất ấn tượng với phiên chất vấn trong Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố diễn ra vào thời điểm cuối năm 2022. Các nội dung được lựa chọn tái chất vấn đã làm “nóng” nghị trường. Đó là việc thực hiện các kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND và những cam kết, lời hứa của UBND thành phố, một số cơ quan của thành phố về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Đây là nhóm vấn đề đã được các đại biểu HĐND thành phố thực hiện chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 12/2021, tái chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 7/2022 và nhiều lần giám sát chuyên đề.

“Các sở, ngành chức năng đã bị các đại biểu "truy" trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thực hiện của một số dự án. Những câu hỏi thẳng thắn, trúng vấn đề của đại biểu đã buộc đại diện một số sở, ngành thành phố phải giải trình về tiến độ thực hiện cũng như nêu ra không ít vướng mắc còn tồn tại để cử tri và nhân dân nắm được. Cách làm này thực sự khiến người dân cảm thấy hài lòng”, ông Nguyễn Thuận Quảng chia sẻ.

Cử tri Nguyễn Khắc Huân (45 tuổi, kỹ sư xây dựng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh nhận thấy, nhiều cam kết của các lãnh đạo quận, huyện đã được thực hiện sau các kỳ họp HĐND thành phố. Về cam kết của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh về xử lý nước thải của Khu Công nghiệp Quang Minh, cử tri Nguyễn Khắc Huân cho biết, tháng 1/2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT GARMENT đã thực hiện đấu nối hệ thống thoát nước thải vào xử lý trong hạ tầng chung của Khu công nghiệp Quang Minh. Hay việc thu hồi đất tại số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa) để xây dựng hai trường học đã được hoàn tất đúng như cam kết của Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định...

“Sau chất vấn, nhiều vấn đề được giải quyết xong hoặc giải quyết bước đầu, cho thấy, bộ máy chính quyền thành phố vào cuộc trách nhiệm, mang lại niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, để công tác chất vấn được hiệu quả hơn nữa, tôi mong có những chế tài để xử lý những kết luận thiếu khoa học hoặc không phù hợp, tính khả thi thấp. Có như vậy, hoạt động chất vấn mới thực chất và không làm mất thời gian trong các cuộc chất vấn”, cử tri Nguyễn Khắc Huân bày tỏ.

Trên tất cả, các quy định của Nghị quyết 594 nhằm mục đích cuối cùng là để các bên tham gia giám sát phải thực hiện tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, hạn chế để xảy ra sai sót... Qua đó, tìm biện pháp khắc phục, giải pháp tháo gỡ khó khăn, ban hành cơ chế và hành lang pháp lý để việc quản lý được chặt chẽ hơn, tránh xảy ra sai phạm. Đây là mục tiêu cao nhất của hoạt động giám sát, trong đó, vai trò và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân được đặt lên hàng đầu.

Bài cuối: Thách thức bản lĩnh đại biểu dân cử

Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/hau-kiem-giam-sat-thuoc-do-quyen-luc-cua-dai-bieu-dan-cu-bai-4-khong-dong-dau-xac-nhan-cho-cai-sai-20231203091039978.htm