Hậu kỷ nguyên Abe, điều gì sẽ chờ đợi Nhật Bản?

Tờ Straits Times (Singapore) ngày 1/9 cho rằng, tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rằng ông sẽ rời nhiệm sở sớm hơn một năm gây ra cú sốc cho nhiều người.

Việc ông Shinzo Abe bất ngờ từ chức sớm hơn một năm là một cú sốc cho nhiều người. (Nguồn: AP)

Việc ông Shinzo Abe bất ngờ từ chức sớm hơn một năm là một cú sốc cho nhiều người. (Nguồn: AP)

Ông Abe là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản trong thời kỳ hậu Thế chiến II. Tuy nhiên, căn bệnh viêm ruột kết mà ông mắc từ khi còn nhỏ bị tái phát đã khiến ông khó có thể hoàn thành nhiệm kỳ của mình như mong muốn.

Năm 2007, tình trạng bệnh tương tự đã khiến ông phải cắt giảm thời gian làm việc của mình chỉ sau một năm. Tuy nhiên, những tiến bộ của y học đã đưa ra phương thức điều trị giữ cho căn bệnh của ông trong tầm kiểm soát. Đến nay, trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tồi tệ nhất trong lịch sử đang diễn biến phức tạp và những căng thẳng địa chính trị gia tăng, căn bệnh của ông lại tái phát.

Dấu ấn mang tên Abe

Ông Abe sẽ bị lỡ nhiều công việc, và không chỉ ở trong nước, nơi ông đã đem lại cho Nhật Bản sự quay trở lại mạnh mẽ, nổi bật là việc Nhật Bản trở thành nước chủ nhà đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic 2020 - một “tác phẩm” chưa hoàn thành do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, chính sách ngoại giao của Nhật Bản đã thể hiện sự hiện diện tuyến đầu ở châu Á trong việc tăng cường liên minh Nhật-Mỹ, thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một kế hoạch mang tính chiến lược và kinh tế, hay trong việc làm "bà đỡ” cho một hiệp định thương mại đáng tin cậy sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông cũng coi trọng việc đến thăm các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thể hiện sự đánh giá cao vai trò trung tâm của khu vực này trong các vấn đề của châu Á.

Vậy điều gì sẽ dành cho Nhật Bản trong kỷ nguyên hậu Abe? Điều này phần lớn phụ thuộc vào người sẽ kế nhiệm ông. Ông Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đối thủ lâu đời của ông Abe, là một nhân vật đáng chú ý. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mình trong Chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ông Abe sẽ có thể có tiếng nói trong vấn đề này.

Làm việc một cách không mệt mỏi để đưa Nhật Bản trở thành một nước “bình thường” hơn theo rất nhiều cách thức, trong đó có việc diễn giải lại Hiến pháp cho phép quân đội hỗ trợ các nước đồng minh, ông Abe sẽ có khả năng đảm bảo việc tiếp tục thực hiện một biện pháp chính sách. Điều đó có thể đem lại nhiều cơ hội đảm nhận vị trí lãnh đạo Nhật Bản cho “cánh tay phải” của ông Abe là Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, người dường như cũng mong muốn đảm nhận vị trí này.

Những ứng cử viên khác bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida.

Ông Kono ủng hộ ý tưởng Nhật Bản gia nhập Quan hệ đối tác tình báo Five Eyes - một nhóm bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, ngày 1/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã quyết định sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP cầm quyền để chọn người kế nhiệm Thủ tướng Abe.

Cùng ngày, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba đã chính thức thông báo ý định ra tranh cử trong cuộc bầu cử này.

Quan hệ Trung-Nhật sẽ ra sao?

Đây là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Tờ Global Times ngày 29/8 có bài bình luận, khẳng định trong hai lần Thủ tướng Abe cầm quyền, tình hình thực tế của mối quan hệ Trung-Nhật là "lúc thăng lúc trầm". Điều này phản ánh sự chồng chéo về lợi ích quốc gia và tình cảm dân tộc giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Một mặt, Trung Quốc cần nỗ lực gia tăng lợi ích chung với Nhật Bản. Mặc khác, Trung Quốc cũng phải chú ý đến thực tế chính trị của Nhật Bản, giảm bớt cọ xát chính trị giữa hai nước, hoặc kiểm soát ảnh hưởng, tác động của những cọ xát chính trị đó, để hai bên có được mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Nguyên nhân do Trung Quốc là một nước lớn, đang phải đối mặt với sự bao vây, ngăn chặn chiến lược toàn diện của Mỹ, nên cần tranh thủ những nước như Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Xét về lâu dài, Nhật Bản chắc chắn sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập hơn, ít chịu chi phối hơn từ Mỹ, bởi việc duy trì sự cân bằng chiến lược nhất định giữa Trung Quốc và Mỹ phù hợp với lợi ích của Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cần tiếp tục tạo ra các yếu tố tích cực để hai nước xích lại gần nhau hơn.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang phức tạp, việc tạo ra một cục diện mới trong quan hệ ngoại giao Trung-Nhật là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả hai bên. Dù điều này sẽ gặp cản trở từ môi trường xung quanh, nhưng đây thực sự là một hướng đi có giá trị chiến lược cho quan hệ Trung-Nhật.

Tờ Nhật báo Bắc Kinh ngày 28/8 đăng bài viết của tác giả Vương Thái Bình cho rằng, với việc ông Abe từ chức, tình hình chính trị của Nhật Bản chắc chắn sẽ tạm thời có nhiều xáo trộn, nhưng sẽ không có sóng gió lớn, do quyền lực nằm trong tay đảng LDP và một thủ tướng mới sẽ chỉ được tạo ra trong nội bộ đảng của đảng này.

Ông Abe sẽ duy trì ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn thủ tướng mới. Do đó, sự ra đời của một nội các mới sẽ không phải là một "cú hích", làm thay đổi cơ bản đường lối ngoại giao của ông Abe.

Thay đổi quan hệ với Trung Quốc và đưa quan hệ hai nước đi đúng hướng là một thành tựu đáng kể trong chính sách ngoại giao của ông Abe. Đây là một phần quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược ngoại giao của Nhật Bản, phù hợp với lợi ích cơ bản của nước này.

Trong thời kỳ hậu Abe, chính sách coi trọng quan hệ với Trung Quốc của Nhật Bản sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, tính hai mặt trong chính sách Trung Quốc của Nhật Bản sẽ tồn tại lâu dài, khiến mối quan hệ hai nước có nhiều biến động. Một mặt, Nhật Bản vẫn không thể tách khỏi Mỹ trong tương lai gần. Mặt khác, do hệ thống chính trị và nhân tố ý thức hệ, Nhật Bản vẫn cảnh giác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, do đó chưa thể đạt sự đồng thuận với Trung Quốc về nhiều quy tắc.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Nhật Bản còn bị kẹt trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, Tokyo phải tự tìm kiếm vị trí tốt nhất trong mối quan hệ cạnh tranh này, đồng thời phát huy vai trò bên thứ ba để hưởng lợi từ cả Trung Quốc và Mỹ, qua đó tối đa hóa lợi ích quốc gia. Nhật Bản không muốn lựa chọn nghiêng về Trung Quốc hay Mỹ, nhưng với tư cách là một đồng minh của Mỹ, đôi khi Nhật Bản phải tuân theo Mỹ.

Cũng liên quan vấn đề này, china.com.cn ngày 29/8 đăng bài viết của tác giả Thái Lượng cho rằng, chính sách đối với Trung Quốc của Nhật Bản chịu tác động lớn từ Mỹ. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử, mặc dù lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc vẫn được duy trì nhưng các động thái cọ xát nguy hiểm phục vụ mục đích bầu cử sẽ bị hạn chế. Do đó, khả năng Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách đối với Trung Quốc như thời kỳ chính quyền ông Abe là tương đối cao

Còn nếu ông Joe Biden đắc cử, thái độ của ông đối với Trung Quốc không hề ôn hòa, thậm chí có khả năng làm gia tăng mâu thuẫn Mỹ-Trung về hai vấn đề nhân quyền và tái thiết vòng vây Trung Quốc. Trong trường hợp này, ông Biden sẽ không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính, thương mại mới đối với Trung Quốc, mà còn yêu cầu các đồng minh như Nhật giữ thái độ tương tự.

Trong bối cảnh đó, chính sách ngoại giao của chính quyền mới của Nhật Bản đối với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn so với thời Tổng thống Trump.

Tóm lại, chính sách Trung Quốc của Nhật Bản thời hậu Abe có khả năng thể hiện theo hướng “kiềm chế tổng thể và tiếp xúc từng phần”.

(theo Straits Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-ky-nguyen-abe-dieu-gi-se-cho-doi-nhat-ban-122869.html