Hậu phương quân đội và xây dựng hậu phương quân đội trong tình hình mới

Quá trình lãnh đạo chiến tranh cách mạng, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng hậu phương, trong đó có hậu phương quân đội, coi đó là một nhân tố quyết định đến thành bại của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân.

Lịch sử dân tộc ta là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã kiên cường, bền bỉ đấu tranh khắc phục, chế ngự, cải tạo tự nhiên, xã hội, anh dũng chống các thế lực xâm lược, đô hộ... để xây dựng, bảo vệ cuộc sống của mình, giải phóng dân tộc và giữ nước.

Đó là lịch sử mà các thế hệ con người Việt Nam đã không ngừng phát triển và sáng tạo những phương cách giữ nước, xây dựng quân đội, chống giặc ngoại xâm. Những tư tưởng “cử quốc nghênh địch”, “lấy ít địch nhiều”, “ngụ binh ngư nông”, “bách tính giai binh”... của ông cha ta đã hàm chứa trong đó những tư tưởng cơ bản về hậu phương quân đội; về mối quan hệ giữa quân đội và hậu phương quân đội; về vai trò quan trọng của hậu phương quân đội trong việc nuôi dưỡng và bảo đảm cho quân đội trưởng thành và chiến đấu chống giặc ngoại xâm; về những nội dung xây dựng hậu phương quân đội. Đó là nghệ thuật quân sự độc đáo, là một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Quá trình lãnh đạo chiến tranh cách mạng, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng hậu phương, trong đó có hậu phương quân đội, coi đó là một nhân tố quyết định đến thành bại của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân. Việc xây dựng các căn cứ du kích, căn cứ địa cách mạng; xây dựng hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; xây dựng hậu phương tại chỗ của từng vùng miền; xây dựng khu vực phòng thủ... thực sự là nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng của quân dân ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với việc xây dựng hậu phương và hậu phương quân đội, nhằm đáp ứng nhu cầu cách mạng, chiến tranh và xây dựng quân đội.

Bộ đội tham gia làm đường giao thông nông thôn ở bản Lý Tài Sáy, xã Quảng Lâm (Đầm Hà, Quảng Ninh). Ảnh: baoquangninh.com.vn

Thực tiễn sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng hậu phương quân đội được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, đạt kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì kết quả đó còn khiêm tốn. Lý luận và thực tiễn xây dựng hậu phương quân đội còn bộc lộ sự lúng túng trong việc xác định nội hàm và phạm vi, cũng như những quan điểm, giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng hậu phương quân đội.

Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới. Nhiều vấn đề cơ bản về quân sự, quốc phòng, về chiến tranh và quân đội đã và đang có sự biến đổi sâu sắc, đặc biệt đối với nước ta trước yêu cầu đánh thắng chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao; bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chủ quyền biển, đảo.

Theo đó, vấn đề hậu phương nói chung, hậu phương quân đội nói riêng cũng có sự biến đổi theo. Phải sớm hoàn thiện tư duy mới về hậu phương quân đội và xây dựng hậu phương quân đội phù hợp với điều kiện hậu phương và tiền tuyến mở rộng hơn và đan xen nhau; việc phân biệt tiền tuyến và hậu phương trở nên không rõ ràng như trước; vai trò của hậu phương quân đội càng trở nên quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội. Hậu phương quân đội và xây dựng hậu phương quân đội phải được nhìn nhận, xem xét trên một nền tảng tư duy chiến lược, khoa học, đổi mới và mang tính tổng hợp, toàn diện về công cuộc giữ nước, xây dựng quân đội trong bối cảnh lịch sử mới.

V.I. Lênin nhấn mạnh: “Muốn tiến hành chiến tranh một cách thực sự, phải có một hậu phương được tổ chức vững chắc. Một quân đội giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng, cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện một cách đầy đủ”1.

J. Xtalin cho rằng: “Một quân đội không có hậu phương vững chắc thì quân đội ấy là cái gì? Chẳng là cái gì cả. Những đội quân lớn nhất, được trang bị tốt nhất, đều đã bị tan rã và biến thành tro bụi, vì không có hậu phương vững chắc, không có sự đồng tình và ủng hộ của hậu phương, của nhân dân lao động”2; “Không có một đội quân nào trên thế giới không có hậu phương vững chắc mà lại có thể chiến thắng được”3.

Sự ủng hộ, giúp đỡ của hậu phương đối với quân đội không chỉ là vật chất, mà điều rất quan trọng là tinh thần, là điểm tựa, chỗ dựa tinh thần cho quân đội, trực tiếp và quyết định làm nên nhân tố “rốt cuộc” thắng lợi trong chiến tranh - tinh thần của người lính trên chiến trường.

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định mối quan hệ giữa quân đội và hậu phương là mối quan hệ mật thiết. Thực chất mối quan hệ giữa quân đội và hậu phương là nội dung cốt lõi của mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến; là biểu hiện mối quan hệ giữa kinh tế và chiến tranh, sự phụ thuộc của quân đội vào điều kiện và trình độ sản xuất, kinh tế đất nước.

Để xây dựng hậu phương, thì tất cả mọi người và tất cả các cơ quan ở hậu phương cần phải làm việc cho “ăn khớp như bộ máy đồng hồ tốt”. Phải xây dựng, củng cố hậu phương về mọi mặt: Chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục và tư tưởng. Xây dựng hậu phương không những nhằm đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến trong chiến tranh, mà điều quan trọng là đáp ứng mọi nhu cầu của quân đội với tư cách là lực lượng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, lực lượng nòng cốt trong chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải “Xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện”. Về chính trị, tư tưởng thì: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”4, “phải xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật”; phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hậu phương là vùng tương đối rộng và hoàn chỉnh, ổn định và vững chắc về nhiều mặt. Ở đó, chúng ta có thể triển khai xây dựng toàn diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa... với quy mô ngày càng lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu của chiến tranh, nhất là chiến tranh chính quy. Trong quá trình phát triển khi đã có hậu phương rộng lớn chúng ta không coi nhẹ việc tiếp tục củng cố xây dựng cơ sở chính trị, tiếp tục phát triển khu du kích. Phải khai thác chiến lược của chiến tranh nhân dân, khai thác mọi tiềm lực của nhân dân.

Trong tình hình mới, cần phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về hậu phương, xây dựng hậu phương một cách sáng tạo, linh hoạt vào thực tiễn xây dựng hậu phương quân đội. Việc xây dựng hậu phương quân đội không chỉ là sự kế thừa những kinh nghiệm trước kia, mà cần được phát triển, mở rộng nội hàm và phạm vi không gian của nó, đồng thời gắn bó chặt chẽ với tư tưởng về xây dựng và tác chiến khu vực phòng thủ trong thế trận chung của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một là, xác định chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, phương thức, cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành xây dựng hậu phương quân đội. Đây là hình thức, biện pháp cơ bản, đòi hỏi phải xác định và thực hiện tốt cơ chế vận hành trong xây dựng hậu phương quân đội, luật hóa việc xây dựng hậu phương quân đội. Thực hiện đầy đủ, đồng bộ chính sách, cơ chế; có chế tài bảo đảm và huy động kinh phí, vật chất, kỹ thuật, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng hậu phương quân đội.

Hai là, giáo dục, tuyên truyền, động viên, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các chủ thể, các lực lượng đối với nhiệm vụ xây dựng hậu phương quân đội trong tình hình mới.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển văn hóa, tăng cường xây dựng, tích lũy các nguồn lực, tiềm lực của hậu phương quân đội.

Bốn là, đẩy mạnh công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương, bộ, ngành; tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ địa phương để xây dựng hậu phương quân đội.

Năm là, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách xã hội; tổ chức thực hiện các phong trào xã hội sâu rộng, đẩy mạnh “xã hội hóa” xây dựng hậu phương quân đội.

Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, các cấp, các ngành, tất cả các lĩnh vực ở trong nước và ngoài nước vào xây dựng hậu phương quân đội. Chú ý tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng hậu phương quân đội.

------------

1. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 27, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 88.

2. J. Xtalin, Toàn tập, tập 11, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1965, tr.33-34.

3. J. Xtalin, Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.177.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.164

NGUYỄN THỊ HẰNG – Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hau-phuong-quan-doi-va-xay-dung-hau-phuong-quan-doi-trong-tinh-hinh-moi-699420