Hậu phương vững chắc để tuyến đầu chống dịch

Từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế… trên địa bàn Thủ đô phải tạm gác công việc gia đình, thậm chí phải gửi con nhỏ nhờ ông bà, người thân nuôi dạy để tham gia chống dịch. Có hậu phương vững chắc, những 'chiến sĩ' áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch thực sự yên lòng dành trọn thời gian, tâm sức để tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và thực hiện cách ly theo quy định.

Ông Ngô Quang Thanh chăm sóc các cháu để con gái ông là chị Ngô Thị Bích Hạnh (làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115) yên tâm công tác.

Lặng thầm những vất vả không tên

28 năm “góp gạo thổi cơm chung”, dù đã quen với cảnh vợ phải trực đêm tại bệnh viện, nhưng anh Nguyễn Thanh Ca, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (hiện là Phó Đội trưởng, Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) không nghĩ lần này vợ lại "vắng nhà" lâu đến vậy. Đã hơn 20 ngày kể từ khi chị Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông không về nhà, cùng các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa trực 24/7 tại bệnh viện để khám, chăm sóc các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F1).

"Khi nhận tin vợ nhắn sẽ ở lại bệnh viện thực hiện nhiệm vụ đến khi hết dịch mới về, tôi không quá bất ngờ, nhưng thực sự lo lắng bởi biết rằng "chiến dịch" chống dịch Covid-19 sẽ còn dài. Xác định lấy vợ làm nghề Y - nghề vất vả và không kém phần nguy hiểm khi phải đối mặt với đủ thứ dịch bệnh, nên việc bố con phải tự chăm nhau khi mẹ đi trực đêm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thời gian này bố con tôi cũng thấy trống trải, những bữa cơm chiều không được nấu thường xuyên…", anh Ca tâm sự.

Tương tự, những ngày này, ông Ngô Quang Thanh, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 5, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) trở nên bận bịu vì con gái ông là chị Ngô Thị Bích Hạnh, Kíp trưởng kíp trực cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115 gửi 2 cháu nhỏ nhờ ông bà chăm sóc. "Ngày 7-3-2020, tôi nhận được điện thoại của con gái nhờ xuống đón 2 cháu về chăm sóc giúp để con tham gia nhiệm vụ chống dịch. Bất ngờ, nhưng hiểu rõ công việc của con và sự nguy hiểm của dịch bệnh, tôi lập tức bắt xe xuống đón các cháu. 20 ngày trôi qua, mỗi khi nhìn mẹ con chúng gọi điện hỏi thăm nhau, vợ chồng tôi cũng rưng rưng. Để con yên tâm công tác, tôi luôn động viên con giữ gìn sức khỏe, phải coi chống dịch như chống giặc” - ông Thanh chia sẻ.

Nhận nhiệm vụ vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Điều dưỡng trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Lê Thị Thắm xác định công việc sẽ vất vả. Nhưng sự vất vả ấy đã vơi đi phần nào bởi sau khi thông báo với chồng "sẽ ở lại viện để phục vụ công tác cách ly bệnh nhân F1" chị đã nhận được sự động viên của cả gia đình vì mọi người đều hiểu tính chất của công việc này. Từng ấy ngày chị Thắm "cắm chốt" tại bệnh viện, cũng là từng ấy ngày anh Lê Tiến Thành - chồng chị Thắm - vừa phải đi làm, lại vừa phải lo cơm nước, giặt giũ cho các con ở nhà.

Nhưng không chỉ đơn thuần là việc lo cho các con bữa ăn, giấc ngủ hay trăm việc không tên khác, điều khiến anh lo nhất là đến ngày thứ 4 chị Thắm vắng nhà thì con gái 6 tuổi bị đau bụng. Song, không để vợ phải mệt lòng thêm, anh Thành đã đưa con đi khám và chỉ khi kết quả khám là bị rối loạn tiêu hóa, anh mới báo để vợ yên tâm. "Lo việc nhà, lo chăm con cũng mệt, nhưng so với nỗi nhọc nhằn của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, thì điều ấy có thấm gì..." - anh Thành nói.

Vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là một trong 6 cơ sở y tế ở Hà Nội được giao nhiệm vụ cách ly các trường hợp F1. Bệnh viện hiện có 14 y, bác sĩ, điều dưỡng thuộc Khoa Các bệnh nhiệt đới trực tiếp tham gia khám, chăm sóc các trường hợp F1. Là Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, chị Trần Thị Kim Anh chịu trách nhiệm chỉ đạo chung từ quy trình tiếp đón, sàng lọc đến sắp xếp buồng bệnh thành khu khép kín.

Chị Kim Anh tâm sự: "Sau những lúc mệt nhoài với công việc, trong lòng lại cồn lên nỗi nhớ chồng, thương con; nếu không có những người thân là điểm tựa vững lòng, chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ngày 25-3 vừa qua, đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi nhận được thư động viên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bận trăm công, ngàn việc, nhưng Thủ tướng vẫn không quên những vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch. Tự đáy lòng mình, chúng tôi rất xúc động và nguyện phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao".

Cũng như chị Kim Anh, sau khi gửi con về nhờ ông bà chăm sóc, chị Ngô Thị Bích Hạnh đã dành trọn thời gian cho công tác chuyên môn. Không chỉ tham gia cấp cứu ngoại viện, kíp trực của chị còn tham gia vận chuyển nhiều bệnh nhân Covid-19 và đón các trường hợp F1 về khu cách ly tập trung. Chị Hạnh tâm sự: "Công việc cấp cứu đòi hỏi các thành viên trong kíp trực luôn phải thao tác nhanh nhưng vẫn bảo đảm đúng quy trình nên rất vất vả. Những ngày tới, dự kiến công việc sẽ tăng lên nhiều, nhưng với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua, kịp thời vận chuyển bệnh nhân đến nơi an toàn".

Ông Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho hay: Từ ngày 7-3 đến nay, thực hiện thêm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 và các trường hợp F1 nên công việc của đội ngũ y, bác sĩ, lái xe của trung tâm tăng gấp 2-3 lần. Tại trung tâm, có nhiều cặp vợ chồng cùng công tác, cùng tham gia các kíp trực và để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo, nhiều y, bác sĩ, lái xe đã phải gửi con nhờ ông, bà chăm sóc. “Chúng tôi tin tưởng rằng, với hậu phương vững chắc, các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội sẽ yên tâm công tác, dành trọn thời gian cho công tác phòng, chống dịch Covid-19”, ông Trần Anh Thắng cho biết thêm.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Thầy thuốc nhân dân, TS.BS Lê Hưng đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại đơn nguyên điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Dù công việc vất vả nhưng họ luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để kịp thời động viên, Ban Giám đốc đã khen thưởng kíp trực lưu trú người bệnh tại đơn nguyên này, trong đó điều dưỡng Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Lê Thị Thắm là một trong những thành viên tích cực.

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng đang bước vào giai đoạn cam go, nóng bỏng. Với những đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, sự động viên kịp thời của các cấp, các ngành, và với một hậu phương vững chắc, các y, bác sĩ, nhân viên y tế Thủ đô sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chiến thắng dịch bệnh...

Thu Hằng - Thùy Ngân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/962534/hau-phuong-vung-chac-de-tuyen-dau-chong-dich