Hậu quả khôn lường từ việc họp chợ ở lòng, lề đường

4 sinh mạng đã vĩnh viễn ra đi sau khi xe khách lao vào một chợ họp ven đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đáng nói, tình trạng buôn bán, họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra từ lâu và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần ra quân dẹp tình trạng này nhưng không hiệu quả.

Buổi sáng kinh hoàng

Vào khoảng 6h15 ngày 3/8, xe ô tô khách giường nằm loại 44 chỗ của nhà xe Văn Năm mang BKS 19B-009.18 do tài xế Nguyễn Văn Nhất (SN 1979, ngụ huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 14 theo hướng tỉnh Gia Lai đi tỉnh Đắk Lắk.

Hiện trường vụ tai nạn.

Khi tài xế Nhất điều khiển xe chạy đến Km 1634+500 đoạn qua thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thì phát hiện xe mô tô mang BKS 81P1-157.17 do anh Phạm Văn Thái (SN 1975, ngụ thị trấn Chư Sê) điều khiển qua đường bất ngờ nên đạp phanh, thắng gấp và bẻ lái để tránh xe mô tô.

Tuy nhiên, thời điểm này, do trời mưa đường trơn trượt nên xe khách trượt vào lề phải, tông vào ông Thái, sau đó đâm vào một số người dân đang bán hàng và đi chợ ven đường, rồi tiếp tục đâm vào con lươn bên vỉa hè mới dừng lại.

Hậu quả vụ tai nạn làm 3 người tử vong tại chỗ, gồm: anh Thái, bà Phạm Thị Hoa (SN 1961) và bà Phạm Thị Sinh Châu (SN 1961, ngụ thị trấn Chư Sê). Một nạn nhân tử vong tại bệnh viện là bà Nguyễn Thị The (SN 1958, ngụ thị trấn Chư Sê, riêng bà Lê Thị Hiền (SN 1965, ngụ xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Hoa và bà Châu là hàng xóm của nhau. Sáng hôm xảy ra vụ tai nạn, cả 2 bà rủ nhau đi tập thể dục. Trên đường về, 2 bà tranh thủ ghé vào chợ để mua đồ về ăn sáng thì không may gặp nạn. Trong khi đó, anh Thái làm nghề bán cháo lòng từ nhiều năm nay ở thị trấn Chư Sê. Anh là lao động chính trong gia đình.

Trước lúc anh gặp nạn, quán cháo lòng đã hết bánh hỏi nên anh tranh thủ chạy qua chợ mua bánh về bán cho khách, người vợ đang trông quán không ngờ rằng đó là giây phút cuối cùng chị nói chuyện với chồng. Sự ra đi đột ngột của anh để lại nỗi đau quá lớn cho người vợ và những đứa con đang tuổi cắp sách đến trường.

Trong một diễn biến khác, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhanh mẫu máu, nồng độ cồn của tài xế. Kết quả kiểm tra xác định, tài xế Nhất âm tính với chất kích thích và nồng độ cồn.

Chiếc xe ô tô gây tai nạn là được sản xuất năm 2015, kiểm định có hiệu lực đến ngày 8/11/2019, đơn vị kiểm định là 1901V (tỉnh Phú Thọ). Về kết quả kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, số liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy, xe ô tô mang BKS 19B-009.18 có tốc độ dữ liệu cuối cùng vào lúc 5h27 ngày 3/8 tại đường Phạm Văn Đồng (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) là 75 km/h; từ 5h27 đến khi xảy ra tai nạn bị mất dữ liệu.

Ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, chính quyền địa phương đã khẩn trương điều động lực lượng chức năng đến hiện trường để hỗ trợ, giúp đưa người bị thương đi cấp cứu cũng như tiến hành các thủ tục để người nhà các nạn nhân bị tử nạn nhận thi thể về lo hậu sự.

Chính quyền địa phương cũng đã đến gia đình các nạn nhân để thăm hỏi, động viên. Trước mắt, UBND huyện đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi gia đình có người tử vong, 2 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị thương tại vụ tai nạn.

Được biết, sau khi nhận được báo cáo về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời hỏi thăm, chia buồn đến các gia đình nạn nhân. Đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện trong việc phối hợp khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Gia Lai chỉ đạo ngành y tế tập trung cứu chữa nạn nhân bị thương. Chỉ đạo công an điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). Trong đó tập trung kiểm tra chất kích thích, điện thoại di động của tài xế để xem thời điểm xảy ra tai nạn giao thông có nghe, gọi, nhắn tin, xem phim, facebook hay không…

Hiểm họa khôn lường từ chợ lề đường

Dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang hình thành rất nhiều chợ tự phát dọc hai bên. Vào giờ cao điểm, tình trạng buôn bán, họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra phức tạp. Chính vì những chợ tạm bên đường quốc lộ đã tạo ra những “cái bẫy” nguy hiểm cho cả người mua, bán và người đi đường.

Theo ông Trần Sỹ Đại, cán bộ Tổ quản lý trật tự thị trấn Chư Sê, tình trạng họp chợ ngay bên quốc lộ 14 đã diễn ra từ lâu nhưng rất khó xử lý. Lượng xe qua lại ở đoạn quốc lộ này đều chạy với vận tốc cao nhưng người dân vẫn thản nhiên buôn bán, xem thường tính mạng của mình. Dù địa phương cũng như nhiều người dân ở đây đã nhắc nhở nhưng những người buôn bán vẫn tụ tập bất chấp nguy hiểm cho mình và cho người khác.

“Việc họp chợ mua bán lấn chiếm lòng đường ở khu chợ trung tâm huyện Chư Sê diễn ra nhiều năm nay dù lực lượng trật tự đã nhiều lần xử lý. Mỗi khi lực lượng trật tự có mặt, những người buôn bán nhanh chóng đem hàng cất giấu, sau đó đâu lại vào đấy”, Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê, ông Trương Thanh Hoài cho biết.

Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn TP.Pleiku tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán gây mất trật tự an toàn giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường như: Trường Sa (tổ 1, phường Chi Lăng), Lê Duẩn (làng Choét 2, phường Thắng Lợi), Nơ Trang Long (tổ dân phố 5, phường Trà Bá)…

Đường Nơ Trang Long là con đường dẫn vào bến xe Đức Long thường xuyên có xe khách, xe tải nhẹ ra vào. Bất chấp sự nguy hiểm rình rập từ giao thông, người dân vẫn vô tư tràn ra lòng lề đường buôn bán. Lâu dần rồi thành chợ tự phát khiến đoạn đường này luôn trong tình trạng mất an toàn giao thông. Không những thế, chợ tự phát này còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh đây do các mùi hôi thối, các loại rác thải…

Sau khi kiểm tra hiện trường vụ tai nạn vào sáng ngày 3/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho rằng, để xảy ra tai nạn nghiêm trọng như trên là do tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Trước đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban An an toàn giao thông tỉnh, các địa phương có chợ gần tuyến quốc lộ tập trung làm tốt công tác trật tự an toàn giao thông, không cho người dân tràn ra lòng đường mua bán. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tụ tập buôn bán trên lòng, lề đường.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh nhằm tránh xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc”, ông Kpă Thuyên cho biết. Tình trạng buôn bán, họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra từ lâu và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, vì vậy các cấp chính quyền cần quyết liệt hơn trong việc sắp xếp lại các chợ tự phát trên địa bàn. Bởi nếu để các chợ tự phát tồn tại dai dẳng thì những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như trên có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/hau-qua-khon-luong-tu-viec-hop-cho-o-long-le-duong-d104023.html