Hậu quả lâu dài của các vụ thử vũ khí nguyên tử

'Trong quá khứ chính giới cao cấp tại Washington luôn quả quyết, rằng những vụ thử vũ khí nguyên tử (VKNT) ở Mỹ không có gì nguy hiểm… Nhưng thực tế ngày nay đã cho thấy, số lượng người mắc bệnh ung thư tại những vùng xung quanh các khu thử luôn cao hơn hẳn nơi khác.

“Chính phủ Mỹ đã lừa dối người dân”, đó là kết luận của tờ tuần báo uy tín The New Yorker phát hành ở New York.

Kể từ vụ thử VKNT đầu tiên mang mật danh “Trinity”, được tiến hành vào ngày 16-7-1945 ở Alamogordo (tiểu bang New Mexico), tổng cộng đã có gần 100 vụ thử thứ vũ khí đáng sợ nhất bên dưới lòng đất thuộc lãnh thổ Mỹ.

Thể hiện qua những đám mây hình nấm màu hồng khổng lồ, chứa đầy chất phóng xạ phủ lên các bình nguyên, hoang mạc và khu dân cư ở các tiểu bang New Mexico, Nevada, Arizona và Utah cùng hàng trăm nghìn người nằm trong vòng ảnh hưởng; hay là “những vật thể thí nghiệm phi tự nguyện”, như giới truyền thông xứ cờ hoa thường gọi một cách mỉa mai.

Bà G. Gregerson trước khi lìa đời vì chứng đa ung thư.

Sau vụ thử đầu tiên tại Alamogordo, kế tiếp là một loạt các vụ thử VKNT kéo dài từ ngày 27-1 tới 6-2-1951 với mật danh “Ransder”, đến những vụ thử thuộc chương trình “Bester Jengel” vào mùa thu năm 1951 và “Tumblr-Smaller” trong mùa xuân năm 1952. Sang năm 1953, khởi đầu từ ngày 17-3 và kéo dài tới 4-6 là chương trình mang tên “Epost-Not Howl” khiến hàng nghìn con cừu, chiếm 25% tổng số bầy đàn gia súc ở 2 tiểu bang Utah và Nevada chết trong vòng một tháng (từ tháng 5 đến tháng 6-1953), vì ăn phải thứ cỏ nhiễm xạ.

Trong phiên họp ngày 7-7-1953 ở thủ đô Washington D.C, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ (AEC) Lewis Strauss (1896-1974) đã buộc phải thừa nhận: “Ủy ban chúng tôi đã không đánh giá đúng mức các tác hại to lớn của chất phóng xạ”. Biên bản cuộc họp này mãi tận 1/4 thế kỷ sau - vào năm 1978 - mới được công bố, trước sự đòi hỏi bồi thường của 24 nạn nhân bị các chứng ung thư do nhiễm xạ ở St. George (tiểu bang Utah).

Trong thời gian có các vụ thử VKNT thuộc dự án “Warmth” dạo tháng 2-1955, người ta đã lừa mị dân chúng rằng, độ nhiễm xạ chỉ bằng 1/20 so với mức phóng xạ khi chụp phim X quang(?!); đồng thời kích động lòng yêu nước bằng những lời hoa mĩ từ cửa miệng các giới chức có thẩm quyền. Còn tại phiên họp hôm 23-2-1955, một thành viên thuộc Ban lãnh đạo AEC lại quả quyết: “Mọi người cần phải chấp nhận hiện tượng phóng xạ như là một thực tế của cuộc sống hiện đại”(!). Còn một thành viên khác thì thêm: “Chúng ta phải làm mọi cách để các cuộc thử được tiếp tục”.

Đám mây hình nấm khổng lồ lan tỏa sau khi VKNT được kích nổ.

Ngay hôm sau (24-2-1955), một đám mây hình nấm khác lại phủ trùm lên Cedar City (tiểu bang Utah). Suốt nhiều giờ liền, bầu trời tối sầm lại, bụi phóng xạ rơi đầy trên mặt đất. Trẻ em nô đùa, hít thở và nếm ăn thử thứ “bụi tuyết” chết người đó. Chị Jimia Snow, một bà mẹ trẻ và là cô giáo dạy vật lý ở St. George nói về đám bụi hồng trong không khí: “Tôi muốn tự vệ khỏi chất phóng xạ, quây bọn trẻ lại quanh tôi. Nhưng biết làm gì với một kẻ thù vô hình, không mùi, không vị, thậm chí không cảm nhận thấy nữa. Thật là khủng khiếp!”.

Rồi đến kế hoạch mang mật danh “Plumbob” bắt đầu từ giữa tháng 4-1957 và kéo dài đến ngày 22-8-1958, trước khi Tổng thống đương nhiệm Dwight D. Eisenhower (1890-1969) cho báo giới biết: “Mỹ và Anh sẵn sàng ký hiệp định cấm thử vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển”. Nhưng chuỗi thử nghiệm VKNT kế tiếp với mật danh “Hardtack I” vẫn được tiếp tục, cho tới tận cuối mùa thu năm 1958. Rồi để nhằm “chạy đua” với thời hạn hiệp định, từ ngày 12-9 đến ngày 30-10-1958, Washington lại xúc tiến thử thêm cho đủ số lượng… gấp đôi của chương trình “Hardtack I”.

10 năm sau vụ thử đầu tiên, có tới 90% số trẻ em Mỹ bị chết là do phóng xạ. Rất nhiều gia đình sống gần các bãi thử VKNT có đa số thành viên bị nhiễm xạ.

Ví như ông Elmer Piket - chủ một cửa hiệu ở St. George, đã tiết lộ với dân biểu kỳ cựu Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Điều tra các tác hại của phóng xạ thuộc Thượng viện Hoa Kỳ: “Trong nhà tôi có tới 9 người chết vì ung thư. Đầu tiên là vợ, rồi đến đứa cháu họ 5 tuổi, một người chị, một em dâu. Kế tiếp tới lượt mẹ vợ tôi, một ông chú, một bà dì và 2 người bà con xa. Dòng họ tôi bao đời nay chưa có người nào bị mắc bệnh ung thư cả”; còn ông Dariel Nixon - chủ một trang trại ở Washington (tiểu bang Utah) cho biết: “Xưa nay trong vùng này đâu có chứng ung thư “lạ hoắc” ấy.

Chỉ sau những vụ thử vũ khí hạch tâm, đại dịch ung thư bắt đầu hoành hành. Trong số nạn nhân có cả con trai tôi mới 13 tuổi đã chết. Bản thân tôi cũng bị chứng ung thư”; hay cô Gloria Gregerson ngụ tại Beverly Hills (tiểu bang Nevada), nhớ lại: “Bụi hồng phủ khắp nơi. Chúng tôi chơi nghịch với chúng như với tuyết. Viết lên thành xe bám dày bụi, rồi về nhà ăn ngay không rửa tay nữa”. Đến cuối năm 1958, Gloria bị ung thư buồng trứng, sau đấy là ung thư gan và ung thư dạ dày.

Tới năm 1970 phát triển qua ung thư da, rồi lìa đời dạo giữa năm 1983 khi chưa đầy 42 tuổi; hoặc trường hợp của bà Janet Gordon, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc kêu gọi chấm dứt các vụ thử VKNT, đã từng thấy cậu em trai Kent 26 tuổi quằn quại đau đớn nhiều ngày trước khi chết ra sao.

“Kent từng có mặt ngoài đồng, tiếp xúc trực diện với bụi nhiễm xạ phủ trên đó - bà J. Gorden cho biết rồi kết luận - Chính phủ đã rắp tâm đánh lừa dân chúng. Chẳng có sự đền bù nào đánh đổi được sinh mạng con người!”.

Thu Hường (theo Sovershenno Skretno)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/hau-qua-lau-dai-cua-cac-vu-thu-vu-khi-nguyen-tu-505073/