Hậu trường cuộc đàm phán để Mỹ và Iran thỏa thuận trao đổi tù nhân

Mỹ và Iran đạt được bước đột phá mang tính lịch sử khi đã thực hiện trao đổi tù nhân hôm 18-9. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những chi tiết hậu trường của các nhà ngoại giao đôi bên để đi đến quyết định cuối cùng đó.

Các công dân Mỹ trở về từ Iran xúc động khi được chính quyền và người thân chào đón

Bí quyết đàm phán ngoại giao

Hôm 16-9, ông Abram Paley - Quyền Đặc phái viên Mỹ về Iran và ông Roger Carstens - Đặc phái viên của Tổng thống về vấn đề con tin đã đến Doha (Qatar) để phối hợp với các quan chức Qatar và Thụy Sĩ về công tác hậu cần cho việc Iran đồng ý thả 5 người Mỹ đang bị giam giữ. Dự kiến, việc trao đổi tù nhân diễn ra vào ngày 18-9.

Hiện tại, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Iran khá căng thẳng dù các cuộc đàm phán đã trải qua nhiều năm để đến đích rõ ràng. Iran thậm chí còn đe dọa không đưa cả 5 người Mỹ vào danh sách phóng thích trừ khi Mỹ làm nhiều hơn. Nhưng thấy câu chuyện đã bị lái đi khá xa, người Mỹ đã nói rõ họ sẽ không về nước nếu không có cả 5 công dân Mỹ và đó là điều không thể thương lượng. Cuối cùng Iran đã nhượng bộ. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ: “Chúng tôi đã giữ vững lập trường của mình, còn Iran đã chấp nhận và đôi bên đi đến quyết định đó”. Những nhà đàm phán người Mỹ cho biết, việc tung ra rào cản là một phần trong chiến lược điển hình của Tehran. “Họ luôn muốn đạt được nhiều hơn. Còn chúng tôi có nguyên tắc và đường lối vững chắc, vì vậy chúng tôi đã trụ vững” - quan chức này nói.

Trong những giờ đàm phán cuối cùng, người Mỹ cảm thấy tự tin về thỏa thuận mà họ đưa ra đủ hấp dẫn để Iran không thể từ bỏ. Theo thỏa thuận, 6 tỷ USD của Iran đã được chuyển từ các tài khoản đang bị phong tỏa ở Hàn Quốc sang các tài khoản bị hạn chế ở Qatar để sử dụng cho các hoạt động mua hàng nhân đạo. Mỹ cũng sẽ thả 5 người Iran khỏi nơi giam giữ của Mỹ. Khoản tiền cuối cùng của Iran đã đến tài khoản ngân hàng ở Qatar vào ngày 18-9. Mỹ đã phối hợp với các quan chức Qatar để thông báo cho Iran rằng, số tiền này đã chuyển đến tài khoản, sau đó 2 bên sẽ thực hiện các bước để trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, khi tiền đã đến và mọi thứ dường như đã được sắp đặt, câu chuyện tưởng đơn giản lại hóa phức tạp. Vài tiếng trước khi những người Mỹ được trả tự do chuẩn bị lên máy bay (của Qatar) từ Iran đến Doha, phía Iran bỗng có sự chậm trễ. Iran đề nghị tất cả mọi người gồm các tù nhân được thả và các nhà ngoại giao ăn trưa tại sân bay Tehran trước khi khởi hành. Nhưng các quan chức Qatar khéo léo từ chối rằng, họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu mọi người không ăn gì trên máy bay Qatar và tránh được sự chậm trễ vào phút chót.

Xúc động chuyến bay trở về

Sau khi vượt qua hàng loạt rào cản, chiếc máy bay chở 5 công dân Mỹ cùng một số người thân của họ đã cất cánh khỏi Tehran lúc 9h ngày 18-9. Khi hạ cánh xuống Doha, họ được 2 đặc phái viên Carstens và Paley chào đón, đưa cho điện thoại di động để gọi cho người thân. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay sau đó cũng đã nói chuyện riêng với từng người trên điện thoại trong hơn 10 phút. Ông Blinken cũng bày tỏ, đó là “một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc”.

Trước đó 1 tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho gia đình những người trong danh sách đàm phán rằng, mọi việc có tiến triển nhưng không thể biết kết quả cuối cùng. Sau khi những người thân của họ được thả, đích thân Tổng thống Joe Biden đã gọi điện báo cho các gia đình đó. Chiều 18-9, chuyến bay đặc biệt đã rời Doha lên đường về Mỹ. Sáng hôm sau, máy bay hạ cánh xuống căn cứ Fort Belvoir ở bang Virginia. Những công dân bị giam giữ ở Iran đặt chân lên đất Mỹ trong vòng tay của những người thân yêu. “Chúng tôi đã về nhà rồi, không thể tin được” - ông Emad Shargi, một trong những người được thả nói khi ôm các con gái của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn với “CNN This Morning” hôm 20-9, ông Roger Carstens - Đặc phái viên của Tổng thống về vấn đề con tin cho biết thêm, chuyến bay về nhà “rất xúc động” khi những người Mỹ lần đầu tiên được tiếp xúc mà không còn bị Iran giám sát. Theo kế hoạch, 5 công dân này sẽ ở lại căn cứ Fort Belvoir khoảng 10 ngày theo chương trình Hoạt động hỗ trợ sau cách ly (PISA) của Bộ Quốc phòng Mỹ rồi mới thực sự trở về với gia đình.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hau-truong-cuoc-dam-phan-de-my-va-iran-thoa-thuan-trao-doi-tu-nhan-post552579.antd