Hậu trường nghề xuất bản qua tác phẩm 'Những con chữ ngoài trang sách'

Tác phẩm 'Những con chữ ngoài trang sách' của tác giả Trần Đình Ba ra mắt độc giả nhân dịp Kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai (21-4-2022 - 21-4-2023).

Sách được chia làm ba phần, trong đó “Phần 1 - Phía sau trang sách” và “Phần 2 - Vui buồn giấy mực” là những bài viết theo dạng chủ đề xoay quanh hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách. “Phần 3 - Cảo thơm lần giở” viết về các tấm gương xưa ham đọc, coi trọng sách vở cùng quan điểm về vai trò của sách, của việc đọc sách từ vua đến quan như Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Minh Mạng cho đến Thiếu Sơn, Thạch Lam

Ở Phần 1 “Phía sau trang sách” tập trung nội dung về xuất bản ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX khi máy móc in ấn của phương Tây được người Pháp đưa sang Việt Nam. Việc ra đời các nhà in nhà nước nửa cuối thế kỷ XIX tạo nền cho xuất bản hiện đại. Sang đầu thế kỷ XX, xuất bản dần chuyển sang tay các nhà xuất bản công và tư, trong đó hai trung tâm xuất bản lớn ở Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng đơn vị xuất bản lớn được đề cập đến có NXB Tân Dân, NXB Mai Lĩnh ở Hà Nội, Tín Đức thư xã ở Sài Gòn. Trung Kỳ cũng góp tiếng nói với Nhà in Tiếng Dân, Nhà in Qui Nhơn… Hoạt động phát hành sách qua hệ thống nhà sách, mối quan hệ tác giả - nhà xuất bản, dịch thuật các danh tác thế giới cũng được đề cập tới. Những con người, công việc góp phần làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm cũng được giới thiệu từ việc “điểm phấn to son” làm bìa, vẽ tranh nội dung, viết lời tựa cho đến sữa chữ sai, lời đề tặng sách của tác giả…

Phần 3 của tác phẩm với tựa đề “Vui buồn giấy mực” điểm qua những con mọt chữ là các tên tuổi Nguyên Hồng, Tô Hoài… Nhiều người nổi tiếng của làng văn làng báo tham gia xuất bản những thất bại như Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu hay Lê Tràng Kiều. Cách làm sách bản đặc biệt thời xưa cũng được đề cập với sự chú trọng về nội dung. Nhiều nhà văn, nhà thơ lấn sân sang lĩnh vực lịch sử là nội dung bài viết “Khi văn thi sĩ lĩnh ấn sử gia”. Phần này, các dòng sách, trào lưu sách tết, gu đọc của độc giả cũng được làm rõ.

Sang Phần 3 “Cảo thơm lần giở”, chúng ta có dịp nhìn lại nhiều tấm gương yêu sách, đọc sách và cả quan điểm của họ về vai trò của sách vở trong đời sống. Vua Lê Thánh Tông thì cho rằng đọc sách giúp cho kẻ sĩ hiểu nghĩa lý, biết giữ mình; vua Minh Mạng thì xem trọng sách vở, cầu sách trong nhân gian không kém gì cầu hiền tài. Những tên tuổi của làng bút mực Thạch Lam, Thiếu Sơn cũng có những quan điểm hữu ích về cách đọc, sự đọc…

Với dung lượng gần 400 trang, tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách là một tài liệu hữu ích giúp chúng ta hồi cố về lĩnh vực xuất bản với những hoạt động cơ bản in ấn, xuất bản, phát hành của ngành xuất bản trong gần 100 năm.

Thông tin tác giả:

Trần Đình Ba

Sinh năm Quý Hợi. Quê quán: Thanh Hóa. Sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghề nghiệp: Biên tập viên

Một số tác phẩm đã xuất bản: Nhà Lê sơ (1428-1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước”; Việt án lần theo trang sử cũ; Đằng sau mặt báo (Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945).

Hoàng Anh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/hau-truong-nghe-xuat-ban-qua-tac-pham-nhung-con-chu-ngoai-trang-sach-c3a51979.html