Hậu trường tăng cường nhận thức về UNCLOS tại Liên Hợp Quốc

Để thoát khỏi cảnh 'hữu danh, vô thực', Nhóm bạn bè UNCLOS tổ chức thảo luận thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức về công ước và gia tăng đồng thuận giữa các quốc gia.

“Năm 2020, Việt Nam và Đức cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nước có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên biển”, Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, chia sẻ với Zing về thời điểm ý tưởng được "thai nghén".

“Năm 2020 có nhiều sự kiện xảy ra, kể cả trên Biển Đông, có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc tế. Tôi và ông Christoph Heusgen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đức trao đổi với nhau rất nhiều về vấn đề này và nảy ra ý tưởng thành lập nhóm bạn bè của Luật Biển 1982”, Đại sứ Quý nói.

Ngày 30/6/2021, Nhóm bạn bè của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức ra mắt tại New York, Mỹ. Đây là thành quả sau nhiều tháng vận động của Việt Nam và Đức, cũng như 12 quốc gia đồng sáng lập nhóm.

Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS được coi như bản “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia. Đến nay, Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Quốc hội Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước.

Quá trình vận động

- Tại Liên Hợp Quốc, "nhóm bạn bè" là gì. Cơ chế này có vai trò gì trong hệ thống Liên Hợp Quốc?

- Nhóm bạn bè là tập hợp không chính thức của các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Đây là hình thức "mềm" để các nước tập hợp với nhau vì những quan tâm, mục tiêu chung.

 Đại sứ Đặng Đình Quý là người góp công lớn vào việc thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Đặng Đình Quý là người góp công lớn vào việc thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Tại New York có 193 phái đoàn đại diện và hàng trăm nhóm bạn bè. Thành phần tham gia và số lượng thành viên từng nhóm rất đa dạng, nhóm ít thì vài chục thành viên, nhóm đông thì bảy, tám chục. Nhóm tích cực thì vài tháng gặp mặt một lần, trong khi đa số các nhóm "hữu danh, vô thực", cả năm không họp lần nào.

Hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc phụ thuộc rất lớn vào đồng thuận của thành viên. Quyết định nào có đồng thuận thì được thực hiện, trong khi quyết định nào được thông qua - dù là đa số phiếu - nhưng không có đồng thuận thì khó được thực hiện. Nhóm bạn bè có đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng đồng thuận

- Đại sứ có gặp khó khăn gì khi thuyết phục các nước đồng sáng lập, tham gia nhóm hay không?

- Có chứ, khi nói về ý tưởng thì ai cũng cho là hay. Nhưng khi chúng ta đề nghị thành lập nhóm thì không phải ai cũng sẵn sàng. Thế nên, ta và Đức cần cùng nhau vận động khi mỗi bên có thế mạnh của mình, có nhóm bạn bè gần gũi của riêng mình. Chúng tôi bàn nhau vận động thành lập nhóm nòng cốt trước, gồm 12 nước, đủ đại diện cho các khu vực địa lý.

Chọn 12 là vì nếu mỗi quý một nước tổ chức một cuộc thảo luận, vừa đủ 3 năm sẽ hết một vòng. Khi đó có thể quay vòng lại các nhóm chủ đề cho mỗi cuộc thảo luận, vì 3 năm là chu kỳ thay các trưởng phái đoàn và nhân viên các phái đoàn. Tuy vậy, để có đủ 12 nước tích cực tham gia vào nhóm nòng cốt, ta và Đức cũng phải mất cả tháng thuyết phục.

- Theo đại sứ, tại sao Mỹ gia nhập Nhóm bạn bè UNCLOS dù quốc gia này không tham gia công ước?

- Không chỉ Mỹ, một số nước chưa ký hoặc ký rồi nhưng chưa phê chuẩn cũng tham gia nhóm. Lý do là họ nhận thức được tầm quan trọng của UNCLOS, họ ủng hộ trật tự pháp lý trên biển. Nhiều nước tuy chưa là thành viên nhưng vẫn tuân thủ UNCLOS.

 Một phiên thảo luận của Nhóm bạn bè UNCLOS. Ảnh: TTXVN.

Một phiên thảo luận của Nhóm bạn bè UNCLOS. Ảnh: TTXVN.

- Việc một số quốc gia chưa phê chuẩn UNCLOS tham gia nhóm bạn bè có ảnh hưởng gì tới hoạt động của nhóm hay không?

- Tôn chỉ mục đích của nhóm được công khai từ khi vận động thành lập, trong đó ghi rõ: Thành viên là các nước thành viên Liên Hợp Quốc, kể cả các nước không có biển, các nước chưa tham gia UNCLOS. Khi đăng ký tham gia nhóm có nghĩa là các nước đã chấp nhận điều này.

“Chưa có biểu hiện mệt mỏi”

- Nhóm bạn bè UNCLOS đang được hoạt động theo cơ chế, cách thức nào? Làm thế nào để Nhóm bạn bè UNCLOS hoạt động tích cực và hiệu quả, không “chết” như rất nhiều nhóm bạn bè khác?

- Nhóm họp thường kỳ 3 tháng một lần, mời một học giả hoặc chuyên gia - kể cả thẩm phán có chuyên môn sâu về UNCLOS - trình bày về một chủ đề. Tiếp đó, các nước phản biện, thảo luận, qua đó nâng cao nhận thức về UNCLOS và gia tăng đồng thuận.

Nhóm sẽ không bao giờ “chết” vì chủ đề thảo luận và mối quan tâm của các nước luôn rất phong phú, đa dạng. Các cuộc thảo luận cũng không quá căng thẳng vì chủ yếu là tranh luận với học giả, chuyên gia.

- 12 quốc gia đồng sáng lập nhóm có vai trò thế nào trong việc điều hành nhóm? Việt Nam và Đức - hai quốc gia đưa ra sáng kiến - có vai trò đặc biệt nào không?

- 12 nước có vai trò như nhau, thay nhau tổ chức các cuộc thảo luận. Tất nhiên, Việt Nam và Đức cũng cần điều phối, hỗ trợ các nước khác khi họ đứng ra tổ chức và sẵn sàng "bọc lót" khi cần để đảm bảo chương trình hoạt động của nhóm diễn ra đúng mục tiêu, đúng kế hoạch.

- Các nước lớn có cố gắng tìm cách tác động đến hoạt động trong nhóm bạn bè không? Nếu có, nhóm đã làm cách nào để ứng phó?

- Tôn chỉ mục đích ghi rõ vai trò của 12 thành viên sáng lập trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động của nhóm. Nhóm các thành viên sáng lập làm đúng vai trò của mình.

 Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại buổi chiêu đãi dành cho các thành viên Nhóm bạn bè UNCLOS do Việt Nam chủ trì hôm 14/6. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, phát biểu tại buổi chiêu đãi dành cho các thành viên Nhóm bạn bè UNCLOS do Việt Nam chủ trì hôm 14/6. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

- Theo đại sứ, thành tựu lớn nhất mà Nhóm bạn bè UNCLOS đạt được kể từ khi thành lập tới nay là gì?

- Thành tựu quan trọng nhất là gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của Luật Biển và áp dụng Luật Biển. Từ khi thành lập, số thành viên liên tục tăng lên, hiện đã là 115, đông nhất trong các nhóm bạn bè tại Liên Hợp Quốc. Cho đến nay, đây cũng là nhóm hoạt động đều nhất và chưa có biểu hiện "mệt mỏi".

- Việc hoạt động của nhóm đối mặt với thách thức nào?

- Hiện tại thì chưa vì nhóm tránh các chủ đề phức tạp, nhạy cảm với các thành viên cụ thể. Nhưng nhóm sẽ gặp thách thức khi có thành viên nào đó vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và bị các thành viên khác phê phán gay gắt.

- Theo đại sứ, Nhóm bạn bè UNCLOS cần làm gì trong thời gian tới?

- Tiếp tục hoạt động theo phương châm "tích cực và hiệu quả" thì nhóm sẽ có vai trò ngày càng cao tại Liên Hợp Quốc.

Theo giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia), các nhóm bạn bè là "công cụ ngoại giao quan trọng giúp tăng sức mạnh cho các nước nhỏ, vốn không có nguồn lực lớn. "Đây cũng là kênh để triển khai và thúc đẩy thảo luận", ông nói với Zing.

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhận định với Zing rằng Nhóm bạn bè UNCLOS đã tạo thêm một diễn đàn không chính thức để cùng nhau chia sẻ, trao đổi các thông tin, quan điểm…

Theo đó, nhóm có thể "bảo vệ và giữ cho UNCLOS được tôn trọng và được thực thi một cách một cách đúng đắn, bảo đảm tính khoa học, khách quan, xứng đáng là một 'Hiến chương xanh' của nhân loại", tiến sĩ Trục cho biết.

Việt Hà - Lan Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-truong-tang-cuong-nhan-thuc-ve-unclos-tai-lien-hop-quoc-post1330692.html