Hãy chấp hành Luật Giao thông ngay từ khi dắt xe ra khỏi nhà

Trong khi Nhà nước từng bước áp dụng các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông thì trước hết, mỗi người dân khi tham gia giao thông phải nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp về an toàn giao thông. Nói cách khác, hãy chấp hành Luật Giao thông 'ngay từ khi dắt xe ra khỏi nhà'.

Đây là yêu cầu trước tiên mà mỗi người khi tham gia giao thông phải tuân thủ, một yêu cầu thật đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện tốt trên cả hành trình.

Trang tin csgt.vn của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Tổng cục VII- Bộ Công an) có mục thường xuyên cập nhật thông tin về số vụ TNGT ngay trong ngày. Chúng ta sẽ thật buồn khi biết ngày nào cũng có trung bình hơn 20 vụ TNGT, làm chết khoảng 20 người và nhiều người bị thương…

Cũng từ đó có thể thấy rằng ngày nào số người thiệt mạng về TNGT còn chưa giảm thì ngày đó đất nước còn mất nhiều tiền của để giải quyết hậu quả và quan trọng hơn là ta đang mất đi những nguồn lực về lao động, trí tuệ để phát triển đất nước, gia đình mất người thân… Đó là những mất mát không thể định lượng được.

Nguyên nhân của nạn ùn tắc (ở các thành phố lớn) và TNGT có nhiều như do hạ tầng chưa theo kịp sự gia tăng phương tiện, công tác quản lý giao thông còn nhiều bất cập, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt, phương tiện cơ giới không đảm bảo chất lượng…

Nhận thức được những bất cập này, nhiều năm qua Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực giao thông nhằm hạn chế tai nạn và số người chết và cũng là để tạo ra nguồn lực hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, xét về mục tiêu hạn chế TNGT bằng các giải pháp quan trọng như quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, sắp xếp, phân bố lại dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng (xây dựng đường xá đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống vận chuyển hành khách hiện đại, an toàn như Metro, ATR,…, tăng cường năng lực kiểm định chất lượng phương tiện giao thông,…) bằng các hình thức liên kết kinh tế thì chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong hạn chế TNGT, bởi những giải pháp này cần nhiều nguồn lực đầu tư, cần thời gian để hoàn thành.

Hiện ngành Giao thông cũng đang tăng cường công tác quản lý và huy động các nguồn lực để đảm bảo tốt nhất cho chất lượng cơ sở hạ tầng, kiểm soát chất lượng các phương tiện cơ giới.

Cùng với các giải pháp lâu dài, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) như Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế và ùn tắc giao thông, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ,…

Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã không ngừng nỗ lực thực hiện các kế hoạch, giải pháp để kiềm chế TNGT và số người thương vong vì TNGT. Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT luôn là nhiệm vụ đứng đầu trong các quy định, Nghị quyết của Chính phủ, địa phương về lĩnh vực này… Và những giải pháp của Chính phủ sẽ phát huy tối đa được tác dụng nếu có sự hưởng ứng tự giác hoàn toàn từ người dân mà trước hết là việc chấp hành luật giao thông “ngay từ cửa nhà”.

Việc chấp hành luật giao thông đơn giản là đi đúng làn đường quy định, đi đúng tốc độ cho phép, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, không vượt ẩu, hay đơn giản nhất như dừng xe khi gặp đèn đỏ… có thể giúp bạn bảo vệ bản thân mình và của cả người khác.

Là người trực tiếp tuần tra, kiểm soát giao thông trên quốc lộ 5, Trung tá Nguyễn Văn Tòng- Đội trưởng Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) trong lần trả lời báo chí gần đây cho biết nguyên nhân xảy ra TNGT vẫn chủ yếu là do phương tiện chạy quá tốc độ, tránh vượt không đảm bảo an toàn và đặc biệt là đi sai làn đường, và đó đều là những tai nạn thảm khốc.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ chiếc xe khách 48K-5868 bị lũ cuốn trôi hồi tháng 10/2010 ở Hà Tĩnh, khiến 20 người chết mà nguyên nhân là do lái xe đã phớt lờ cảnh báo của CSGT Hà Tĩnh để cố tình đi vào đoạn đường nguy hiểm… Những dẫn chứng về nguyên nhân TNGT do lái xe vi phạm quy định về ATGT có thể kể thêm rất nhiều… Như vậy có thể thấy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu tuân thủ các quy định thì TNGT sẽ giảm đáng kế. Đó là điều chắc chắn.

Năm 2012 được xác định là Năm An toàn giao thông quốc gia, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đảm bảo TTATGT sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết nhằm thiết lập kỷ cương trật tự ATGT trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.

Như vậy, ATGT vốn là vấn đề nóng bỏng nhiều năm qua nay đã được chúng ta tập trung sức lực để giải quyết và việc thiết lập kỷ cương ATGT là sự lựa chọn đúng và trúng.

Bộ Công an cũng đã đề ra 8 giải pháp đảm bảo TTATGT trong đó có việc phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân để đảm bảo TTATGT.

Trong thông điệp về Năm An toàn giao thông quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Giảm TNGT và ùn tắc là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và toàn xã hội. Hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm bảo trật tự và ATGT”.

Như vậy chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT sẽ là biện pháp trực tiếp góp phần giảm ùn tắc và TNGT một cách nhanh nhất. Chấp hành pháp luật giao thông không có gì là xa lạ, đơn giản chỉ là đi đúng làn đường, đi đúng tốc độ, không say xỉn khi lái xe… để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, người thân và những người khác.

Đừng để sự đã rồi mới nghĩ đến chấp hành pháp luật mà hãy thực hiện nghiêm khi bạn “dắt xe ra khỏi nhà”.

Thành Chung

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/hay-chap-hanh-luat-giao-thong-ngay-tu-khi-dat-xe-ra-khoi-nha/20121/123293.vgp