Hãy chung tay bảo vệ trái đất này

Miền Trung, miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đang vào những ngày nắng nóng kỷ lục. Nền nhiệt tại Hà Nội có lúc lên tới gần 50 độ C khiến đời sống của nhân dân bị đảo lộn.

Khắp nơi trên thế giới trong tuần này đều một màu đỏ lực, nhiệt độ rất cao

Khắp nơi trên thế giới trong tuần này đều một màu đỏ lực, nhiệt độ rất cao

Và không chỉ riêng Việt Nam mà nhìn vào bản đồ nhiệt, cả thế giới đang một màu đỏ rực. Các quốc gia vốn mang tiếng lạnh như Nga, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada… những ngày này cũng đang chịu cái nóng “khủng khiếp”. Rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính đã thực sự “gõ cửa” hành tinh của chúng ta.

Có một nhà khoa học nói rằng, không bộ óc con người nào vĩ đại bằng tạo hóa công khi đã sinh ra muôn loài, muôn sự vật trên trái đất và vũ trụ này để vạn vạn vật, trong đó có con người tồn tại. Những sáng chế, phát minh khoa học suốt chiều dài lịch sử cũng chỉ là chắt lọc những gì có từ tự nhiên để phục vụ nhu cầu con người. Tuy nhiên, không có gì là vô hạn và cũng chẳng có gì là vĩnh cửu. Tiềm năng của tự nhiên cũng vậy. Nếu chúng ta khai thác một cách quá đà sẽ dẫn đến mất cân bằng tự nhiên, cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt.

Phát triển ngắn với không gian xanh là góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt nhất (ảnh một góc Hồ Tây)

Những yếu tố cấu thành cho sự tồn tại của trái đất là khoáng sản, rừng, nguồn nước… thì trong vòng gần 50 năm qua đã bị khai thác một cách thảm hại. Hàng nghìn nhà máy lọc dầu được mọc lên, hàng triệu ô tô được xuất xưởng mỗi năm; hàng triệu tấn khoáng sản được đào lên để sử dụng đi kèm đó hàng triệu ha rừng bị biến mất khiến rất nhiều loài bị tuyệt chủng; tại các đô thị, nhà cao tầng mọc lên san sát… Những yếu tố trên đã và đang dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng, gây ra biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm cho bão lũ, nắng nóng ngày càng diễn biến bất thường. Những thảm họa thiên nhiên bão lũ, nước biển dâng, nắng nóng bất thường diễn ra tần suất ngày một giày là minh chứng sống động.

Ở nước ta, dẫu công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng, song thực tế vấn nạn môi trường ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Hệ lụy của vấn đề này vẫn xoay quanh việc lạm phát trong khai thác tài nguyên. Ngay tại Hà Nội, những ngày nóng đỉnh điểm này mới thấy hết sự kỳ vĩ của tự nhiên và tầm quan trọng của việc trồng mới 1 triệu cây xanh. Với nắng nóng như hiện tại, nhiệt độ chỉ dao động từ 35- 38 độ, song do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhà cao tầng mọc lên quá nhiều, phương tiện tham gia giao thông lớn dẫn đến tích tụ nhiệt làm cho nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 50 độ C. Những ngày này, vào các khu chung cư đời mới và các ngôi nhà do Pháp xây hoặc những chung cư cũ mới thấy hết sự khác biệt.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà cao tầng mọc lên san sát làm cho lượng điện tiêu thụ nhiều và nền nhiệt cũng không ngừng tăng những ngày nắng nóng (một góc độ thị mới của Hà Nội- ảnh Tiền Phong)

Bên cạnh sự hào nhoáng bề ngoài, đa số chung cư đời mới đều sử dụng rất nhiều kính, tường lại rất mỏng nên hấp thụ nhiệt cực lớn. Hấp thụ nhiệt lớn, thì lượng điện sử dụng càng nhiều. Nói một cách ngắn gọn, vào nhà nếu không bật điều hòa thì không thể nào chịu nổi. Và hãy tưởng tượng, một khu đô thị mới bao gồm khoảng 3 - 4 tòa nhà dân số tính ra bằng một xã. Chỉ cần lượng khí nóng từ điều hòa phát ra không khí cũng đủ để nền nhiệt tăng thêm 1-2 độ. Trong khi, lượng tiêu thụ điện thì không ngừng gia tăng.

Tự nhiên không phải là vô hạn, bởi thế tính cấp bách của vấn đề là từ các cơ quan hoạch định chính sách, đến mỗi doanh nghiệp, người dân phải biết chung tay bảo vệ môi trường sống. Nhớ lại lần gặp gỡ với cố GS Võ Quý- chuyên gia về sinh học hàng đầu Việt Nam khi được hỏi nếu tính tuổi đời của hành tình theo 24 tiếng kim đồng hồ, thì hiện tại trái đất đang ở kim thứ mấy? GS trả lời: Kim thứ 11! Có lẽ đây là vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ.

Nên đưa giáo dục môi trường vào học đường bằng những hình thức sống động nhất sẽ phát huy hiệu quả (ảnh mang tính minh họa)

Nhớ lại thời còn bé, những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi lần sinh hoạt trại hè chúng tôi đều hát bài Tiếng chuông và Ngọn cờ. Trong đó, có những đoạn: “Trái đất thân yêu lòng chúng em xiết bao tự hào/ Một quả cầu đẹp tươi lung linh giữa trời sao/Trái đất chính là nhà bao gắn bó thiết tha/ Và bạn nhỏ gần xa đấy chính gia đình của ta…./Thế giới quanh em bừng sáng lên mỗi sớm bình minh/ Bàn tay em điểm tô cho trái đất đẹp xinh”; Hoặc bài hát “Trái đất này là của chúng mình” của nhạc sĩ Trương Quang Lục có những đoạn vô cùng ý nghĩa: “Trái đất này là của chúng mình/Cùng xiết tay môi thắm cười xinh/Bình minh ơi khúc ca này êm ấm/Học chăm ngoan đắp xây đời tươi sáng/Hành tinh này/ Là của chúng ta/Hành tinh này/ Là của chúng ta!”.

Ý nghĩa là vậy, nhưng tiếc thay những ca từ này hiện vang lên trong nhà trường khá ít, bù lại trong những giờ tập thể dục hay ngoại khóa đâu đâu trong các ngôi trường từ mầm non, tiểu học ở Hà Nội cũng vang lên những âm điệu trong bài hát Bông bống Bang cách tân vô cùng nhàm chán để các cháu tập. Bởi thế, để mẹ thiên nhiên không nổi giận, để hành tinh này mãi tồn tại, để làm giảm cường độ biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính… ngoài sự chung tay của các quốc gia đứng đầu là chính phủ các nước, điều quan trọng mỗi quốc gia nói chung, trong đó có Việt Nam chúng ta phải đưa giáo dục môi trường vào học học đường bằng những hình thức sống động nhất.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hay-chung-tay-bao-ve-trai-dat-nay-75974.html