Hãy cùng gióng hồi chuông tưởng nhớ…

Việt Nam là đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh và chưa bao giờ thực sự yên bình. Viết về lịch sử, chiến tranh, viết về các liệt sĩ, thương binh luôn là đề tài lớn. Đây cũng chính là một phần của lịch sử. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ đã làm việc hết mình để vinh danh lịch sử và những con người đã làm nên lịch sử. Bản thân tôi cũng luôn canh cánh điều đó. Đi nhiều, nghe nhiều và viết cũng rất nhiều với nhiều thể loại khác nhau, thế nhưng tôi vẫn thấy những gì mình đã và đang làm vẫn còn chưa đủ.

Có lẽ không ở đâu như ở Việt Nam, đi đâu ta cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ. Hầu như làng nào, xã nào, địa phương nào cũng có nghĩa trang. Chúng ta còn có hai nghĩa trang lớn ở tầm Quốc gia là NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN và NGHĨA TRANG ĐƯỜNG 9. Nơi yên nghỉ của hàng vạn những người anh hùng vô danh. Và trong mỗi gia đình Việt Nam, hầu như gia đình nào, dòng họ nào cũng có người chết trận. Có bà mẹ 11 người con, bao gồm cả con trai, con gái, con rể, con dâu đều là liêt sĩ. Có bà mẹ chỉ có một người con thì giọt máu duy nhất ấy cũng đã hy sinh. Sự hy sinh ấy lớn biết chừng nào. Nếu trên mộ mỗi liệt sĩ của chúng ta, chỉ cần thắp lên một ngọn nến, thì đêm nào trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta cũng sáng rực lên như một dải Ngân hà. Đó là dải Ngân hà cháy trên mặt đất. Vậy mà hiện nay, chúng ta vẫn còn trên 300.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Đó là nỗi day dứt khôn nguôi trong mỗi người Việt Nam chúng ta.

Tôi nhớ, có lần đi cùng đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào nghĩa trang Trường Sơn trong dịp 27-7. Đoàn đi trong đêm. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch nước đi bằng tầu hỏa, ăn cơm nắm với muối trắng, uống nước gạo rang như những người lính ra trận năm xưa, và dọc đường, hai bên thành tầu, trong mỗi toa tàu đều vang lên những bài ca của thời chiến trận. Khi Chủ tịch nước cùng các tùy tùng thả hoa xuống dòng Thạch, lập tức nhói lên hai bên bờ là bản nhạc Hồn tử sĩ và ca khúc phổ bài thơ của thi sĩ Lê Bá Dương, một người lính của Thành cổ Quảng Trị năm xưa: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi, vỗ ngàn năm”. Tôi chợt bàng hoàng nhận ra rằng, hóa ra, con sông trong vắt và buốt như nước mắt kia lại là một nghĩa trang bằng nước. Và khi tôi trở lại Trường Sa, trước khi vào đảo, chúng tôi thả hoa xuống biển để tưởng nhớ những đồng đội không còn trở về của mình, tôi cũng choáng ngợp nhận ra cả một dải Biển Đông mênh mông bát ngát kia cũng là một nghĩa trang bằng nước. Trên dải đất hình chữ S này, còn bao nhiêu những con sông, con suối là những nghĩa trang bằng nước như thế?

So với lịch sử thế giới thì mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ở Việt Nam kể cả những cuộc chiến đấu bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc ở dọc các vùng Biên giới và Hải đảo vẫn còn là một bí mật mà chúng ta cần tiếp tục khai thác, tìm hiểu và tri ân. Ngoài hàng triệu các liệt sĩ chúng ta còn hàng triệu các thương binh, bệnh binh, những người vẫn mang trên mình vết thương chiến tranh. Đối với những con người quả cảm ấy, cuộc chiến tranh chưa hề kết thúc, dù tiếng súng đã tắt trên toàn vẹn lãnh thổ ngót gần nửa thế kỷ nay.

Tôi lại nhớ một nhà sử học của Đức. Ông bảo, muốn hiểu Việt Nam, thì khi sang Việt Nam, chỉ cần mua một cái xe đạp. Xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng đừng ngại. Hãy tạt ngay vào vệ đường. Ở đó luôn có sẵn những ông bơm vá, sửa chữa xe đạp hay xe máy. Và đừng nghĩ họ là người bình thường. Ở Việt Nam không có người tầm thường. Họ đều là những anh hùng trong chiến tranh. Trong họ chứa một phần lịch sử của đất nước họ và cả một phần lịch sử của nhân loại nữa. Nhưng đừng dại mà hỏi họ, nhất là người ngoại quốc. Nếu cứ tò mò hỏi, họ sẽ nghi ngay mình là một tên gián điệp quốc tế. Bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ đã tôi luyện cho họ có một đức tính cảnh giác đến đa nghi. Nhưng nếu cứ mở lòng, chân thành và luôn mang đến cho họ nụ cười thân thiện thì họ sẽ chia sẻ hết, không giữ cái gì trong bụng cả vì người Việt rất xởi lởi..”.

Việt Nam là đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh và chưa bao giờ thực sự yên bình. Viết về lịch sử, chiến tranh, viết về các liệt sĩ, thương binh luôn là đề tài lớn. Đây cũng chính là một phần của lịch sử. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ đã làm việc hết mình để vinh danh lịch sử và những con người đã làm nên lịch sử. Bản thân tôi cũng luôn canh cánh điều đó. Đi nhiều, nghe nhiều và viết cũng rất nhiều với nhiều thể loại khác nhau, thế nhưng tôi vẫn thấy những gì mình đã và đang làm vẫn còn chưa đủ.

Tri ân liệt sĩ, là công việc hàng ngày. Đặc biệt vào những ngày lễ tết, như ngày 30 tháng Tư, ngày mồng 2 tháng 9, ngày 22-12, ngày Toàn quốc kháng chiến, đặc biệt ngày Thương binh Liệt sĩ, chúng ta nên giành ít phút để tưởng nhớ những người đã khuất. Tôi luôn ấp ủ một mong muốn, và thiết tha kính mong Đảng, Chính phủ và Nhà nước chọn một thời khắc, nên chăng là lúc 9 giờ, 9 phút, 9 giây ngày 27-7 hằng năm, ngày mà Bác Hồ đã lựa chọn để tri ân các Thương binh, Liệt sĩ, và vào thời khắc ấy, tất cả các ngôi chùa và cả nhà thở ở Việt Nam cùng dóng lên 9 thồi chuông để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người lính đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà. Nhất là trong những ngày này, khi cả nước đang kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, ngày Thống nhất đất nước hãy gióng lên hồi chuông để tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất. Đó là một việc làm mà tôi nghĩ, không khó thực hiện nhưng lại rất dễ để các thương binh, liệt sĩ và người thân của họ cảm nhận được sự động viên, an ủi và biết ơn của chúng ta đối với những người đã xả thân vì nền độc lập tự do của dân tộc. Người chết chỉ chết khi chúng ta quên họ, không còn nghĩ đến họ nữa. Chúng ta luôn biết ơn họ thì họ còn sống mãi. Và cùng với mỹ tục đó, chúng ta thiết tha mong các địa phương, hãy rà lại trên địa bàn mình những bố mẹ, vợ con các liệt sĩ, rồi các thương binh bệnh binh, để không ai phải đói rét, bần hàn và thất học. Đó là những việc làm cụ thể thiết thực để chúng ta tri ân với những người có công với nước…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hay-cung-giong-hoi-chuong-tuong-nho%E2%80%A6-61405