Hãy để CSGT đi cùng xe buýt nhanh, xe nào cản trở phạt luôn cho hãi!

Để CSGT ngồi luôn trên xe buýt nhanh, trong quá trình di chuyển, nếu thấy phương tiện nào cố tình cản trở, không chịu nhường đường thì xuống xử lí luôn. Mất tiền một lần là 'kinh' ngay.

Sau thời gian chạy thử nghiệm kỹ thuật không tải, ngày 29/12, tuyến xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã – Yên Nghĩa bắt đầu đón những hành khách đầu tiên.

Cả đoàn xe 24 chiếc chạy theo đúng biểu đồ vận hành tuyến, với tần suất 5 phút, 10 phút và 15 phút/chuyến tùy thuộc vào từng khung giờ khác nhau. Hành khách trong ngày đầu tiên trải nghiệm xe buýt nhanh đều ghi nhận chất lượng dịch vụ tốt, phương tiện hiện đại, dễ dàng tiếp cận. Một số hành khách cho rằng thời gian di chuyển của BRT chưa nhanh hơn so với xe buýt thông thường.

Theo đại diện Ban quản lý Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, thời gian xe buýt nhanh chạy từ bến Yên Nghĩa đến Kim Mã mất khoảng 56 phút, chưa đạt tốc độ như thiết kế. Nguyên nhân là do rất nhiều phương tiện chưa tuân thủ chỉ dẫn, vẫn đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh.

Cô gái "cứng" nhất thủ đô, một mình chặn đầu xe buýt nhanh. Ảnh internet.

Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng chưa tiến hành cấm các phương tiện xe máy, taxi đi lên cầu vượt Láng Hạ, Lê Văn Lương như kế hoạch đặt ra. Nếu BRT chạy trong dòng phương tiện hỗn hợp như vậy thì sẽ khó cải thiện được tần suất, thời gian hoạt động so với xe buýt thông thường.

Liên quan đến việc xe buýt nhanh “bò” sau ô tô, xe máy giờ cao điểm, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết đã lường trước và khó tránh khỏi vì người dân chưa quen.

“Tất cả biển báo có hiệu lực nhưng do người dân chưa quen, thậm chí có biển cấm rẽ trái và cấm xe máy đi lên cầu người dân vẫn đi vào nên lực lượng thanh tra phải thường xuyên nhắc nhở. Phải mất một thời gian tuyên truyền, hướng dẫn thì người dân sẽ quen dần”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, tình trạng các phương tiện đi vào đường dành cho buýt nhanh sẽ khó giải quyết được nếu như không có các biện pháp mạnh, cứng rắn. Chỉ tuyên truyền không thôi chưa đủ.

Bởi ý thức tham gia giao thông của người dân Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng quá kém. Rất nhiều người chỉ tuân thủ quy định giao thông khi có sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Chỗ nào vắng bóng công an là lại mạnh ai người nấy chạy.

Bức tranh giao thông thủ đô được thể hiện rõ nhất là đến giờ cao điểm. Giao thông tại các ngã ba, ngã tư Hà Nội y như một trận đánh lớn trong phim Trung Quốc. Bên này còn vài giây nữa đến đèn xanh thì “quân” đã đồng loạt nhao lên, bên kia vài giây nữa đến đèn vàng thì cũng nhanh nhanh chóng chóng vọt qua cho đỡ phải chờ mấy chục giây đèn đỏ. 4 phía cùng lao lên vội vàng, hối hả tạo nên sự hỗn loạn, nguy hiểm cho tất cả mọi người.

Với khó khăn như hiện nay của xe buýt nhanh, tôi kiến nghị cơ quan chức năng sau một thời gian tuyên truyền cho người dân, nếu không có hiệu quả thì cần có biện pháp mạnh, cứng rắn.

Hãy để một số CSGT ngồi luôn trên xe buýt nhanh, trong quá trình di chuyển, nếu thấy phương tiện nào cố tình cản trở, không chịu nhường đường thì xuống xử lí luôn, có thể bằng cách lập biên bản, giữ bằng lái, giấy tờ xe và hẹn thời gian, địa chỉ đến giải quyết. Mất tiền một lần là “kinh” ngay.

Có thể nhiều người cho rằng cách trên là không khả thi, bởi như thế thì bao nhiêu CSGT cho đủ. Tuy nhiên, tôi thấy cả TP Hà Nội có đến mười mấy đội CSGT, chỉ cần mỗi một đội cử ra một đồng chí tham gia cùng xe buýt nhanh thì thừa sức làm được việc này. Ngoài ra có thể huy động các lực lượng khác.

Đối với người tham gia giao thông ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, không thể “nói chuyện” với nhau “nhẹ nhàng” mà hiệu quả được, phải bằng pháp luật!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

VIẾT CƯỜNG

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hay-de-csgt-di-cung-xe-buyt-nhanh-xe-nao-can-tro-phat-luon-cho-hai-d112025.html