Hãy để khoa học 'dẫn dắt' vùng biên giới

'Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện đề án có hiệu quả, tôi cho rằng, Nhà nước cần huy động các trường đại học, viện nghiên cứu nông nghiệp cùng vào cuộc, để thực hiện trực tiếp những mô hình chăn nuôi, trồng trọt... ngay tại các cụm dân cư'. Đó là ý tưởng hay, đầy sáng tạo của Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Biên phòng.

Đồng chí Mê Văn Đạt. Ảnh: Hải Luận

Đồng chí Mê Văn Đạt. Ảnh: Hải Luận

Dân hiểu sâu kinh tế nông nghiệp

- Qua 12 năm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã biên giới, đồng chí thấy ở những nơi xa xôi, khó khăn, người dân cần gì nhất?

- Xã miền núi, biên giới cần rất nhiều thứ. Điều quan trọng nhất phải trao cho người dân phương thức sản xuất. Lâu nay, bà con vất vả quanh năm, làm quần quật trên nương rẫy, thế nhưng một bộ phận người dân vẫn còn nghèo. Muốn phát triển nhanh, mạnh cần phải có khoa học “dẫn dắt” cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bây giờ cần thay đổi cách làm cũ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bằng những con người cụ thể, dự án thiết thực. Ví dụ, chăn nuôi theo hướng hàng hóa là như thế nào? Kinh tế nông nghiệp thì triển khai ra làm sao? Nuôi sạch, trồng sạch phục vụ du lịch, cụ thể đó là cái gì? Thậm chí, kinh tế thương mại xuất khẩu được thể hiện dưới dạng ngắn gọn và trực tiếp để bà con dễ hình dung ra và bắt tay làm được.

Tùy theo nông hộ của từng vùng, xã và cơ cấu theo cấu trúc địa hình, thổ nhưỡng đất đai, từ đó, trường đại học, viện nghiên cứu thảo luận với chính quyền địa phương để cùng xây dựng những mô hình thích hợp. Và mô hình đó phải không quá lớn, vượt khả năng làm theo của người dân trong vùng. Tất cả vì mục tiêu, khi xong dự án, các trường, viện rút đi, người dân tự đứng ra tổ chức sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch... có năng suất và giá trị kinh tế gấp 2-3 lần so với khi chưa có dự án đưa vào. Người dân sẽ giám sát khả năng và trình độ ứng dụng khoa học vào thực tiễn của trường đại học, viên nghiên cứu. Mô hình nuôi heo, gà, cá..., vườn cây trồng của trường, viện phải đạt năng suất cao hơn của người dân, thì mô hình đó mới thành công. Sau 1 - 2 năm thực hiện dự án, trường đại học và viện sẽ chuyển sang vùng khác triển khai tiếp.

- Tại xã Đàm Thủy đã triển khai những mô hình nào gọi là “vượt khả năng” hiểu biết của người dân chưa?

- Có rồi. Xã Đàm Thủy có danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, do Công ty Cổ phần Du lịch Cao Bằng khai thác, người dân cũng chỉ làm những dịch vụ nhỏ lẻ. Thấy nhiều mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên ti vi, nhưng chưa ai đụng đến nó bao giờ. Chúng tôi đã đưa cán bộ xã và nhiều hộ dân đi tham quan cách làm du lịch ở các nơi khác, như: Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Đồng Văn (Hà Giang), Bản Lác (Hòa Bình), Pác Ngòi (Bắc Kạn)... Lúc đầu làm, chúng tôi chọn 10 nhà đầu tiên, xã và dân ngồi lại họp bàn mãi, mà chẳng ai dám đi tiên phong đầu tư làm du lịch tại nhà (homestay). Xã quyết định chọn hộ của anh Nông Ích Sĩ (Yến Nhi-Homestay) làm trước, sau một thời gian, hộ này làm tốt, có thu nhập khá. Từ đó, người dân trong vùng đến tham quan, rút kinh nghiệm và làm theo. Hiện nay, cả xã đã có 12 hộ làm du lịch cộng đồng tại nhà.

Xã Đàm Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 1.000ha đất phục vụ du lịch. Những đợt lễ hội ở thác Bản Giốc, du khách đến đây tăng từ 8 đến 10 lần. Vấn đề đặt ra cho địa phương là cần có khu đất nông nghiệp sản xuất các loại thực phẩm phục vụ du lịch, mở ra các trung tâm dạy tiếng Anh, tiếng Trung Quốc... Vì vậy, cần lắm các trường đại học, viện nghiên cứu nông nghiệp hỗ trợ người dân vùng biên giới các mô hình sản xuất, dịch vụ, kinh tế nông nghiệp.

“Cú hích” phát triển du lịch

- Phát triển du lịch ở khu vực thác Bản Giốc hiện nay đang bị giới hạn, chưa phát huy tiềm năng to lớn của thắng cảnh tuyệt đẹp này, từ đó, dẫn đến địa phương cũng chưa “lấy” được nhiều tiền của du khách. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

- Những năm gần đây, có nhiều đoàn của Trung ương, của tỉnh đến Đàm Thủy khảo sát, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến... Các bộ, ngành đang xúc tiến đàm phán với phía Trung Quốc để xây dựng các công trình theo Hiệp định hợp tác, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) phục vụ phát triển du lịch giữa hai nước, xung quanh khu vực thác Bản Giốc. Theo đề nghị của hai bên, du khách của hai nước được qua lại trong phạm vi giới hạn của hiệp định quy định. Nếu vấn đề này thành hiện thực, nó sẽ trở thành “cú hích” quan trọng cho phát triển du lịch vùng biên giới này. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều được hưởng lợi. Phía Trung Quốc đang đề nghị mỗi ngày có 1.000 du khách sang Đàm Thủy. Chúng tôi dự kiến, khi thực hiện hiệp định, khách du lịch sẽ tăng gấp 5 lần so với hiện tại.

Du khách thưởng ngoạn thác Bản Giốc. Ảnh: Hải Luận

- Thời gian tới sẽ có lượng lớn khách du lịch đổ về đây, các dịch vụ cũng theo đà phát triển nhộn nhịp theo. Vậy, liệu cán bộ xã biên giới có đủ khả năng quản lý hành chính không, thưa đồng chí?

- Cán bộ là “xương sống” của mọi công việc. Đây là câu chuyện tôi đã theo đuổi hơn 10 năm nay, lúc tôi từ Đồn Biên phòng Đàm Thủy về xã tăng cường, nhìn thấy nền nếp và công tác quản lý của cán bộ xã còn nhiều khâu yếu, mặt yếu. Muốn thay đổi căn bản lề lối làm việc của cán bộ xã, phải có đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản. Dưới miền xuôi thì rất dễ, nhưng ở vùng biên giới xa xôi này đòi hỏi phải kiên trì, vừa tìm người, vừa thử việc, vừa đào tạo tại chỗ, vừa gửi đi đào tạo dài hạn ở các trường đại học. Đến hôm nay, sau nhiều nỗ lực, xã Đàm Thủy đã có đủ cán bộ chủ chốt được đào tạo cơ bản, cách làm việc rất chuyên nghiệp. Hiện nay, xã có 20 cán bộ công chức, trong đó có 15 cán bộ trình độ đại học, 2 cán bộ trình độ cao đẳng, 3 cán bộ trình độ trung cấp, 100% là người dân tộc ở trên địa bàn. Với đội ngũ cán bộ như thế, tôi tin chắc sẽ đủ sức vận hành mọi công việc.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Năm 2007, Thượng tá Mê Văn Đạt, công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng, nhận quyết định tăng cường cho xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Suốt 12 năm liên tục giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, 9 năm đảm nhiệm thêm chức Chủ tịch UBND xã, Thượng tá Mê Văn Đạt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc cho xã biên giới Đàm Thủy.

Hải Luận - Đăng Bảy (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hay-de-khoa-hoc-dan-dat-vung-bien-gioi/