Hãy hành động vì quyền của trẻ em gái

Bằng những câu chuyện sắc nét đang diễn ra hằng ngày, 100 đại biểu trẻ em đã mang đến Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018 một hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng, vấn đề, thách thức mà hàng triệu trẻ em gái Việt Nam vẫn đang phải đối mặt ở nơi công cộng, trên đường đến trường và trong cả quá trình phát triển.

Em Hồ Thị Thủy xúc động chia sẻ tại Diễn đàn.

Sự kiện do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức ngày 7-10, tại Hà Nội.

Nơi tảo hôn là "chuyện thường"

Gia đình Hồ Thị Thủy sống tại bản làng xa xôi nhất ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong bản, không ai nhớ được ông bà, cha mẹ đã định cư ở đây từ khi nào. Chỉ biết rằng, công việc hằng ngày của người trẻ trong bản là lên nương, lên rẫy bẻ ngô, hái măng, nhặt rau dại... còn người già thì ở nhà trông nom trẻ em.

"Con gái trong bản chỉ đến 15, 16 tuổi là phải lấy chồng hết cả. Có những người còn cưới từ lúc mới 12, 13 tuổi. Người trong bản không cưới người bên ngoài. Cứ lớn một chút, thích ai đó, rồi thì có bầu là có thể về xin bố mẹ bàn bạc chuyện cưới hỏi, không cần đăng ký kết hôn và nhiều thủ tục", Thủy chia sẻ.

Không lâu trước đây, anh trai Thủy cưới vợ. Chị dâu Thủy, không ai khác lại chính là Mai - cô em họ nhà sát bên. Lý do cưới cũng rất đơn giản và là chuyện "bình thường" ở bản: Có bầu thì lấy nhau thôi.

Lúc đó, Mai mới 14 tuổi. “Lấy chồng ở bản em đồng nghĩa với nghỉ học. Khi sinh con, vì còn nhỏ nên gia đình phải đưa Mai đến bệnh viện tuyến trên để mổ, may mắn là cũng được mẹ tròn con vuông. Theo tập tục, phụ nữ mới sinh nở không được về nhà, mà phải cùng con ở trong một túp lều nhỏ. Kiến thức xã hội, kiến thức sinh sản đều không có, kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh lại càng thiếu, nên việc phải ở cữ như vậy mang lại rất nhiều rủi ro cho cả Mai và đứa trẻ. Thế nhưng, cuối cùng tập tục vẫn chiến thắng", Thủy nói mà không kìm được xúc động.

Đến thời điểm hiện tại, dù đã sinh con được vài năm, nhưng gia đình Thủy vẫn chưa trả được hết khoản nợ từ việc đưa cô dâu mới đi sinh nở. "Còn nhiều hộ khác trong bản, phần vì không có điều kiện, phần lại theo tập tục nên vẫn cho sản phụ sinh nở tại nhà, rất nguy hiểm", Thủy nói.

Còn quá nhiều vấn đề nhức nhối

Diễn đàn diễn ra từ ngày 5 đến hết 7-10, với chủ đề "Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển", Diễn đàn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội... cùng 100 em gái từ nhiều địa phương trên cả nước.

Xoay quanh hai chủ đề chính "An toàn với trẻ em gái ở nông thôn" và "Tảo hôn và các hệ lụy", các đại biểu trẻ em gái đã chia sẻ về những thực trạng, thách thức, vấn đề mà các em gái đang phải đối mặt hằng ngày, ngay trên con đường đến trường và cả trong quá trình phát triển.

Các em gái trong nhóm "Hoa bản" trình bày một cách sinh động những thực trạng, vấn đề liên quan đến nạn tảo hôn ở nước ta.

"Cứ đến các dịp Tết, lễ hội cổ truyền, trẻ em gái tại các bản làng vùng cao khi lên nương rẫy, ra chợ, đi học... lại nơm nớp nỗi lo bị bắt về làm vợ một người không có cảm tình trong cuộc sống thường ngày hoặc thậm chí không quen biết. Trong ba ngày, nếu không trốn được khỏi nơi bị bắt về, bạn gái này coi như đã “qua một đời chồng” và nghiễm nhiên trở thành người của nhà chồng", các em gái dân tộc thiểu số trong nhóm "Hoa bản" chia sẻ tại Diễn đàn.

"Điều lạ lùng là ở bản, nhiều người nói rằng đi học mới là lêu lổng, tốn thời gian, không thành người, ở nhà làm nương rẫy mới ngoan, biết phụ giúp gia đình. Cũng vì thế, mà nhiều bạn, chị gái còn chưa đủ 18 tuổi đã có đến hai, ba con nhỏ. Nhiều “anh chồng” không có kiến thức, công ăn việc làm, chỉ chơi bời, nát rượu và đôi khi cả nghiện ngập. Hạnh phúc gia đình không hề có, dẫn đến đổ vỡ, ly hôn sau này", các em gái cho biết.

Từ các chia sẻ về những thực trạng tương tự, các em đã đề xuất nhiều ý kiến, khuyến nghị về ban hành, thực hiện nhanh chóng các chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em gái. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã lắng nghe, trao đổi, thảo luận trực tiếp, từ đó thể hiện cam kết về những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề mất an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng, cũng như nạn tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37843002-hay-hanh-dong-vi-quyen-cua-tre-em-gai.html