Hãy là người hâm mộ văn minh

Trận đấu với đội tuyển Thái Lan trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình hôm 19/11 đã khép lại hơn nửa chặng đường tham gia vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam trong năm 2019 với rất nhiều cảm xúc.

 Ông Ahmed Al Kaf trong trận tuyển Việt Nam gặp Thái Lan trên sân Mỹ Đình

Ông Ahmed Al Kaf trong trận tuyển Việt Nam gặp Thái Lan trên sân Mỹ Đình

Hơn một tuần trôi qua, song dư âm của trận đấu vẫn còn đọng lại trong rất nhiều người hâm mộ môn thể thao vua. Vui mừng, tự hào và xen lẫn một chút tiếc nuối. Ở một khía cạnh khác, diễn biến sau trận đấu lại cho thấy những hình ảnh không mấy văn minh về cách ứng xử của một bộ phận người hâm mộ Việt Nam.

Chắc hẳn ai cũng nhớ hai quyết định gây tranh cãi của trọng tài chính người Oman, ông Ahmed Al Kaf trong trận tuyển Việt Nam gặp Thái Lan trên sân Mỹ Đình. Tất nhiên, người hâm mộ Việt Nam có quyền bất bình trước những quyết định khó hiểu, được cho là “xử ép”, bất lợi với đội nhà, song việc hàng trăm người tìm vào trang cá nhân của vị trọng tài này chỉ trích, chửi mắng, thậm chí đe dọa là hành vi rất tiêu cực và thiếu văn minh. Sức ép lớn đến nỗi, ông Ahmed Al Kaf phải chuyển trạng thái trang Instagram cá nhân về chế độ riêng tư, sau đó mở lại nhưng khóa toàn bộ phần comment (bình luận). Đáng nói, rất nhiều nghệ sĩ Việt cũng lên mạng xã hội và dùng những từ ngữ không mấy văn minh để nói về vị trọng tài này, thậm chí, một nữ người mẫu nổi tiếng còn dùng từ “khốn nạn”!?

Chưa hết, ngay sau trận đấu, HLV thủ môn Sasa Todic của tuyển Thái Lan cũng trở thành tâm điểm chỉ trích của một số dân mạng sau khi có hành động khiêu khích ông Park Hang-seo. Cụ thể, vị trợ lý này đưa bàn tay ngang ngực hướng về HLV Park Hang-seo, lòng bàn tay úp xuống dưới, ám chỉ những người thấp hơn mình. Hành động này có thể hiểu mang hàm ý miệt thị chiều cao hoặc thậm chí có ý chê "trình độ lùn". Rõ ràng, hành động của ông Sasa Todic là đáng phê phán, song cách phản ứng của một bộ phận người hâm mộ Việt Nam lại hơi quá đà, xốc nổi. Nhiều cổ động viên quá khích đã đẩy sự việc đi xa khi tấn công trang cá nhân của vị trợ lý này bằng những ngôn từ hằn học, buộc ông Sasa Todic phải chuyển trang cá nhân sang chế độ riêng tư.

Nếu theo dõi trong thời gian qua có thể thấy, việc làm loạn, chửi bới, bình luận quá khích trên trang cá nhân cầu thủ đội bạn hay của trọng tài, HLV sau trận đấu là hành động không còn lạ lẫm của một bộ phận người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Chỉ cần thấy trọng tài xử lý trận đấu không công bằng, gây bất lợi cho đội nhà hay cầu thủ đối phương phạm lỗi, dân mạng sẽ tìm kiếm trang cá nhân của họ hay vào các fanpage đội bóng đó và để lại những bình luận không hay, suy cho cùng chỉ để thỏa mãn sự hiếu thắng của bản thân. Những việc làm này, phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đông đảo người hâm mộ bóng đá Việt nói chung.

Sau những tiêu cực, scandal đáng phê phán, hai năm qua, bóng đá Việt Nam đã khởi sắc trở lại với hàng loạt những thành tích, kỳ tích rực rỡ. Một lứa cầu thủ trẻ đầy nhiệt huyết, kỹ thuật, đoàn kết, ứng xử văn minh đang được gây dựng đã thổi bùng ngọn lửa đam mê cuồng nhiệt và niềm tin mãnh liệt của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, đi cùng với đó, mỗi cổ động viên hãy là người hâm mộ văn minh, để cùng chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về bóng đá nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hay-la-nguoi-ham-mo-van-minh-358620.html