Hãy là vàng thật

(VOH) - 123 giải thưởng cho 27 vở diễn của 18 đoàn tham dự hội diễn kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, đó là kết quả làm “ồn ào” và là đề tài bàn tán sôi nổi trong giới làm nghệ thuật và công chúng. Cứ tưởng sau 5 năm chuẩn bị, rút được kinh nghiệm sau những ồn ào, lùm xùm về khâu tổ chức đến thành phần ban giám khảo cũng như những qui định cho các đoàn kịch tham gia hội diễn thì kết quả hội diễn sẽ mang lại sự hài lòng cho công chúng. Nhưng, không ! Ngược lại, hội diễn kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc khép lại trong những cái lắc đầu ngao ngán, trong những câu hỏi, những ngơ ngác về giải thưởng và cả những nụ cười … ra nước mắt của những người nhận giải.

Mặc dù trước khi hội diễn diễn ra, ban tổ chức đã cam kết không có chuyện “mưa huy chương” với tỉ lệ khống chế 30% nhưng kết thúc hội diễn thì các vai diễn không để lại dấu ấn cho người xem cũng được xét trao huy chương thì huống chi là những vai khác. Có huy chương thì “vui”, đây là lẽ dĩ nhiên cho các đoàn, các diễn viên tham dự nhưng sau “niềm vui bất ngờ” ấy lại là sự ngạc nhiên vì không hiểu tại sao mình nhận được giải ! Khi mang vở diễn đi tham dự hội diễn, các đoàn nghệ thuật đều đặt mục tiêu phấn đấu là giải thưởng nhưng bên cạnh đó họ rất mong nhận được những ý kiến khen chê chính xác, những góp ý chân tình từ ban giám khảo, từ đồng nghiệp và nhất là từ công chúng để họ rút ra những bài học để xây dựng tốt hơn những tác phẩm sau này. Nhưng thực tế thì sao ? Hiện nay có thực trạng là sau các kì liên hoan hội diễn thì những đoàn, những cá nhân tham dự lại “hoang mang” vì không biết tác phẩm của mình đã làm hài lòng khán giả hay chưa vì giải thưởng bây giờ chưa đánh giá đúng chất lượng vở diễn. Xây dựng vở diễn, sáng tác nghệ thuật là phục vụ công chúng, là tìm tiếng nói chung giữa người làm nghệ thuật và khán thính giả nhưng hiện nay điều này chưa tìm ra được thước đo chuẩn mực. Nếu như ngày nay chúng ta ra đường gặp hoa hậu vì có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức trong năm thì các kì liên hoan nghệ thuật là “mùa của giải thưởng”. Và đi song hành cùng với nó là sự nhìn nhận đến độ nghi ngờ của khán giả đối với những thành tích của các đoàn nghệ thuật. Thái độ đó lây lan đến tận những người trong cuộc bởi đáp lại các kì liên hoan là thái độ thờ ơ và né tránh của các đoàn nghệ thuật. Không phải là họ không có tác phẩm tham dự, nhưng những bất cập trong khâu tổ chức đến giải thưởng đã làm cho những người tâm huyết với nghệ thuật nản lòng và thất vọng. Họ không muốn nhận giải thưởng theo tiêu chí “trao nhầm còn hơn bỏ sót” như hiện nay. Vậy thì làm sao để có một hội diễn chất lượng, làm sao để thị hiếu khán giả và người làm nghệ thuật gặp nhau. Hy vọng ở hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đúng phải là ... chuyên nghiệp chứ không phải mang kiểu “vui cả làng” cho các đoàn tham dự. Làm thế nào để tìm được tiếng nói đồng nhất giữa ban tổ chức, ban giám khảo, người làm nghệ thuật và khán giả ! Xin đừng biến giải thưởng trở thành niềm vui chung cho tất cả mọi người, vì có vui được không khi giải thưởng ngày càng giảm đi giá trị. Vàng ơi, xin hãy là vàng thật ! Mong lắm thay! Ngọc Bích

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/index.aspx?catid=24&id=23478