Hãy lấy sáng tạo làm niềm vui dù có phải thất bại

“Dành trọn những tháng lương, thưởng tết của 1 năm qua cho "sự nghiệp" nghiên cứu khoa học. Dù thế nào đi nữa cùng cần kiên định với lựa chọn “dấn thân” hoặc “chết" vì... nó mang lại niềm hạnh phúc từng ngày. Cảm ơn vợ, đồng nghiệp luôn sát cánh những lúc khó khăn này”.

Đó là những dòng chia sẻ của TS. Nguyễn Bá Hải - một nhà khoa học với nhiều tư duy mới, cách nghĩ, cách làm mới, tạo thành một “hiện tượng”, một luồng gió mới cho nền khoa học công nghệ Việt Nam trong năm 2015.

Mới đây, TS Nguyễn Bá Hải vừa ký kết hợp đồng hoàn thiện thiết kế sản xuất thử nghiệm 1.000 kính “mắt thần” cho người khiếm thị theo đơn đặt hàng của Chính phủ. TS Hải hy vọng rằng, sau 1 năm triển khai người khiếm thị sẽ đón nhận một phiên bản mới cải tiến hiệu quả hơn đối với người sử dụng.

Nhân dịp đầu xuân 2016, Khám phá đã có một cuộc trò chuyện nho nhỏ cùng nhà khoa học đang mang lại niềm cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ ham mê sáng tạo này.

- Có lẽ dấu ấn đáng nhớ nhất của anh trong năm 2015 là cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đơn hàng trị giá triệu đô có được sau cuộc đối thoại này. Anh có thể chia sẻ một chút về cảm xúc và suy nghĩ của mình tại thời điểm đó?

Đây là một dấu ấn khá đáng nhớ của Hải cũng như của những nhà khoa học trẻ tại Việt Nam. Ai cũng bận rộn với những dự án nghiên cứu của mình nên từ đó đến nay, chúng tôi chưa có dịp gặp lại nhau.

Sau cuộc gặp gỡ đó, có lẽ người khiếm thị Việt Nam rất vui vì họ thấy được Chính phủ luôn quan tâm tới người dân thuộc diện đặc biệt này. Nhóm nghiên cứu của Hải (Biorobotics Lab) tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng bắt đầu nhận được sự hỗ trợ ban đầu của Bộ Khoa học Công nghệ và TW Đoàn trong các qui trình, thủ tục và hỗ trợ kinh phí trang bị thêm máy móc cho nghiên cứu cải tiến nâng cao tính năng sản phẩm. Dù nghiên cứu khoa học là rất khó khăn nhưng nhóm mình sẽ nỗ lực không ngừng.

Dự án Mắt thần cho người khiếm thị của TS Nguyễn Bá Hải (trái) là một dự án phi lợi nhuận, sẻ chia đến cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Nếu chọn một sự kiện (ngoài sự kiện gặp Thủ tướng và dự án "mắt thần") trong năm 2015 làm điểm nhấn đáng nhớ nhất của mình trong năm, anh sẽ nói về điều gì?

Sự thất bại liên tục trong dự án nghiên cứu máy pha café của người Việt Nam là điều ám ảnh nhất với Hải và nhóm nghiên cứu. Dự án này nhằm giảm giá thành sản phẩm và đem lại một hương vị café độc đáo nhất nhờ công nghệ kết hợp Nhật (xiphong) – Việt (phin) – Ý (ép hơi nóng).

Đây là một chiếc máy rất đặc biệt giúp café sạch hơn (vì tối giản đường ống), lợi hơn (vì pha thêm được 20% so với cách pha truyền thống bằng phin của người Việt), ngon (rất giống “gu” café pha phin độc đáo & đậm đà người Việt – chứ không loãng như café pha từ máy ngoại nhập; nhanh hơn gấp 4 lần tốc độ pha truyền thống với số lượng pha tối đa lên đến 10 ly (so với chỉ 2 ly từ máy của Ý) giúp giảm giá thành nhân công pha chế.

Thất bại vì sau 2 năm nghiên cứu với 5 phiên bản, thì nhóm chỉ bán 2 máy ra thị trường vì… muốn cải tiến thêm. Đây cũng là bệnh nghề nghiệp của những người làm kỹ thuật. Nếu ta thấy còn cải tiến được trước khi đưa ra đại trà thì ta sẽ làm thay vì chỉ tập trung thu lợi nhuận từ thương mại hóa.

Từ khi dừng thương mại để đầu tư cải tiến tiếp, mình đã dùng toàn bộ lương đi giảng dạy và thưởng Tết ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật để tiếp tục đầu tư, số vốn dự tính lên tới khoảng 1 tỷ đồng. Chúng mình mong muốn sẽ ra mắt máy trong năm 2016.

Có lẽ, niềm vui nho nhỏ là 2 chiếc máy bán cho khách hàng đã giúp các cửa hàng kinh doanh thuận lợi khiến mình thấy ấm lòng và vững bước cải tiến máy móc.

- Anh từng cho biết, nếu có cơ hội gặp Thủ tướng một lần nữa, anh sẽ nói về chủ đề “giáo dục để khai sáng, giáo dục để hạnh phúc”. Giáo dục để khai sáng thì có lẽ ai cũng hiểu, nhưng giáo dục để hạnh phúc còn mới mẻ trong suy nghĩ của nhiều người. Vậy giáo dục để hạnh phúc theo suy nghĩ của anh là như thế nào?

Đúng, giáo dục của chúng ta cần cải tiến để làm sao “mỗi ngày đi học của người học là một ngày vui”. Chúng ta phải thay đổi tích cực hơn để nếu đời chúng ta không được hưởng nền giáo dục ấy thì con cháu chúng ta sẽ có cơ hội này.

- Một ngày không nghe thấy cái gì mới là anh không chịu được. Vậy một ngày thức dậy anh tìm hiểu cái mới như thế nào, anh làm sao để tiếp cận được những điều mới mẻ đó?

Dấn thân cho điều mình đã chọn: Khoa học biến ý tưởng thành sản phẩm phục vụ cuộc sống và góp phần làm cuộc sống nhân văn, tốt đẹp hơn.

- Anh từng chia sẻ: “Mỗi ngày sống bất tận với những niềm vui sáng tạo, thăng hoa, lắng nghe khát vọng quanh ta là tôi thấy hạnh phúc vô bờ bến rồi… công việc nào tốt hơn nữa”. Vậy những lúc nghiên cứu quá căng thẳng, quá mệt mỏi, hay những lúc rơi vào bế tắc chưa tìm được lối ra, anh thường làm gì để lấy lại cân bằng để tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu?

Để lấy lại cân bằng thì ta cần hun đúc một ý chí vượt khó. Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo ở Thanh Hóa, làm ruộng suốt năm tháng tuổi thơ, đi bán đồng hồ mắt kính dạo, hàn thuê, dạy kèm suốt 5 năm đại học và dạy kèm 4 năm tại Hàn Quốc để mưu sinh học tập. Hải thấy khó khăn chính là “mẹ thành công” và chỉ khiến mình mạnh mẽ hơn nên cần bình tĩnh vượt qua.

- Hiện nay phong trào làm khởi nghiệp (startup) của cộng đồng những người trẻ Việt Nam trong những năm trở lại đây đang phát triển rầm rộ, mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp startup tại VN đã thu được nhiều thành công và được định giá lên tới hàng chục triệu đôla. Là một người hướng dẫn, truyền lửa cho các bạn trẻ yêu khoa học, anh có chia sẻ gì đến những bạn trẻ đang bước chân vào khởi nghiệp để khởi nghiệp trở thành một làn sóng phát triển mạnh mẽ ở VN trong tương lai không xa?

Hãy cẩn trọng, startup không phải là một trò chơi và không phải bạn của những người hời hợt. Nếu bạn biết rõ đam mê của mình và dấn thân với nó thì tôi ủng hộ, nếu không thì hãy cứ làm công việc đang ổn định của mình (chứ không nên khởi nghiệp khi chưa hiểu rõ đam mê bản thân và cân nhắc kỹ).

-Tháng 11-2015, ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã thành lập khoa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Mục đích hoạt động của khoa là gì? Trong năm 2016, khoa sẽ có những kế hoạch, hoạt động ra sao để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên?

Mục đích của khoa là khơi gợi, hỗ trợ biến ước mơ của người học thành hiện thực. Khoa đã và đang hợp tác với các chương trình của chính phủ Hoa Kỳ, UNICEF, IPP (Phần Lan) để xúc tiến nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người học.

Khoa cũng đang triển khai không gian dùng chung chia sẻ cho các startup. Quán café Startup (Khởi nghiệp) cũng có những chương trình hỗ trợ như sàng lọc ý tưởng, phản biện ý tưởng khởi nghiệp cho các bạn sinh viên tại số 01 – Võ Văn Ngân – Thủ Đức – TP.HCM. Các bạn có thể tới và sử dụng miễn phí hoạt động hỗ trợ này.

- Anh có thể chia sẻ một chút về khởi nghiệp siêu tinh gọn. Đây có phải là cách làm startup phù hợp với đối tượng là sinh viên không? Người tham gia startup siêu tinh gọn sẽ có những lợi thế gì?

LEAN STARTUP là một mô hình về qui trình "khởi nghiệp tinh gọn". Nó có thể không giúp bạn thành công 100% nhưng nó giúp bạn khởi nghiệp nhanh hơn, chi tiêu đúng đắn hơn, rút ngắn thời gian trong mọi khâu nhờ việc thích nghi hóa dịch vụ/sản phẩm đặc thù của bạn. Hải đã đọc và thấy sách hay nên tìm được bản tóm tắt này để chia sẻ tới bạn. Các bạn có thể download tại facebook: Lớp học sáng tạo cùng TS. Nguyễn Bá Hải.

- Tại sao anh lại chọn không gian là một căn nhà làm từ thùng Container để nghiên cứu và trao đổi?

Nó giúp tôi thoải mái và sáng tạo hơn.

-Thời gian 1 ngày cho việc nghiên cứu, rồi đi dự các cuộc hội thảo, gặp gỡ các nhóm khởi nghiệp, tham gia làm giám khảo cho các cuộc thi… Vậy thời gian dành cho gia đình, làm tròn bổn phận của 1 người chồng, người cha của anh sẽ như thế nào?

Gia đình là một góc riêng của mình và rất may mắn gia đình mình luôn chia sẻ đam mê và những khó khăn của mình trong nghiên cứu. Khi có thời gian rảnh, mình thu xếp để quây quần bên cạnh với gia đình.

- Trong năm mới 2016, dự định của anh là gì để tiếp tục cống hiến cho xã hội, cho khoa học. Sẽ có công trình, sản phẩm gì mới đang được ấp ủ và thực hiện trong tương lai?

Máy café JAVI dựa trên công nghệ độc đáo Nhật – Việt - Ý do Hải và nhóm nghiên cứu phát minh hy vọng sẽ giúp người uống café thấy được mọi thứ trong qui trình chế biến café, đồng thời Hải chỉ chuyển giao cho những cửa hàng bán café sạch do Hải và nhóm nghiên cứu cung cấp hoặc chứng minh được nguồn gốc (có kiểm soát liên tục trong năm) café sử dụng tại cửa hàng.

Nhóm mình thà mất đi lợi nhuận từ việc cung cấp máy pha café chứ nhất định không đồng hành với café bẩn gây bệnh tật cho người Việt Nam & du khách tại Việt Nam.

Nhân dịp năm mới, Hải chúc bạn đọc của Khám phá một năm mới Vạn sự như ý.

Chúc anh dồi dào sức khỏe và đón một cái Tết ấm áp, hạnh phúc bên gia đình và người thân!

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hay-lay-sang-tao-lam-niem-vui-du-co-phai-that-bai-c7a386060.html