Hãy lên tiếng thay vì im lặng!

Hầu hết các nạn nhân bị quấy rồi tình dục (QRTD) nơi làm việc đều chọn cách giấu kín vì… lo sợ mất việc. Theo các chuyên gia tâm lý, nạn nhân cần lên tiếng để bảo vệ mình thay vì im lặng.

QRTD nơi làm việc, hầu hết nạn nhân im lặng không dám tố cáo. Ảnh minh họa: Internet

Nói ra cũng… chả được gì!

Vụ việc một ca sĩ bị vũ công Phạm Lịch lên tiếng tố cáo QRTD đang làm "dậy sóng" dư luận. Đây chỉ là một trong số ít nạn nhân dám lên tiếng để đưa sự thật ra ánh sáng, còn rất nhiều người đã từng bị QRTD ở các mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều chỉ biết… âm thầm chịu đựng.

Ông Trịnh Lê Anh - người dẫn chương trình “Người giấu mặt” chuyên khai thác những câu chuyện nóng bỏng, nhạy cảm, những góc khuất của xã hội của Đài Truyền hình ANTV chia sẻ: Chương trình của tôi mới chỉ xuất hiện những chàng trai làm trong giới showbiz, hoặc công việc liên quan đến nghệ thuật, còn chưa thấy bóng dáng những người làm việc nơi công sở, giáo viên, kỹ sư, hay công nhân.

Theo ông Trịnh Lê Anh, không chỉ các bạn trẻ mà có cả những phụ nữ đã 60 tuổi cũng ngại nói những chuyện riêng tư của mình vì họ cho rằng nói ra cũng… chả được gì!

Tại một cuộc tọa đàm có tựa đề "Chống QRTD nơi làm việc" do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc Gia Hà Nội) tổ chức mới đây, các bạn nữ khi được hỏi sẽ làm gì khi bị QRTD nơi làm việc hầu hết đều trả lời rằng sẽ im lặng vì lo mất việc; số ít cho biết ban đầu lên mạng xã hội facebook để chia sẻ cảm xúc cá nhân, nhưng không nói thẳng, nếu bị quấy rối ở mức độ nghiêm trọng hơn sẽ xin nghỉ việc chứ không đủ can đảm để tố cáo.

Thậm chí, có nam sinh chia sẻ chính mình là nạn nhân bị QRTD, nhưng nói ra không ai lắng nghe, bảo vệ hay bênh vực em. Vì vậy, em cảm thấy căng thẳng quá sức chịu đựng, nhiều khi phải uống thuốc trầm cảm, có lúc đã muốn tự tử. Cuối cùng, em đã cố gắng tự mình thoát ra khỏi “vũng lầy” bằng cách… chuyển công tác.

Là chuyên gia tâm lý lâu năm trong nghề, tiếp xúc nhiều với các nạn nhân liên quan đến QRTD, bà Nguyễn Hà Thanh - Quản lý Chương trình Hợp tác và Phát triển tại Trường Đại học FPT đưa ra lời khuyên: Nạn nhân bị QRTD hãy lên tiếng thay vì im lặng. Có 2 ngưỡng để xử lý: Thứ nhất nếu hành động xấu xa, ghê tởm thì phải phản kháng mạnh mẽ, làm đơn tố cáo lên tổ chức công đoàn hoặc hội phụ nữ; còn nếu dừng lại ở mức độ cảm thấy bị làm phiền thì phát tín hiệu bày tỏ thái độ không đồng tình ngay lập tức.

Pháp luật cần nghiêm khắc

Dưới góc độ pháp lý, hành vi QRTD là một trong những hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2012. Đến năm 2015, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc”.

Theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào mức độ, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt về hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, theo các nhà làm luật, QRTD ở Việt Nam vẫn chưa được nhận diện một cách đầy đủ và có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả. Nạn nhân bị QRTD đang là người phải đi tìm công lý chứ không phải là người được bảo vệ.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Hà Nội) chia sẻ: Ở các nước phát triển như Mỹ, QRTD được quy định trong pháp luật hình sự từ năm 1980, kể từ đó đến nay các hành vi này được đưa ra công khai xét xử. Tại châu Á, cũng có rất nhiều các quốc gia luật hóa hành vi QRTD như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng quy định QRTD là tội phạm. Điển hình như tại Philippines, kẻ có hành vi QRTD sẽ bị phạt tù từ 1 đến 6 tháng, hoặc bị phạt 200 - 400 USD hoặc cả hai… Trong khi tại Việt Nam, hành vi QRTD lại thường bị bỏ qua do nạn nhân QRTD không dám lên tiếng tố cáo vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ bị trả thù, chê trách bởi bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh.

Hậu quả của quấy rối tình dục xâm phạm trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, do đó, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng: Pháp luật phải nghiêm khắc và sát sao hơn với loại tội hạm này, cần có những tiền lệ để xử lí nghiêm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, tránh những hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Ca sĩ bị vũ công Phạm Lịch tố cáo có bị kết tội QRTD không?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết: Chúng ta mới chỉ nắm bắt được những thông tin về vụ việc từ phía Phạm Lịch và phát ngôn từ phía ca sĩ kia.

Theo quy định của pháp luật, để kết tội hay phán xét một người phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh, không được quy kết tội cho một người khi chưa có đủ bằng chứng. Do vậy, để khẳng định được rằng ca sĩ có bị xử lý không thì cần phải tiếp tục điều tra làm rõ.

Sau quá trình điều tra nếu đủ căn cứ chứng minh ca sĩ đã thực hiện các hành vi QRTD thì theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, anh ta có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng” và nếu ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/hay-len-tieng-thay-vi-im-lang_t114c7n134113