Hãy nghĩ đến tiết kiệm phòng khi cần tiền

Mỗi sáng thức dậy, trước khi làm bất cứ điều gì khác, bạn hãy dành vài phút để suy nghĩ về mục tiêu tiết kiệm của bạn. Bạn định làm gì? Cuộc sống tiếp theo sẽ như thế nào nếu không đủ tiền để trang trải cho cuộc sống hằng ngày?

Vì sao phải tiết kiệm, dành dụm một khoản tiền?

Trong cuộc sống đôi khi có những điều xảy ra bất ngờ. Bạn bè lâu ngày không gặp rủ bạn đi ăn tối, một món hàng đang giảm giá, ốm đau hoặc bạn quên đóng phí bảo hiểm hằng tháng. Mặc dù đây là những trường hợp hiếm gặp nhưng trên thực tế nó vẫn xuất hiện. Đó là lý do tại sao bạn cần tạo ra một quỹ chi phí phát sinh.

Hãy nghĩ về những thứ bạn bị cám dỗ để phải tiêu tiền, khi đó, “ngân sách dự trữ” này có thể giúp ích cho bạn. Thực chất, bạn thừa nhận rằng có thể bạn sẽ tiêu xài số tiền này chứ không phải để dành mãi, tức là không phải để tích lũy dài hạn. Bằng cách này, bạn sẽ không bị bối rối hoặc khó xử vì đã có quỹ khẩn cấp của mình.

Bạn hãy kiểm lại những thói quen tiêu dùng, chi tiêu hằng ngày của bạn

Làm thế nào để tiết kiệm trước bao nhiêu cám dỗ?

Khi bạn còn trẻ, bạn không thể bỏ qua một chiếc áo đúng mode, một cặp mắt kiếng sành điệu làm tôn lên vẻ đẹp của gương mặt hay một bộ váy đúng style của một ca sĩ đang hot mà bạn rất ái mộ. Thế là bạn phải chi tiền để có được chúng.

Bạn có quyền cho phép mình làm điều đó nhưng để có thể tạo sự ổn định và không phải đối diện với những bất trắc trong cuộc sống, chúng ta phải hoạch định giải pháp chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày.

Trong ngày đẹp trời xuống phố, khi bạn chuẩn bị mua hàng, hãy dừng lại một chút và tự hỏi mình: "Tôi mua hàng có ý định trước hay bất chợt? Điều này có khiến tôi thoải mái khi nghĩ đến mục tiêu của mình không?", “Có cần thiết lắm không?”. Đây là một phương pháp tốt để chi tiêu đúng đắn và tiết kiệm hiệu quả.

Bạn hãy kiểm lại những thói quen tiêu dùng, chi tiêu hằng ngày của bạn, quyết định xem những thứ cần mua, nếu chưa cần thiết hãy mạnh dạn cắt bỏ. Cách đơn giản này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền một cách hiệu quả.

Mỗi khi vào siêu thị mua đồ, trước khi thanh toán, bạn nên dừng lại để kiểm kê những mặt hàng thực sự không cần thiết và bỏ nó ra khỏi danh sách chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản và dành số tiền đó cho những mục cần thiết khác.

Nếu bất chợt nhớ lại bạn không biết tiền của mình đang ở đâu, còn bao nhiêu và không biết đã tiêu xài vào việc gì, thì nên theo dõi chi tiêu của bạn. Lập một bảng liệt kê những thứ bạn đã chi tiêu. Kiểm tra nó vào cuối tháng và xem xét bạn đã lãng phí vào những mục gì, sau đó, hãy điều chỉnh vào tháng sau.

Phải nhìn nhận rằng: ảnh hưởng từ bên ngoài là yếu tố to lớn tác động đến lựa chọn chi tiêu. Do vậy muốn tiết kiệm với khoản thu nhập ổn định hằng tháng, bạn phải tỉnh táo cân nhắc và phân tích các lý do bạn muốn mua một món hàng nào đó. Nếu bạn thấy quá thích nhưng chưa gấp, bạn có thể chờ đến khi món hàng giảm giá. Bên cạnh đó, hãy học cách kiềm chế trước những món hàng đang giảm giá nhưng không thật sự cần thiết.

Khi chuẩn bị đi siêu thị hay đến shop, bạn hãy chịu khó gạch đầu dòng những thứ bạn cần mua. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào nhu cầu cần thiết, tránh thích gì mua nấy rồi để đó cả năm không đụng đến. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ kiểm soát được túi tiền và tránh lãng phí, hơn nữa còn tiết kiệm thời gian mua sắm.

Khi chuẩn bị đi siêu thị hay đến shop, bạn hãy chịu khó gạch đầu dòng những thứ bạn cần mua

Chi tiêu lớn nhất là khoản chi phí cố định và chi phí sinh hoạt hằng ngày

Chi phí cố định là những khoản chi để đảm bảo những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống gia đình mà tháng nào bạn cũng phải trang trải gần giống nhau như: tiền thuê nhà, điện, nước, điện thoại, internet…

Chi phí sinh hoạt bao gồm tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mua đồ dùng cần thiết, đám tiệc, hiếu hỉ và hàng tá loại chi phí không tên khác. Phần chi phí này chiếm không nhỏ trong tổng chi tiêu của gia đình và nó có thể tăng vọt không ngờ ở mỗi thời điểm khác nhau.

Thực tế cho thấy: những chi tiêu ăn uống, sinh hoạt trong gia đình thường cộng lại từ những khoản nhỏ lẻ hằng ngày nên nếu mình không chú ý và dè sẻn thì dễ bị thâm hụt “ngân sách”.

Như vậy, giải pháp để chi tiêu hợp lý trong gia đình không phải nằm ở việc thu nhập cao hay thấp mà nằm ở sự khéo léo sắp xếp. Chúng ta phải kiên quyết cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, theo dõi nguồn thu và kiểm soát chặt chẽ khoản chi trong gia đình. Đó là những cách giúp bạn có được cuộc sống được thoải mái.

TRÚC GIANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hay-nghi-den-tiet-kiem-phong-khi-can-tien-15658.html