Hãy nhớ, Emirates mãi mãi là di sản của Arsene Wenger!

Ngày mai, mặt trời vẫn lặn và mọc tại Emirates nhưng chẳng ai thấy Arsene Wenger ở đó nữa. Tòa pháo đài chứng kiến một kỷ nguyên khép lại để mở ra một chương mới.

Arsene Wenger bước ra từ đường hầm, các cổ động viên hát vang tên ông. Wenger nhấp giọng định nói gì đó rồi dừng lại, bởi các cổ động viên có mặt tại Emirates chưa dừng hát. Họ muốn kéo dài khoảnh khắc Wenger đứng trên mặt cỏ Emirates lâu hơn một chút.

Arsene Wenger trải qua buổi lễ chia tay giàu cảm xúc tại Emirates.

Phải hắng giọng vài lần, Wenger mới có thể cất lời.

Với những người nhạy cảm, hình ảnh ấy sẽ khiến họ bật khóc. Không còn những biểu ngữ "Wenger out" nữa, 60.000 người có mặt tại Emirates mặc chung chiếc áo in số 22 sau lưng, kèm theo dòng chữ "Merci Arsene". Các cổ động viên của Burnley hô vang "Chỉ có một Wenger".

"Giáo sư" bước vào đường hầm để kết thúc một kỷ nguyên. Nhiều cổ động viên Arsenal từng rất muốn nhìn thấy hình ảnh đó nhưng khi nó đến, họ lại muốn quay ngược thời gian. Nếu truy đến nguồn gốc, Emirates là nguyên nhân khiến một thập kỷ cuối cùng tại Arsenal của "giáo sư" trở thành thảm họa.

"Khi câu lạc bộ xây dựng sân vận động, các ngân hàng đề nghị tôi ký hợp đồng 5 năm" - Wenger chia sẻ hồi năm 2016: "Các ngân hàng muốn sự nhất quán về mặt kỹ thuật để đảm bảo chúng tôi có khả năng trả tiền cho họ".

Kể từ thời điểm đón Arsene Wenger năm 1996, ban lãnh đạo Arsenal đã ấp ủ ý định nâng cấp sân Highbury bé nhỏ. Không được phép mở rộng Highbury, Arsenal mua lại một mảnh đất rộng lớn, vay thêm tiền từ các nhà băng để xây dựng nên "pháo đài" mới, chính là Emirates của bây giờ.

Sân Emirates là di sản của Arsene Wenger.

Tầm ảnh hưởng của Arsene tại Emirates chưa dừng lại ở đó. Phòng thay đồ cũng là sản phẩm thiết kế của Wenger với cấu trúc cong, không góc cạnh bởi ảnh hưởng của thuyết Phong thủy phương Đông. Ông cũng ngăn cản việc xây dựng các cột trụ trong khu vực kỹ thuật bởi điều đó làm giảm khả năng giao tiếp.

Emirates là di sản Wenger để lại cho những thế hệ sau này của Arsenal. Cũng chính Emirates đặt lên vai vị chiến lược gia lãng mạn áp lực ghê gớm.

"Tôi muốn kết thúc câu chuyện tình với Arsenal bằng cái kết viên mãn" - Arsene Wenger nói như thế sau khi tuyên bố ra đi vào cuối mùa giải. Một người mang tâm hồn lãng mạn như thế, ví 22 năm gắn bó với Arsenal nhẹ nhàng như câu chuyện tình phải sống gần một thập kỷ để giữ sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, thành tích và cả lối chơi mang chất bản sắc riêng.

Vì không có tiền, Arsenal từng sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng. Vì không có tiền, Arsenal không đủ sức thu hút những ngôi sao hàng đầu, không đủ sức giữ chân những trụ cột. Vì không có tiền, Arsene Wenger buộc phải suy tính rất nhiều trước khi nghĩ đến một thương vụ nào đó trên thị trường chuyển nhượng.

Vì Arsenal không có tiền, Wenger mang danh "gã hà tiện".

22 năm gắn bó với Arsenal, Arsene Wenger tự ví đây là "một câu chuyện tình".

Kết thúc câu chuyện tình, Arsene Wenger sẽ được sống trong những ngày tháng thảnh thơi, sẽ không còn phải băn khoăn cân bằng giữa nhiều nhóm lợi ích nữa. Giờ thì người ta có thời gian để lắng lại, để nhìn nhận rằng Emirates là một di sản vĩ đại mà "giáo sư" góp công để lại trong lịch sử Arsenal.

"Tôi sẽ thoải mái ngồi trong ngân hàng Miền Bắc. Điểm tích cực là, tôi có thể hò hét với người kế nhiệm từ ngân hàng Miền Bắc" - Wenger từng nói đùa như thế.

Mặt trời hôm nay lặn xuống, ngày mai sẽ mọc lên. Emirates vẫn đứng đó như một minh chứng...

Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về ngày chia tay Arsene Wenger:

Nguồn Bóng Đá 24H: https://bongda24h.vn/bong-da-anh/hay-nho-emirates-mai-mai-la-di-san-cua-arsene-wenger-172-185781.html